Hồng mai

Hồng mai

Hồng mai, Đỗ mai, Sát thử đốm - Gliricidia sepium (Jacq.) Walp. (Robinia septum Jacq.), thuộc họ Đậu - Fabaceae.

Mô tả của cây Hồng mai:

Hồng mai là dạng cây nhỡ cao 4-7m. Cành non có lông. Lá mọc so le, có khi gần như đối, kép lông chim lẻ; lá chét 9-15, hình trái xoan bầu dục hay ngọn giáo, dài 4-5cm, rộng 1,5-3cm, gần nhẵn, mốc mốc ở dưới, có mũi nhọn ngắn.

Hoa khá to, màu trăng trắng hay hồng, thành chùm ở nách lá; đài hình chuông, cụt hay có 5 răng nhỏ; thường mang những đốm nhỏ màu đo đỏ; tràng có cánh cờ hình mắt chim, lõm, dài 15-20mm. Quả đậu dài 10-15cm, rộng 1-2cm. Hạt 3-6, dẹp.

Sinh thái của cây Hồng mai:

Hồng mai là loài của châu Mỹ nhiệt đới, được nhập trồng ở các xứ nhiệt đới Á châu như loài cây cảnh và cây che bóng. Ta thường trồng ở các vườn hoa và cũng trồng làm cây nọc cho hồ tiêu leo.

Ra hoa tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Phân bố của cây Hồng mai:

Hồng mai được trồng ở Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ phận dùng của cây Hồng mai:

Hạt, lá và vỏ cây Hồng mai - Semen, Folium et Cortex Gliricidiae.

Tính vị, tác dụng của cây Hồng mai:

Các bộ phận của cây Hồng mai được xem như là độc đối với chuột và các loài gậm nhấm khác nhưng không có hại đối với gia súc. Người ta cho rằng do tác dụng lên men của vi khuẩn, coumarin trong cây sẽ biến đổi thành dicoumarol có tính chất chống đông máu. Chất này làm giảm hàm lượng prothrombin do gan tiết ra, làm cho chuột bị chết do xuất huyết nội tạng.

Lá, cuống lá và vỏ được xem như là có hoạt tính sát trùng rất rõ.

Công dụng làm thuốc của cây Hồng mai:

Lá và hoa Hồng mai có thể dùng ăn như lá và hoa cây So đũa. Nước sắc lá dùng uống hạ nhiệt và chống tăng huyết áp; thêm nước vào dùng tắm để điều trị hăm kẽ, ban bạch và ghẻ. Dịch ép từ cành lá giã ra, hoà loãng trong nước dùng uống trị tiêu chảy. Lá tươi để nguyên hay giã nát dùng lót chuồng gia súc, gia cầm có thể trừ được bọ chét và côn trùng gây hại.

Để diệt chuột, có thể dùng nhiều phương pháp để chế bã làm mồi. Thông thường, người ta tán hạt, lá và vỏ cây thành bột mịn rồi trộn với gạo. Cũng có thể dùng hai phần vỏ cây băm nhỏ nấu với một phần nước, đem nước đặc này trộn với hạt lúa mì hay thóc ngâm trong vài giờ rồi lấy các hạt này làm bã. Hoặc nghiền nát lá và vỏ cây với hạt lúa mì hay gạo, thêm nước đánh nhuyễn rồi phết lên những khoanh Chuối. Có khi chỉ cần nghiền lá và vỏ cây với hạt ngũ cốc ẩm. Đặt bã chuột ở chỗ có nhiều chuột qua lại, chuột ăn phải bả này sẽ chết sau vài ngày.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...