Hướng dương dại
Hướng dương dại, Sơn quỳ, Quỳ, Cúc quỳ - Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. Gray, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả của cây Hướng dương dại:
Hướng dương dại là dạng cây bụi sống hằng năm, cao 2-5m; thân có lông sát, phân cành nhiều. Lá hình bầu dục, hoặc bầu dục thuôn, phiến có thuỳ, mép có rảng cưa nhỏ; hai mặt lá phủ lông ngắn và cả lông tuyến.
Cụm hoa đầu ở ngọn, trên cuống dài 20-25cm, đường kính 6-8cm, có mùi thơm; lá bắc 3-4 hàng cao đến 2cm; hoa ở mép hình lưỡi, màu vàng tươi, lép; các hoa lưỡng tính ở giữa hình ống, màu vàng nhạt; giữa hoa có vẩy cao 1cm. Quả bế có hai răng cứng ở đỉnh.
Sinh thái của cây Hướng dương dại:
Hướng dương dại là loài cây của các xứ nhiệt đới châu Mỹ, được nhập trồng nay trở thành hoang dại, ở nhiều nơi, từ vùng thấp đến vùng cao 1800m. Thường gặp dọc đường đi và các bãi hoang.
Ra hoa và có quả từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Phân bố của cây Hướng dương dại:
Hướng dương dại phân bố ở Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Nội, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An vào tới Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng.
Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào và Inđônêxia.
Bộ phận dùng của cây Hướng dương dại:
Lá cây Hướng dương dại - Folium Tithoniae.
Tính vị, tác dụng của cây Hướng dương dại:
Hướng dương dại có vị cay, tính nóng, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng.
Công dụng của cây Hướng dương dại:
Lá cây Hướng dương dại thường được lấy làm phân xanh hữu cơ tự nhiên rất tốt. Lá cũng được dùng xát trị ghẻ.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá cây Hướng dương dại dùng trị viêm dạ dày ruột cấp tính và trị mụn nhọt lở (ung sang); còn ở Quảng Tây, được dùng Hướng dương dại trị lở ngứa sưng độc (sang dương thũng độc).