Ho Mạn Tính
Ho mạn tính là bệnh gì?
Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài từ 8 tuần trở lên ở người lớn, còn ở trẻ em là 4 tuần. Căn bệnh này thường gây ra nhiều phiền toái như có thể làm gián đoạn giấc ngủ và khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức. Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể gây nôn mửa, chóng mặt và thậm chí gãy xương sườn.
Tuy nhiên, ho mạn tính thường biến mất sau khi nguyên nhân được điều trị.
Nguyên nhân bệnh ho mạn tính là gì?
Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này và gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau là các nguyên nhân phổ biến gây ra ho mãn tính như:
Chảy mũi sau:
Khi mũi hoặc xoang tạo ra nhiều dịch nhầy, có thể chảy xuống mặt sau của cổ họng và kích hoạt phản xạ ho. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên.
Hen suyễn:
Ho do hen suyễn liên quan theo mùa, xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh tiếp xúc với không khí lạnh hay một số hóa chất hoặc nước hoa.
Trào ngược dạ dày:
Trong tình trạng phổ biến này, khi axit dạ dày chảy ngược lên thực quản. Các kích thích liên tục có thể dẫn đến ho mạn tính. Ngược lại, ho lại làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng:
Ho có thể kéo dài sau khi các triệu chứng khác của bệnh viêm phổi, cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác của đường hô hấp trên đã hết. Một nguyên nhân phổ biến nhưng không được cho là nguyên nhân gây ho mạn tính ở người lớn là bệnh ho gà.
Thuốc huyết áp:
Thuốc ức chế men chuyển thường được kê toa đối với bệnh cao huyết áp và suy tim, tuy nhiên đây lại là nguyên nhân gây ho mạn tính ở một số trường hợp.
Viêm phế quản mạn tính:
Tình trạng viêm lâu ngày của đường dẫn khí chính (phế quản) có thể gây ra ho có đàm. Hầu hết những người bị viêm phế quản mạn tính là những người đang hoặc từng hút thuốc lá.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nhưng ít gặp hơn gây ra bệnh ho mạn tính bao gồm:
- Hít sặc (thực phẩm ở người lớn, các vật lạ ở trẻ em).
- Giãn phế quản (đường dẫn khí bị hư hỏng).
- Viêm tiểu phế quản.
- Bệnh xơ nang.
- Trào ngược hầu thanh quản (axit dạ dày chảy vào cổ họng).
- Ung thư phổi.
- Viêm phế quản dị ứng không phải bệnh hen (viêm đường hô hấp không do hen suyễn).
- Bệnh Sarcoidosis (tập hợp của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể thường là phổi).
Mặc dù nguyên nhân gây ra căn bệnh này đã được nêu ở trên tuy nhiên một số yếu tố sau đây góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho mạn tính bao gồm:
- Hút thuốc lá: Nếu người bệnh đã từng hoặc đang hút thuốc, đây chính là một yếu tố nguy cơ gây ho mạn tính. Nguyên nhân là do họ hít trực tiếp các chất độc thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động (hít chất độc thuốc lá trong không khí).
- Dị ứng: Những trường hợp bị dị ứng có nguy cơ bị ho khi tiếp xúc với một dị nguyên cụ thể.
- Môi trường: Một số nơi làm việc có các chất kích thích trong không khí mà cơ thể có thể hít vào và gây ra ho. Vùng bị ô nhiễm nhiều hoặc sử dụng than để nấu ăn hay sưởi ấm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ho.
- Bệnh phổi mạn tính: Những người từng bị bệnh hen, giãn phế quản (mở rộng đường thở), COPD, viêm phổi với những sẹo phổi có nguy cơ cao bị ho.
Triệu chứng phổ biến của bệnh ho mạn tính là gì?
Sau đây là một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Cảm giác có chất dịch chảy xuống mặt sau của cổ họng (chảy mũi sau).
- Thường xuyên đau rát cổ họng.
- Khàn tiếng.
- Thở khò khè và thở dốc.
- Ợ nóng hoặc có vị chua trong miệng.
- Ho ra máu trong trường hợp hiếm.
Phương pháp điều trị bệnh ho mạn tính như thế nào?
Hiện nay, để điều trị căn bệnh này các bác sĩ thường sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang dùng thuốc ức chế men chuyển, khi đó bác sĩ có thể thay thế bằng một loại thuốc mà không có tác dụng phụ gây ho.
Sau đây là những loại thuốc được dùng để điều trị ho mạn tính có thể bao gồm:
Thuốc kháng histamine, glucocorticoid và thuốc chống sung huyết mũi:
Các thuốc này là điều trị chuẩn cho ho do dị ứng và chảy mũi sau.
Thuốc hen dạng hít:
Glucocorticoid và thuốc giãn phế quản giúp làm giảm viêm và mở thông đường hô hấp.
Kháng sinh:
Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây ho mạn tính, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
Thuốc ức chế axit:
Đối với những trường hợp thay đổi lối sống nhưng tình trạng trào ngược axit lại không cải thiện, khi đó họ có thể được điều trị bằng thuốc ức chế axit. Một số trường hợp cũng có thể cần phẫu thuật để giải quyết vấn đề này.
Thuốc ức chế ho:
Cho đến nay, nếu lý do gây ho không thể xác định được và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với người bệnh, chẳng hạn như làm ảnh hưởng giấc ngủ, bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế ho để giảm cơn ho.