Huyệt khuynh tía
Huyệt khuynh tía, Cúc chén - Cyathocline purpurea (Buch.-Ham. ex D. Don) Kuntze, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả của cây Huyệt khuynh tía:
Huyệt khuynh tía là dạng cây thảo mọc hằng năm; cao 10-50cm. Lá có phiến xẻ lông chim sâu thành thuỳ nhọn, dài 2,5-10 (12)cm, rộng 1,5-2cm, mép có răng cưa không đều, hai mặt phủ lông; cuống rất ngắn. Cụm hoa chung dạng ngù kép; các cụm hoa đầu sít nhau. Tổng bao cao 5mm; đế hoa hình chén. Các hoa ở mép là hoa cái có tràng màu hơi tím nhạt, có 3 thuỳ ở đỉnh; các hoa ở giữa lưỡng tính có tràng dạng ống lớn hơn, chia 5 thuỳ ở đỉnh, cũng có màu tím nhạt. Quả bế hình thoi, không có mào lông mà chỉ có vòng lông toả ra.
Sinh thái của cây Huyệt khuynh tía:
Huyệt khuynh tía mọc ở ven suối, ven sông nơi ẩm, vách núi, các bãi cát gần đường, ở độ cao đến 1800m.
Ra hoa, kết quả từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Phân bố của cây Huyệt khuynh tía:
Huyệt khuynh tía phân bố ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Hà Nội. Còn có ở Trung Quốc, Nêpan, Ấn Độ.
Bộ phận dùng của cây Huyệt khuynh tía:
Toàn cây Huyệt khuynh tía - Herba Cyathoclines.
Thu hái vào mùa hạ-thu, rửa sạch, sơ chế, phơi trong râm.
Tính vị, tác dụng của cây Huyệt khuynh tía:
Huyệt khuynh tía có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm chỉ huyết, trừ thấp lợi niệu, sát trùng.
Công dụng làm thuốc của cây Huyệt khuynh tía:
Dân gian dùng toàn cây hay cành lá cây Huyệt khuynh tía nấu nước xông chữa đau mắt.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây Huyệt khuynh tía được dùng trị viêm dạ dày-ruột cấp tính, trúng thử, viêm bàng quang, viêm họng, viêm xoang miệng, thổ huyết, nục huyết, ngoại thương xuất huyết. Ở Quảng Tây, cây Huyệt khuynh tía còn được dùng trị sốt rét.