Huyết giác

Huyết giác

Huyết giác, Trầm dứa, Cây xó nhà - Dracaena cambodiana Pierre ex Gagnep., thuộc họ Bồng bồng - Dracaenaceae.

Mô tả của cây Huyết giác:

Huyết giác là dạng cây nhỡ cao tới 3,5m, có thể cao tới 10m, to 30cm, ở gốc; thân thẳng, một số thân già hoá gỗ, rỗng giữa, màu đỏ nâu, nhánh có sẹo lá to, ngang. Lá mọc khít nhau, hẹp, nhọn, dài 30-50cm, rộng 1,2-1,5 (-4)cm.

Chùy hoa dài, có thể tới 2m, chia nhiều nhánh dài, mảnh. Hoa màu vàng, dài 8mm, thường xếp 3-5 (-10) cái trên các nhánh nhỏ. Quả mọng tròn, đường kính 8-10mm, khi chín màu đỏ, chứa 3 hạt. 

Sinh thái của cây Huyết giác:

Huyết giác mọc tự nhiên dưới tán rừng, ven suối, trên núi đá vôi trong đất liền và hải đảo.

Ra hoa tháng 5-7, có quả tháng 8-10.

Phân bố của cây Huyết giác:

Huyết giác phân bố từ Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hoà vào tới Kiên Giang.

Còn có ở Trung Quốc, Campuchia.

Bộ phận dùng của cây Huyết giác:

Phần thân hoá gỗ màu đỏ của cây Huyết giác - Lignum Dracaenae, thường gọi là Huyết giác, hay Huyết kiệt - 血竭. Người ta cũng dùng nhựa của cây và lá.

Thu hái gỗ vào mùa đông, bóc bỏ vỏ ngoài, lấy lõi đỏ, chẻ nhỏ, phơi khô.



Thành phần hoá học của cây Huyết giác:

Sơ bộ mới biết chất màu đỏ trong cây Huyết giác tan trong cồn, aceton, acid, không tan trong ête, chloroform và benzen.

Tính vị, tác dụng của cây Huyết giác:

Huyết giác có vị chát, tính bình, có tác dụng chỉ huyết, hoạt huyết, sinh cơ hành khí.

Công dụng làm thuốc của cây Huyết giác:

Hoa huyết giác ăn được, Huyết giác được dùng chữa bị thương máu tụ sưng bầm, đòn ngã tổn thương, bế kinh, tê mỏi, đau lưng nhức xương và đơn sưng, u hạch, mụn nhọt. Dùng ngoài đắp bó gãy xương. Ngày dùng 8-12g sắc uống. Hoặc dùng thuốc ngâm rượu uống hoặc xoa.

Ở Trung Quốc, người ta sử dụng nhựa cây và lá để trị đòn ngã tổn thương, trĩ sang xuất huyết, tâm phúc thống, ngũ tạng tà khí, háo suyễn, lỵ, tiểu tiện xuất huyết, thổ huyết, khái huyết, ngoại thương xuất huyết, trẻ em cam tích.

Đơn thuốc của cây Huyết giác:

1. Rượu xoa bóp: Huyết giác 20g, Quế chi 20g, Thiên niên kiện 20g, Đại hồi 20g, Địa liền 20g, Gỗ vang 40g. Các vị tán nhỏ, cho vào chai với 500ml rượu 30 độ, ngâm một tuần lễ, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Khi bị thương do đánh đập, té ngã, đau tức, bầm ứ huyết, dùng bông tẩm rượu thuốc xoa bóp. Nhân dân dùng ngâm rượu Huyết giác 2/10 uống chữa đau mỗi khi lao động nặng hoặc đi đường xa sưng chân, đặc biệt chữa bị thương tụ máu (uống và xoa bóp).

2.    Vùng tim đau nhói, ngực căng tức, vai đau ê ẩm, sống lưng bị trật do gánh vác nặng và leo chạy nhiều lao lực, dùng Huyết giác, Đương quy, Ngưu tất, Mạch môn, Sinh địa, mỗi vị 12g sắc uống. Nếu có sốt, ho, tim to thì gia Dành dành, Thiên môn, Địa cốt bì, Huyền sâm, mỗi vị 12g, sắc uống.

3.    Thuốc bổ máu: Huyết giác 100g, Hoài sơn 100g, Hà thủ ô 100g, quả Tơ hồng 100g, Đỗ đen sao cháy 100g, Vừng đen 30g, Ngải cứu 20g, Gạo nếp rang 10g. Tất cả tán bột trộn với mật làm thành viên. Ngày dùng 10-20g.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...