Húng giổi

Húng giổi

Húng giổi, Húng quế hay É trắng - Ocimum basilicum L, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.

Mô tả của cây Húng giổi:

Húng giổi là dạng cây bụi nhỏ, cao tới 50-80cm, có mùi thơm đặc biệt. Cành vuông. Lá đơn, mọc đối, màu lục bóng, hơi khía răng ở mép. Hoa mọc thành chùm đơn, dài đến 20cm, gồm những vòng 5-6 hoa cách xa nhau. Hoa nhỏ, có tràng hoa màu trắng hay hồng, chia hai môi; môi dưới hơi tròn, còn môi trên chia thành 4 thuỳ đều nhau. Quả bế tư, rời nhau; mỗi quả chứa 1 hạt đen, bpóng, có vân mạng.

Sinh thái của cây Húng giổi:

Húng giổi là loài cổ nhiệt đới, được trồng để lấy cành lá làm rau ăn sống như là gia vị thơm, nhưng cũng được trồng để lấy hạt làm thạch. Có thể gieo hạt vào tháng 3 và trồng vào tháng 6. Cây thích hợp với đất phù sa, đất thịt... Ra hoa tháng 7-9, có quả tháng 10-12.

Phân bố của cây Húng giổi:

Húng giổi phân bố từ Hà Giang, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và nhiều nơi khác.

Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia, Philippin.

Bộ phận dùng của cây Húng giổi:

Toàn cây và hạt cây Húng giổi - Herba et Semen Ocimi.

Thu hái vào mùa hè thu, rửa sạch và phơi khô.

Thành phần hoá học của cây Húng giổi:

Toàn cây Húng giổi chứa tinh dầu (0,02-0,08%), có hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa. Tinh dầu có mùi thơm của Sả và Chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol metyl-chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.

Tính vị, tác dụng của cây Húng giổi:

Cây húng giổi có vị cay, tính nóng, mùi thơm dịu; có tác dụng kích thích sự hấp thụ, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, lương huyết, giảm đau. Quả có vị ngọt, và cay, tính mát; kích thích thị lực. Hoa có tính chất lợi tiểu, bổ thần kinh.

Sách Vân Nam trung dược ghi: Sơ phong giải biểu, tiêu thũng chỉ thống, hoạt huyết, giải độc.

Công dụng làm thuốc của cây Húng giổi:

Cành lá cây Húng giổi được dùng trị:

1. Sổ mũi, đau đầu;

2. Đau dạ dày, đầy bụng;

3. Kém tiêu hoá, viêm ruột, tiêu chảy;

4. Kinh nguyệt không đều;

5. Chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp.

Dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da. Giã lá tươi để đắp ngoài hoặc nấu nước rửa. Quả dùng trị đau mắt, mờ đục giác mạc. Dùng 2,5-5g, dạng thuốc sắc. Hoa dùng tốt, cho những người bị bệnh thần kinh, trẻ em ít ngủ người lớn bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng, viêm họng và ho, trẻ em ho gà. Cũng dùng tốt cho các chứng đau có nguồn gốc thần kinh hay dạ dày. Ngoài ra, nó còn kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây và hạt Húng giổi dùng trị vị tràng trướng khí, tiêu hoá bất lương, vị thống, trường viêm phúc tả, ngoại cảm phong hàn, phong thấp, bế kinh, thấp chẩn, viêm da.

Đơn thuốc của cây Húng giổi:

1.    Chữa chứng bồn chồn, lo âu, đau đầu, ho, viêm họng: dùng 20-40 nhúm lá Húng giổi và hoa khô hãm trong 1 lít nước sôi. Ngày uống 2-3 ly.

2.    Lợi sữa: Sắc một nắm lá Húng giổi trong 1 lít nước. Ngày dùng 2 ly.

3.    Sổ mũi, khó tiêu, tiêu chảy: 15g cành lá Húng giổi sắc nước uống.

Chữa mẩn ngứa, dị ứng: Lá Húng giổi (cả hoa, quả, hạt càng tốt) giã nhỏ vắt lấy nước uống, còn bã đem xát lên chỗ đau.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...