Ké đồng tiền
Ké đồng tiền, Chổi đực trắng, Bái trắng - Sida cordifolia L., thuộc họ Bông - Malvaceae.
Mô tả của cây Ké đồng tiền:
Ké đồng tiền là dạng cây bụi nhỏ, sống 2 năm, mọc đứng; thân hoá gỗ, cao 0,60-1m, có lông mềm. Lá hình tim - bầu dục, có 3 thuỳ, bề ngang dài hơn bề dài, phiến lá có lông trắng, mép hơi có răng. Lá kèm hình dải, rất nhiều lông, sớm rụng.
Hoa vàng nhóm họp thành ngù dày đặc ở ngọn cành. Đài hình đấu, có 5 thuỳ hình tam giác, mặt ngoài có nhiều lông tơ, mặt trong ít lông hơn. Cánh hoa 5, hình tam giác ngược, nhẵn. Nhị nhiều, cột nhị có lông xồm xoàm. Bầu có lông đến tận đỉnh. Vòi nhụy 6-10, nhẵn đến sát gốc. Quả nang có 6-10 mảnh, mở ở đỉnh bằng một rãnh hẹp. Hạt có phủ lông ở đỉnh.
Sinh thái của cây Ké đồng tiền:
Ké đồng tiền mọc ở vùng đất cát, dựa sông suối, ở độ cao tới 200m. Ra hoa tháng 3-7.
Phân bố của cây Ké đồng tiền:
Ké đồng tiền mọc rải rác nhiều nơi ở Việt Nam. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước vùng nhiệt đới.
Bộ phận dùng của cây Ké đồng tiền:
Toàn cây Ké đồng tiền - Herba Sidae Cordifoliae.
Thành phần hoá học của cây Ké đồng tiền:
Cây ké đồng tiền có nhiều chất nhầy. Trong cây có một alcaloid có tác dụng giống thần kinh giao cảm khá rõ, rất gần gũi, hoặc có thể là tương đồng với ephedrin.
Tính vị, tác dụng của cây Ké đồng tiền:
Ké đồng tiền có vị ngọt, hơi cay, tính bình, có tác dụng hoạt huyết hành khí, thanh nhiệt giải độc.
Công dụng làm thuốc của cây Ké đồng tiền:
Ở Campuchia, người ta dùng rễ cây Ké đồng tiền để trị bệnh lậu. Còn phối hợp với các vị thuốc sắc uống trong để trị ecpet mọc vòng. Ở Ấn Độ, nước sắc rễ cây Ké đồng tiền với gừng dùng hạ sốt. Vỏ rễ cây Ké đồng tiền nấu với dầu vừng và sữa có hiệu quả trong việc điều trị liệt mặt và đau dây thần kinh hông. Dùng làm bột trộn với sữa và đường để trị chứng đái nhiều và bạch đới. Dịch của toàn cây Ké đồng tiền, thêm nước uống trị di tinh. Dịch rễ dùng làm vết thương chóng lành. Hạt dùng trong điều trị bệnh lậu; cũng dùng trị cơn đau bụng và cảm giác buốt mót.
Ở Trung Quốc, toàn cây Ké đồng tiền dùng trị viêm gan, lỵ, lưng cơ lao tổn, thiếu lực và mụn nhọt mưng mủ.