Hu đen

Hu đen - Trema orientalis (L.) Blume, thuộc họ Du - Ulmaceae.
Mô tả của cây Hu đen:
Hu đen là dạng cây gỗ cao 3-5m hay hơn, có nhiều cành nhánh toả rộng ra; vỏ thân nhẵn rất dễ bóc. Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn, dài 7-13cm, rộng 3-3,5cm, hai mặt đều có lông ráp; gân nổi rõ ở hai mặt, mép có răng cưa nhỏ, đều; cuống lá 0,8-1,2cm, phủ lông mịn; lá kèm hình dải, sớm rụng. Cụm hoa xim co ở nách lá, mỗi cụm 3-5 hoa. Hoa nhỏ, nhiều, hoa đực dài 1mm, hoa cái dài 2mm. Quả nhỏ hình trứng, nhẵn, khi chín có màu vàng, chứa 1 hạt, có vỏ cứng.
Sinh thái của cây Hu đen:
Hu đen mọc rải rác ven rừng thứ sinh, chân đồi, các bãi hoang, trên các trảng cây bụi ở độ cao lên đến 1700m. Cây ưa sáng, chịu được đất mỏng, khô xấu. Sinh trưởng nhanh. Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 9-10.
Phân bố của cây Hu đen:
Ở nước ta, Hu đen có gặp từ Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An vào Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng.
Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Bộ phận dùng của cây Hu đen:
Rễ, lá cây Hu đen - Radix et Folium Tremae Orientalis.
Thành phần hóa học của cây Hu đen:
Trong 100g chồi non và lá chứa 83,1g protid; 4,0g glucid; 6,4g xơ; 2,6g tro; 2,2g caroten; 3,1mg vitamin C.
Tính vị, tác dụng của cây Hu đen:
Hu đen có vị chát, tính bình; có tác dụng thu liễm cầm máu, tán ứ tiêu thũng.
Công dụng làm thuốc của cây Hu đen:
Cây hu đen cho gỗ và cho sợi dùng làm giấy và bông nhân tạo. Các chồi non và lá non vò kỹ cho bớt ráp, thái nhỏ, xào hay nấu canh ăn được như Rau đay.
Ở Ấn Độ, người ta sử dụng rau này làm thuốc chữa động kinh.
Ở Trung Quốc, rễ và lá cây Hu đen dùng chữa ngoại thương xuất huyết, đòn ngã sưng ứ.