Huyền tinh

Huyền tinh, Bạch tinh hay Nưa - Tacca leontopetaloides (L.) Kuntze (T. pinnatifida J.R. Forst, et G.Forst.), thuộc họ Râu hùm - Taccaceae.
Mô tả của cây Huyền tinh:
Huyền tinh là dạng cây thảo nhiều năm, không có thân, có nhiều củ tròn màu nâu. Từ củ mọc lên những lá có cuống lá dài tới 2m; phiến lá chia 3 lần; mỗi phần phiến lá lại mang 5-8 cặp đoạn lá hình ngọn giáo còn men theo cuống lá; các thuỳ không đều nhau. Mới trông qua, lá Huyền tinh giống lá Khoai nưa. Cụm hoa trên một trục cao 0,2-0,5m, có lá bắc rộng ở ngoài, và nhiều lá bắc hình dải như sợi chỉ. Hoa xanh; 3 lá đài; 3 cánh hoa nhỏ; 6 nhị; bầu hạ, đính noãn bên. Quả không mở, chứa nhiều hạt.
Sinh thái của cây Huyền tinh:
Huyền tinh mọc hoang nơi ẩm mát ven rừng, rừng thứ sinh. Cũng được trồng để lấy củ.
Ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 9-12.
Phân bố của cây Huyền tinh:
Huyền tinh phân bố ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang.
Còn có ở Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Nuven Calêđôni, Ôxtrâylia, châu Phi.

Bộ phận dùng của cây Huyền tinh:
Củ và toàn cây Huyền tinh - Tuberculum et Herba Taccae.
Tính vị, tác dụng của cây Huyền tinh:
Huyền tinh có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi dạ dày và chữa thương.
Công dụng làm thuốc của cây Huyền tinh:
Củ cây Huyền tinh chứa nhiều bột, nếu chế biến kỹ dùng ăn ngon và thích hợp với người bị bệnh lỵ. Cũng dùng tốt cho người đi tiểu ra máu.
Ở Ấn Độ và ở Nuven Calêđôni, củ cây Huyền tinh dùng làm thức ăn và làm thuốc trị lỵ.
Cây huyền tinh được dùng ở Nuven Calêđôni trị bệnh ngoài da và các vết cắn của rắn biển.