Hội Chứng Tiền Kinh Nghiệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là các triệu chứng thường xảy ra vào khoảng nửa sau chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (sau khi rụng trứng). Thông thường, các triệu chứng có thể liên quan đến thể chất, tinh thần, cảm xúc và có thể xảy ra từ mức độ rất nhẹ cho đến nghiêm trọng bao gồm cáu, dễ bị kích động, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, đau nhức, mệt mỏi, thèm ăn…
Hiện nay, hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng rất phổ biến. Và có khoảng 50% phụ nữ mắc phải hội chứng này trong khoảng độ tuổi 20 tới 30.
Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hiện tại, nguyên nhân gây ra PMS vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng PMS có thể xảy ra do mất cân bằng ở nội tiết tố nữ, estrogen và progesterone (hai hormone do buồng trứng sản xuất). Ngoài ra, các chất khác trong cơ thể (như prostaglandin) cũng có thể gây ra PMS.
Mặc dù nguyên nhân gây ra PMS vẫn chưa được xác định tuy nhiên các yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm:
- Di truyền: Có người thân trong gia đình đã từng mắc hội chứng này.
- Có vấn đề về tâm thần như lo lắng, trầm cảm.
- Thể dục: Không thường xuyên tập thể dục hay các hoạt động thể chất.
- Bị stress quá nhiều trong công việc và cuộc sống.
- Chế độ ăn thiếu vitamin B6, canxi và magiê.
- Sử dụng quá nhiều chất có chứa caffeine.
Triệu chứng thường thấy của hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Thông thường khi mắc phải hội chứng này, triệu chứng phổ biến nhất có thể thấy là tức giận, cáu, chóng mặt hoặc ngất xỉu, thay đổi tâm trạng nhiều, giảm ham muốn tình dục, nhức đầu, đau vú, sưng vú, táo bón hay tiêu chảy, sưng mắt cá chân, bàn tay và mặt nổi mụn.
Bên cạnh đó, các triệu chứng về hành vi có thể xuất hiện bao gồm trầm cảm, dễ khóc, căng thẳng, lo âu, khó tập trung. Một số triệu chứng cơ thể khác là sưng bụng dưới, mệt mỏi. Đôi khi, triệu chứng của PMS có thể nhẹ và khó nhận biết, nhưng cũng có lúc triệu chứng của PMS có thể nhận biết rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
Phương pháp điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt như thế nào?
Cho đến nay, những phương pháp điều trị bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ. Thực đơn giàu carbohydrates (các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như các món mì, bánh mì, và gạo) cũng có thể giúp hỗ trợ điều trị hội chứng này. Không những thế, bệnh nhân nên hạn chế hoặc từ bỏ các thói quen hàng ngày có hại như uống thức uống chứa caffeine hoặc hoạt động nhiều trong khoảng thời gian nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định dùng các thuốc chống trầm cảm, thuốc giữ nước, thuốc giảm đau, thuốc chống lo âu hoặc thuốc an thần, thuốc kiểm soát cân bằng nội tiết tố nữ và thuốc tránh thai.
Các phương pháp thư giãn như tập yoga hoặc thiền, hay ngưng hút thuốc có thể giúp giảm stress, cũng giúp ích cho việc điều trị.