Hồng

Hồng - Diospyros kaki L.f., thuộc họ Thị - Ebenaceae.
Mô tả của cây Hồng:
Cây hồng là dạng cây gỗ lớn cao tới 15m. Lá mọc so le, hình trứng hay trái xoan, mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới có lông tơ nhạt. Hoa đực mọc chụm lại thành xim ở nách lá, có 2 lá bắc, 14-24 nhị, thường là 16. Hoa cái mọc đơn độc, đài xẻ 5 thuỳ, bầu có 4 vòi nhuỵ và 4 ô, thường có vách chia làm 8 ngăn. Quả mọng 3,5-8cm, nhẵn, khi chín màu vàng hay đỏ, mang đài tồn tại và không gập xuống. Hạt dẹt, màu nâu vàng.
Sinh thái của cây Hồng:
Cây hồng là nguyên sản ở Nhật Bản và Trung Quốc. Ở Việt Nam có trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng và vùng núi. Có nhiều chủng được ưa thích nhất là Hồng Lạng Sơn (Hồng vuông) với quả hình cầu, khi chín màu vàng lục, thịt dòn; Hồng Hạc ở Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ có vỏ mỏng, không hạt, ruột đỏ da cam.
Hoa tháng 4-6 và có quả tháng 8-10.
Phân bố của cây Hồng:
Cây hồng trồng phổ biến ở Việt Nam.
Còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác.

Bộ phận dùng của cây Hồng:
Tai Hồng - Calyx Kaki; là phần đài còn dính vào quả khô, thường gọi là Thị đế - 柿蒂. Quả Hồng, nước ép từ quả và chất đường trong quả cũng được sử dụng.
Ta thu hoạch quả Hồng vào tháng 9-10, lấy quả ăn, thu lấy tai Hồng phơi hay sấy khô. Còn quả Hồng hái về, moi hạt ép bẹp, ngày phơi hay sấy, đem phơi tới khô, cho vào hộp, đến khi vỏ ngoài có mốc trắng, lấy ra sấy ở nhiệt độ 50-60 độ tới khô.
Người ta còn dùng:
1. Nước ép từ quả Hồng phơi khô hay sấy khô - Succus Kaki siccatus, thường gọi là Thị tất - 柿漆;
2. Chất đường trong quả Hồng - Saccharum Kaki, thường gọi là Thị sương - 柿霜.
Khi làm mứt Hồng, chất đường tiết ra, ta thu lại cho vào nồi đun lửa nhẹ, khi thành đường thì đổ vào khuôn, phơi hay sấy ở nhiệt độ 40-45 độ cho se, dùng dao cắt, rồi phơi khô hẳn.
Vỏ quả, rễ, lá cũng được sử dụng.
Thành phần hoá học của cây Hồng:
Trong tai Hồng có các thành phần sau: acid oleanolic, acid ursolic, acid betulic, acid syringic, acid vanillic, p-sitosteryl-P-glucoside, trifblin, hyperin và kaempferol. Quả Hồng chứa 88-90% nước; 0,7%-0,9% protid; 6,2-8,6% glucid, 10mg% calcium, 19mg% phosphor; 0,16mg% caroten, 16mg% vitamin C.
Tính vị, tác dụng của cây Hồng:
Tai Hồng có vị đắng, chát, tính bình; có tác dụng giáng nghịch hạ phong, hạ khí, ấm trung tiêu. Quả Hồng có vị ngọt, chát, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trừ đờm, khỏi ho, sinh tân dịch.
Thị sương có vị ngọt, tính mát, có tác dụng sinh tân lợi yết, nhuận phế chỉ khái. Thị tất có tác dụng giáng áp.
Rễ, lá đều vị đắng, chát, tính mát. Rễ thanh nhiệt, lương huyết, lá giáng áp.
Công dụng làm thuốc của cây Hồng:
Tai Hồng dùng trị ho, nấc, đi đái đêm, ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng hàn. Ngày dùng 4,5-9g, dạng thuốc sắc hay bột. Quả Hồng dùng làm thuốc bổ chữa suy nhược, suy dinh dưỡng, chứng ăn vào nôn ra. Ngày ăn 6-12g, hoặc ngâm rượu uống (Hồng khô 3 quả cả tai, giã nát ngâm trong 500ml rượu 40 độ).
Thị sương dùng trị ho và đau khô cổ họng. Thị tất dùng trị bệnh cao huyết áp. Rễ Hồng dùng trị huyết băng, lỵ ra huyết và hạ huyết. Lá Hồng dùng trị ho suyễn, trướng khí trong phổi, các chứng sốt xuất huyết, vỏ quả dán trị đinh sang và vô danh thũng độc.