Hồng bì rừng

Hồng bì rừng - Clausena anisata (Willd.) Hook.f. ex Benth, (Clausena dunniana Lévl. et Fedde), thuộc họ Cam - Rutaceae.
Mô tả của cây Hồng bì rừng:
Hồng bì rừng là dạng cây gỗ cao 7-8m, vỏ thân màu xám nhạt, có lỗ bì; cành non có lông mịn dày. Lá kép lông chim mọc so le, dài đến 38cm, mang 4-6 đôi lá chét hình mũi mác, dài 8-9cm, rộng 3,5-4cm, có gốc không cân, lúc non có lông, có các điểm tuyến màu trắng trong, có mùi thơm. Chuỳ hoa ở ngọn nhánh cao 25-30cm; hoa màu xám xanh hay lam. Quả hình trái xoan, dài 1,2cm, rộng 9mm, mọng nước, vỏ màu xanh có tuyến tinh dầu thơm hắc, chứa 5-7 hạt hình thận.
Sinh thái của cây Hồng bì rừng:
Hồng bì rừng thường gặp trong các rừng thưa, rừng bị tàn phá và rừng đang phục hồi.
Ra hoa tháng 8, có quả tháng giêng năm sau.

Phân bố của cây Hồng bì rừng:
Hồng bì rừng phân bố ở Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng.
Còn có ở Trung Quốc, Thái Lan, trồng ở Malaixia, Inđônêxia.
Bộ phận dùng của cây Hồng bì rừng:
Rễ, lá cây Hồng bì rừng - Radix et Folium Clausenae Anisatae.
Thành phần hoá học của cây Hồng bì rừng:
Lá, vỏ quả, vỏ thân cây Hồng bì rừng đều chứa tinh dầu. Vỏ rễ chứa Imperatorin, Dentatin và Nordentatin.
Tính vị, tác dụng của cây Hồng bì rừng:
Hồng bì rừng có vị đắng, cay, tính ấm. Rễ giải biểu khư phong, hành khí chỉ thống, trừ thấp tiêu thũng. Có sách ghi: Vị đắng hơi cay, tính mát, có tác dụng sơ phong lý khí, trừ thấp hoá ứ.
Công dụng làm thuốc của cây Hồng bì rừng:
Quả hồng bì rừng ăn được, có vị chua. Ở Trung Quốc, rễ cây Hồng bì rừng dùng trị cảm mạo sốt cao, sốt rét, đau dạ dày, thuỷ thũng, viêm khớp do phong thấp. Lá dùng trị sởi không mọc, bệnh mẩn ngứa, gãy xương, sai khớp, trẹo chân. Dùng trong, sắc uống với liều 8-10g; dùng ngoài nấu nước rửa.