Hội Chứng Chuyển Hóa
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hoá là tên một nhóm bệnh xảy ra cùng lúc và có khả năng dẫn đến bệnh động mạch vành, đột quỵ hoặc tiểu đường tuýp 2. Và các nhóm bệnh đó là cao huyết áp, tăng đường huyết, mỡ bụng dư thừa và lượng cholesterol trong máu cao bất thường. Vì thế, nếu bệnh nhân mắc phải hội chứng này hoặc một trong các loại bệnh kể trên, bệnh nên tham khảo các phương pháp điều trị từ bác sĩ và thay đổi lối sống để hạn chế khả năng mắc các bệnh khác. Hội chứng chuyển hóa không phải bệnh truyền nhiễm và hầu hết xảy ra ở người trung niên và người già. Tuy nhiên, trẻ em và thanh niên vẫn có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa là gì?
Hiện nay, nguyên nhân thường thấy có thể gây ra hội chứng chuyển hóa bao gồm béo phì và ít vận động.
Hội chứng chuyển hóa cũng có thể liên quan đến một tình trạng gọi là kháng insulin. Insulin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, rất quan trọng cho việc vận chuyển và lưu trữ glucose trong tế bào, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và có vai trò trong chuyển hóa lipid.
Ở những trường hợp có sức đề kháng insulin, các tế bào không đáp ứng bình thường với insulin, do đó glucose được chuyển hóa một cách khó khăn. Kết quả là nồng độ đường trong máu tăng do cơ thể không thể tạo ra đủ insulin để giữ đường huyết ở mức bình thường. Cuối cùng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.
Ngoài một số nguyên nhân đã nêu ở trên thì các yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa bao gồm:
- Tuổi tác: 40% những người sau 60 tuổi có nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa.
- Mắc các bệnh lý khác: Béo phì, bệnh tim mạch, gan thoái nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiểu đường: Nguy cơ tăng cao nếu bị tiểu đường thai kỳ hoặc tiền căn gia đình bị tiểu đường tuýp 2.
Triệu chứng thường thấy của hội chứng chuyển hóa là gì?
Cho đến nay, hội chứng chuyển hóa không có bất cứ triệu chứng nhất định nào bởi vì do các bệnh trong hội chứng này như cao huyết áp, đường huyết cao và cholesterol trong máu cao cũng không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, bệnh nhân cần thường xuyên khám tổng quát, xét nghiệm máu hoặc đo huyết áp.
Phương pháp điều trị hội chứng chuyển hóa như thế nào?
Hiện nay, để điều trị hội chứng này bệnh nhân cần phải nỗ lực và kiên trì kết hợp với bác sĩ. Sau đây là những biện pháp thay đổi cần thiết cho bệnh nhân bao gồm:
- Giảm cân.
- Thay đổi chế độ ăn để làm giảm lượng cholesterol bao gồm sử dụng chất béo chưa bão hòa thay vì chất béo bão hòa.
- Sử dụng ít muối.
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, đi bộ nhanh trong 30 phút hoặc chạy bộ 15 phút có thể đưa đến những tác động có lợi cho sức khỏe.
- Sử dụng thuốc làm giảm lượng cholesterol (Statins: Lovastatin, Pravastatin, Simvastatin, Atorvastatin, Rosuvastatin).