Hy thiêm cành tuyến
Hy thiêm cành tuyến, Hy thiêm lông, Cúc dính - Sigesbeckia pubescens Makino, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả của cây Hy thiêm cành tuyến:
Hy thiêm cành tuyến là dạng cây thảo hằng năm, thân mọc đứng, cao 0,60-1,20m, phân nhánh từ phía gốc, phủ lông tuyến trắng dày đặc, nhiều nhất ở phần ngọn. Lá hình bầu dục đến tam giác bầu dục thuôn, dài 6-15cm, rộng 4-12cm, mép có răng không đều, cả hai mặt đều phủ lông mềm, dày.
Cụm hoa chung dạng ngù, ở ngọn mang nhiều cụm hoa đầu trên cuống dài 15-35mm, phủ lông tuyến dài. Tổng bao có 5 lá bắc có lông tuyến. Hoa cái ở mép cụm hoa đầu, có tràng dạng lưỡi nhỏ màu vàng nhạt; các hoa lưỡng tính ở giữa có tràng hình ống, màu vàng nhạt, mặt ngoài phủ lông tơ. Quả bế dài 2,5-3,5mm, có 4 góc, màu nâu, không có mào lông.
Sinh thái của cây Hy thiêm cành tuyến:
Hy thiêm cành tuyến mọc trên các trảng cỏ ven rừng thưa và trên các nương rẫy bỏ hoá, ở độ cao 100-1700m
Ra hoa và có quả từ tháng 3 đến tháng 10.
Phân bố của cây Hy thiêm cành tuyến:
Hy thiêm cành tuyến phân bố ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản.
Bộ phận dùng của cây Hy thiêm cành tuyến:
Toàn cây Hy thiêm cành tuyến - Herba Sigesbeckiae Pubescentis.
Tính vị, tác dụng của cây Hy thiêm cành tuyến:
Hy thiêm cành tuyến có vị đắng, tính lạnh, ít độc. Có tác dụng khư phong thấp, lợi cân cốt, thông lạc, giáng huyết áp.
Công dụng làm thuốc của cây Hy thiêm cành tuyến:
Cả cây (bỏ rễ) Hy thiêm cành tuyến chữa phong thấp, đau nhức xương (Kinh nghiệm dân gian Cao Bằng) (TVCVN 7: 316).
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây Hy thiêm cành tuyến dùng trị phong thấp đau khớp, lưng gối vô lực, tứ chí tê liệt, bán thân bất toại, cao huyết áp, thần kinh suy nhược, viêm gan truyền nhiểm thể hoàng đản cấp tính, sốt rét. Dùng ngoài trị sang tiết thũng độc.