Hồng trâu

Hồng trâu, Cây mề gà, Khua mật - Capparis versicolor Griff, thuộc họ Màn màn - Capparaceae.
Mô tả của cây Hồng trâu:
Hồng trâu là dạng cây bụi trườn dài 3-4m, có thể leo cao tới 10m; nhánh non màu xanh, nhánh già không lông. Lá có phiến hình mác thuôn hoặc hình mác ngược, dài 6-10cm, rộng 2,5-3,5cm, gân bên 7-8 đôi; cuống lá dài tới 8-9mm; gai cong, to.
Cụm hoa ở ngọn nhánh; cuống hoa dài 2-2,5cm; lá đài có rìa lông; cánh hoa cao 8mm, trụ nhuỵ dài 1,5cm mang bầu có 5 giá noãn. Quả mọng hình trứng hoặc hình cầu to 5-6cm, khi chín có màu da cam; thịt màu hồng; hạt to 17x11mm, hình cái dạ dày dẹp.
Sinh thái của cây Hồng trâu:
Hồng trâu mọc rải rác trong rừng thứ sinh, trảng cây bụi, vùng đồi núi đá vôi.
Phân bố của cây Hồng trâu:
Hồng trâu phân bố ở Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà.
Còn có ở Trung Quốc, Mianma, Lào.

Bộ phận dùng của cây Hồng trâu:
Rễ, lá, hạt cây Hồng trâu - Radix, Folium et Semen Capparidis Versicoloris.
Tính vị, tác dụng của cây Hồng trâu:
Hồng trâu có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống; hạt thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát.
Công dụng làm thuốc của cây Hồng trâu:
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), rễ, lá, hạt cây Hồng trâu được dùng làm thuốc trị sưng đau họng và thũng độc. Còn ở Quảng Đông, hạt được dùng trị thương hàn nhiệt bệnh người nóng miệng khát, sởi, viêm họng, ăn không tiêu bị đầy bụng và thũng độc.
Dùng trong, sắc nước uống, với liều 4-8g; dùng ngoài giã bôi.
Ghi chú:
Thịt quả có độc, ăn nhiều vào lúc đói sẽ bị ngộ độc gây váng đầu, buồn nôn rồi nôn mửa, tiêu chảy, ngạt thở dẫn đến tử vong.
Giải độc bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, cho uống nước chè đặc. Nếu có triệu chứng ngạt thở, cho thở ôxy và làm hô hấp nhân tạo.