Huyết áp thấp, vì sao?

Huyết áp thấp, vì sao?

Huyết áp thấp là khi huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 50mmHg (<90/50). Bệnh nhân ý thức lơ mơ hoặc mất hoàn toàn do thiếu oxy não. Nguyên nhân đôi khi chỉ do quá xúc động, như trông thấy tai nạn, chảy máu hoặc đau khi tiêm, nhổ răng.

Huyết áp thấp đột biến là tình trạng huyết áp đang bình thường hay cao từ trước, nay hạ xuống đột ngột (hạ khoảng 30-40mmHg). Trường hợp này thường là do một bệnh lý. Hạ huyết áp đột ngột gây ra tình trạng suy tuần hoàn cấp. Huyết áp có thể rất thấp hoặc mất, mạch nhanh, nhỏ hoặc không bắt được. Ý thức lơ mơ hoặc mất hoàn toàn do thiếu oxy não.

Các mức độ suy tuần hoàn từ nhẹ đến nặng

- Choáng váng, xây xẩm, thoáng ngất, nằm xuống một lúc thì thấy đỡ.

- Ngất: xảy ra nhanh, mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim rồi phục hồi nhanh chóng.

- Trụy mạch: xảy ra đột ngột, ý thức lơ mơ, huyết áp hạ, mạch nhanh, nhỏ. Thường gặp ở các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh tim mạch giai đoạn nặng.

- Sốc: xảy ra từ từ, mạch nhanh, huyết áp hạ, trán vã mồ hôi.

- Chết đột ngột: là tình trạng không có huyết áp, không mạch. Không hồi phục mặc dù cấp cứu hồi sức tốt.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp đột biến

Cường phó giao cảm: còn gọi là cường phế vị, người xanh xao, mệt mỏi, hay ngáp, nhịp tim chậm. Huyết áp hạ đột ngột xảy ra khi lo sợ, khi quá xúc động như trông thấy tai nạn, chảy máu hoặc đau khi tiêm, khi nhổ răng...

Một số bệnh tim mạch: viêm cơ tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm tim toàn bộ... Nhồi máu cơ tim thường có cơn đau thắt ngực dữ dội hoặc có cảm giác nằng nặng trước ngực từ lâu, đo điện tâm đồ sẽ thấy có tổn thương điển hình.

Chảy máu cấp: do chấn thương vỡ tạng đặc biệt (gan, lách, thận) do xuất huyết nội như chảy máu dạ dày tá tràng, chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, ho ra máu, vỡ thai ngoài dạ con...

Mất nước nhiều do tiêu chảy, nôn liên tục

Hạ đường huyết: Do bị đói, dùng quá liều thuốc điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân cảm thấy chân tay bủn rủn, chóng mặt, lờ đờ, buồn ngủ, trán vã mồ hôi.

Phản ứng thuốc hay sốc phản vệ với các loại kháng sinh penicillin, streptomycin, aspirin... Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc muộn hơn vài giờ. Bệnh nhân thấy tê môi, người bứt rứt khó chịu, mắt có thể sưng húp, mạch nhanh. Không cấp cứu kịp thời có thể chết.

Sốc khi hút dịch ở màng phổi, màng tim, màng bụng: Do hút tốc độ nhanh hoặc hút nhiều dịch trên bệnh nhân sẵn có cơ địa cường phế vị. Có khi chỉ mới chọc kim qua da, bệnh nhân đã thấy choáng váng, mặt tái nhợt, muốn nằm, vã mồ hôi trán, mạch nhanh.

Các trường hợp huyết áp hạ đột biến, cần xử trí rất khẩn trương để cứu sống người bệnh.

Huyết áp thấp liên tục: là huyết áp luôn luôn thấp hơn mức bình thường. Hiện tượng này thường gặp ở người có cơ địa huyết áp thấp và ở một số bệnh gây huyết áp thấp.

Hai thể của huyết áp thấp liên tục

Huyết áp thấp tiên phát: do cơ địa hay do cấu tạo của cơ thể, thường xuyên có huyết áp thấp, nhưng không có trở ngại gì trong sinh hoạt. Loại này không có triệu chứng, không cần dùng thuốc điều trị, trừ trường hợp bị ngất, nhất là do lao động chân tay nặng.

Huyết áp thấp hậu phát: thường do một nguyên nhân nào đó gây ra. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, thoáng ngất, ngón tay, ngón chân lạnh, có khi tím da.

8 nguyên nhân gây huyết áp thấp hậu phát

- Cơ thể suy mòn lâu ngày do ung thư, lao, đái tháo đường, xơ gan.

- Nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài.

- Thiếu máu mãn tính: do giun móc, do các bệnh mãn tính.

- Suy tim: thường hạ huyết áp tối đa.

- Do uống thuốc điều trị huyết áp liều cao hay điều trị kéo dài. Cần kiểm tra huyết áp khi uống thuốc, nhất là loại thuốc methyldopa.

- Addison: suy vỏ thượng thận, sạm da, người mệt, chóng mỏi các cơ, không làm được các việc gắng sức.

- Bệnh suy giáp trạng: phù cứng, ấn lõm, mặt béo, môi dày, lưỡi to, các ngón chân, ngón tay cũng mập, chậm chạp, lười suy nghĩ. Huyết áp hạ, mạch nhỏ chậm.

- Do các bệnh thần kinh: bệnh tabes, rỗng tủy sống...

Hạ huyết áp tư thế đứng: xảy ra khi đang nằm mà đứng dậy, huyết áp tối đa vẫn cố định hoặc giảm đi 10-20mmHg, còn huyết áp tối thiểu tăng lên. Người hạ huyết áp tư thế đứng là người có huyết áp bình thường, khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng, huyết áp tối đa giảm quá 20mmHg và huyết áp tối thiểu bình thường hay hạ, tức là <90mmHg/50mmHg.

Triệu chứng: khi đứng dậy, huyết áp hạ, chóng mặt, người loạng choạng, muốn ngất, tim đập nhanh. Thể nặng thì ngất, ngã gục xuống. Nếu người bệnh được nằm thì sẽ hồi phục bình thường.

Nguyên nhân: Thường do dùng thuốc làm mất nước ngoài tế bào như thuốc lợi tiểu, do chế độ ăn kiêng muối; đang dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc trầm cảm; bị cắt đoạn thần kinh giao cảm thắt lưng, người giãn tĩnh mạch chỉ quá mức; có thai, nhược cơ, thiếu máu... Hạ huyết áp thế đứng còn gặp ở người làm việc trong các ngành nghề phải đứng liên tục nhiều tiếng đồng hồ (đứng gác, đứng máy, làm tiếp viên).

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...