Hướng dương

Hướng dương

Hướng dương - Helianthus annuus L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả của cây Hướng dương:

Hướng dương là dạng cây thảo sống hằng năm; thân mọc đứng, cao 1-3m, phân nhánh ở phần trên, thường có đốm và có lông cứng. Lá thường mọc so le; phiến lá hình trứng, dài 7-45cm, rộng 3¬40cm, mép có răng, hai mặt phủ lông cứng; cuống dài 2-6cm; các lá ở phía dưới hình tim. Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7-20 (30)cm, đơn độc ở ngọn cành. Tổng bao hình trứng, gồm nhiều hàng lá bắc xếp lợp. Đế hoa bằng hoặc hơi nhô lên. Các hoa hình lưỡi ở mép màu vàng, các hoa lưỡng tính ở giữa có tràng dạng ống, màu vàng, đầu có 5 thuỳ. Quả bế, hình trứng ngược, màu đen, có gờ nhỏ. 

Sinh thái của cây Hướng dương:

Hướng dương là nguyên sản ở châu Mỹ được nhập trồng, có nhiều thứ, thích nghi với nhiều loại khí hậu từ vùng cao đến vùng thấp. Sinh trưởng tốt ở các vùng khí hậu mát, ôn hoà với độ ẩm cao, nhiều ánh sáng, trên đất tơi xốp nhiều mùn. Ở nước ta, hướng dương trồng ở độ cao trên 1000m thì ra hoa kết quả bình thường.

Ra hoa tháng 10-12, có quả đến tháng 4 năm sau.

Phân bố của cây Hướng dương:

Hướng dương phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hà Nội vào các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Kiên Giang. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Inđônêxia.

Bộ phận dùng của cây Hướng dương:

Rễ, thân (lõi), lá, đế hoa, hoa, hạt, vỏ quả cây Hướng dương - Radix, Medulla, Folium, Receptaculum, Flos, Semen, Pericarpium Heliant hi Annul; thường có tên là Hướng nhật quỳ - 向日葵.

Thành phần hóa học của cây Hướng dương:

Hoa hướng dương chứa một glucoside flavonic màu vàng (0.266% trọng lượng khô của các cánh hoa), các thành phần basic (cholin, betain), acid solanthic, thường kết hợp với calcium và cũng tìm thấy cả ở thân. Trong các lá bắc, có một chất nhựa trong suốt như nhựa thông. Gần đây, người ta đã xác định được là trong hoa chứa chất cryptoxanthin, lutein, taraxanthin và một ít caroten. Lá chứa caroten (0,111% trọng lượng khô); còn có một glucosid. Thân cây chứa glucosid, acid solantic và phần lõi thân là một phức hợp galacturonic, rất giàu calcium. Trong quả, nếu tính theo phần trăm trọng lượng khồ có: chất có albumin 13.50; nuclein 0,51; lecithin 0,23; dầu 30,19; đường 2,13; pentosan 2,74; cellulose 31,4; tro 2,86. Tinh dầu hướng dương gồm 1,2% chất không xà phòng hoá và các glycerid của acid linoleic (57,5%), oleic (33,4%), palmitic (3,5%), stearic (2,9%), arachic (0,6%), lignoceric (0,4%).

Tính vị, tác dụng của cây Hướng dương:

Hướng dương có vị ngọt dịu, tính bình. Cụm hoa có tác dụng hạ huyết áp và giảm đau. Rễ và lõi thân tiêu viêm, lợi tiểu, chống ho và giảm đau. Lá tiêu viêm, giảm đau, trị sốt rét. Hạt trị lỵ, bổ cho dịch thể, xúc tiến bệnh sởi chống phát ban. Hướng dương có tác dụng kháng sinh đối với Staphylococcus aureus, Escherichia coli và các bào tử của Neurospora crassa, là một loại thuốc giảm sốt, có thể dùng trị sốt rét của trẻ em (cồn chiết hoa và lá) và là thuốc hạ nhiệt không gây phản ứng bảo vệ cơ thể. Dầu hướng dương là một loại dầu ăn tốt vì nó giàu acid béo.

Công dụng làm thuốc của cây Hướng dương:

Cụm hoa đầu của cây Hướng dương dùng trị:

1. Huyết áp cao, đau đầu, choáng váng;

2. Ù tai, đau răng;

3. Đau gan, đau bụng, đau kinh;

4. Viêm vú, tạng khớp.

Rễ và lõi thân cây Hướng dương dùng trị:

1. Đau đường tiết niệu và sỏi, dưỡng trap niệu;

2. Viêm phế quản, ho gà;

3. Khí hư.

Hạt hướng dương dùng trị:

1. Chán ăn, mệt mỏi và đau đầu;

2.  Kiết lỵ ra máu;

3. Sởi phát ban không đều.

Lá cây Hướng dương dùng trị sốt rét. Dùng ngoài trị bỏng, bỏng do nước nóng hay nắng nóng.

Dùng cụm hoa đầu 30-90g, rễ và lõi thân 15- 30g, dạng thuốc sắc. Nếu dùng nước chiết của hoa (1/10) ngâm trong 2-3 giờ, ngày uống 2-3 lần.

Đơn thuốc của cây Hướng dương:

Trị huyết áp cao, dùng cụm hoa Hướng dương 60g, Râu ngô 30g sắc nước uống. Khi uống, pha thêm đường.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...