Hổ thích

Hổ thích, Hung rô Ấn Độ - Damnacanthus indicus (L.) Gaertn.E, thuộc họ Cà phê - Rubiaceae.
Mô tả của cây Hổ thích:
Hổ thích là dạng cây nhỡ nhỏ, cao 30-70cm, có thể tới 1m, phân nhánh nhiều, với nhánh mảnh cứng, mang gai dài 1cm, mọc đối, mảnh, rất nhọn. Nhánh non có lông mịn, màu nâu sẫm; nhánh già có vỏ nứt, màu xám. Lá hình trái xoan hoặc bầu dục - ngọn giáo, dài 1,5-3cm, rộng 8-15mm, đầu nhọn dài nhiều hay ít, mặt dưới nhạt màu hơn, dai; gân bên 3-4 đôi, hơi cong, lồi ở mặt dưới; cuống lá 1-2mm hoặc không có; lá kèm nhỏ, có 3 mũi.
Hoa 1-2 ở nách lá, màu trắng, lá bắc rất nhỏ; cuống hoa dài 1-2mm. Lá đài 4-5, dài 1mm, hình tam giác nhọn; ống dài 2mm, hình trứng. Cánh hoa 4-5, dài 1-1,5mm, hình trái xoan hay tam giác; ống đài 8mm. Nhị 4-5 có chỉ nhị ngắn và rộng, bao phấn dài 1,5mm, có trung đới rộng. Bầu có 2-4 ô, vòi dạng sợi dài 9mm, đầu nhuỵ có 4 khe; noãn 1 trong mỗi ô, treo ở góc trên của ô. Quả hạch cao 4-6cm, hình cầu, vỏ nhẵn; hạch 1-4; hạt cao 3-4mm, hình khiên.
Sinh thái của cây Hổ thích:
Hổ thích mọc rải rác trong rừng, xen kẽ với lùm bụi.
Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 11-12.

Phân bố của cây Hổ thích:
Hổ thích phân bố ở Đồng Nai (Biên Hoà).
Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Bộ phận dùng của cây Hổ thích:
Rễ, lá, toàn cây Hổ thích - Radix, Folium et Herba Damnacanthi Indicae.
Tính vị, tác dụng của cây Hổ thích:
Hổ thích có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng khư phong lợi thấp, hoạt huyết tiêu thũng.
Công dụng làm thuốc của cây Hổ thích:
Ở Trung Quốc, rễ, lá và toàn cây Hổ thích được dùng trị thống phong, phong thấp đau gân cốt, ho nhiều đờm, nhọt phổi (phế ung), thủy thũng, viêm gan thể hoàng đản, phụ nữ kinh bế, trẻ em cam tích, bệnh mày đay và đòn ngã tổn thương. Dùng trong, dạng thuốc sắc, với liều 12-20g (nếu tươi dùng 20-40g) hoặc làm thuốc tán. Dùng ngoài, giã đắp hoặc lấy dịch bôi hay tán bột rắc.