Huyết hoa

Huyết hoa, Hoa quốc khánh - Haemanthus multiflorus (Tratt.) Martyn, thuộc họ Thuỷ tiên -Amaryllidaceae.
Mô tả của cây Huyết hoa:
Huyết hoa là dạng cây thảo lưu niên, với hành có áo, mang 3-5 lá dài 12-15cm, hình xoan - ngọn giáo; cuống lá lốm đốm tím. Cán hoa mập cao 30-40cm, mo màu tim tím bao lấy tán hoa gồm 40-50 hoa màu đỏ chói; nhị có bao phấn màu vàng. Quả màu đỏ cam.
Sinh thái của cây Huyết hoa:
Huyết hoa là loài của Phi châu nhiệt đới, được nhập trồng. Cây thường ra hoa vào dịp Quốc khánh và lụi vào mùa đông.
Phân bố của cây Huyết hoa:
Huyết hoa trồng ở một số tỉnh phía bắc vào tới Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh. Còn được trồng ở châu Phi và một số nước Đông Nam Á.

Bộ phận dùng của cây Huyết hoa:
Hành - Bulbus Haemanthi Multiflori.
Thành phần hoá học của cây Huyết hoa:
Từ hành của nhiều loài khác nhau, người ta đã tách được các alcaloid độc trong đó có buphanin, lycorin, haemanthin, coccinin, menthidin, menthin, montanin, natalensin, tazettin và distichin; trong số này, montanin, natalensin và một số ít khác có tác dụng hạ huyết áp rất rõ.
Tính vị, tác dụng của cây Huyết hoa:
Huyết hoa có tác dụng tiêu thũng.
Công dụng làm thuốc của cây Huyết hoa:
Ở Phi châu, hành được dùng làm thuốc duốc cá; cũng có độc đối với lợn.
Ở Ấn Độ, dịch ép của hành được dùng ngoài trị bệnh phong, mụn loét, cảm sốt, hen, ho và vết thương.
Ở Trung Quốc, thân hành được dùng ngoài trị vô danh thũng độc.