Hô hấp nhân tạo

Hô hấp nhân tạo

SỰ SỐNG

tùy thuộc nơi năng lực thoát ra khi chất dưỡng trong không khí hòa trộn với thực phẩm ở trong thân tế bào. Các tế bào này không có phòng dự trữ dưỡng khí, nên thiếu dưỡng khí trong vài phút chúng có thể bị chết.

Nếu việc thiếu dưỡng khí nầy phát triển từ từ thì việc chết chóc sẽ diễn biến cách kín đáo đến ta dường như không dò ra được. Trí não nạn nhân suy mờ lần, hơi thở ngắn, nhức đầu, tai ù và đôi khi các cảm giác kỳ lạ của sự an toàn và mạnh khỏe che mờ đi những dấu hiệu nguy hiểm đang lóe lên. Trí nhớ bị lu mờ cách mau chóng và nạn nhân có dáng điệu như say rượu.

Nếu sự thiếu dưỡng khí vẫn kéo dài thì tình trạng say rượu lại bước qua tình trạng tê liệt, nhưng chỉ cơ thể bị tê liệt còn trí vẫn tỉnh táo. Chính lúc này người bị ngộp hơi cảm thấy sự sống của mình đang lâm nguy nhưng không thể nào cứu vãn nó được. Chẳng bao lâu người ấy bất tỉnh và sau đó, ngưng thở. Tuy vậy, tim vẫn còn tiếp tục đập trong vài phút, cho nên nếu tiếp trợ đúng cách và lập tức ta có thể cứu người ấy được.

Ta cần phải hiểu rõ nhiệm vụ của dưỡng khí trong cơ thể, để dùng đúng phương cách trong việc cứu trị người bị thiếu dưỡng khí như: chết đuối, thắt họng, ngộp hơi, ngộ độc bởi các chất khí v.v… Trong không khí mà ta hít vào có lối một phần năm dưỡng khí. Hai lá phổi chúng ta như một máy bơm, nó đem chất dưỡng trong không khí vào và tẩy sạch chất cặn thán khí và nước mà thứ này cần được tạo thành do dưỡng khí ‘hòa hợp’’ với chất dinh dưỡng ở trong tế bào.

Sở dĩ có những động tác của hai lá phổi là do sự thun giãn của bắp thịt ngực và hoành cách mô. Các bắp thịt này lại do một loại tế bào óc đặc biệt điều khiển, mà các tế bào này cũng như các thứ tế bào khác của óc, sẽ ngưng việc nếu không được tiếp tế dưỡng khí.

Khi không khí vào phổi, một phần dưỡng khí được rút đi do huyết hồng tố ở trong hồng huyết cầu. Những huyết cầu này lại được mang đi trong chất lỏng của máu ở trong vi ti huyết quản nằm xen kẽ vào các cơ cấu của thân thể. Trong khi hồng huyết cầu di chuyển trên những con đường chật hẹp này, các tế bào của cơ thể rút lấy dưỡng khí đi và trả lại thán khí. Máu trở về phổi, nhả thán khí ra và rút lấy dưỡng khí trong sạch vừa được tiếp vào.

Các tế bào có thể bị tổn hại vì thiếu dưỡng khí trong các trường hợp sau đây:

1. Nếu không khí hít vào có ít dưỡng khí như khi xuống giếng hoặc hố sâu không thoáng gió, hoặc các phi hành gia, các nhà leo núi lên quá cao.

2. Khi khí quản bị nghẹt nên không khí không vào phổi được như trường hợp thắt cổ, ngộp hơi, chết đuối và một vài trường hợp nhiễm khí độc.

3. Khi tim không bơm đủ máu qua huyết quản, như trường hợp xuất huyết và nghẹt tim.

4. Khi động tác thở không điều hòa quá ít hay quá yếu do tế bào của bộ hô hấp trung khu trong óc bị tê liệt hoặc đường thần kinh đến các bắp thịt hô hấp bị chặn nghẹt, như trường hợp chết vì rượu, các loại thuốc mê như Ete, chất cacbon dioxit (acid cacbonic), thuốc ngủ, thuốc phiện, cả trong trường hợp bị gãy cổ, bị đập mạnh vào đầu và bị điện giật.

Nếu hồng huyết cầu ít quá hoặc vì chứa đầy một chất khí khác nên nó không thể rút đủ dưỡng khí như trong trường hợp bị nhiễm độc vì cacbon monoxit. Chất cacbon monoxit xuất hiện trong khí hơi của than, khí đốt lò, hơi khói của các loại máy chạy bằng xăng và dầu cặn thoát ra, hơi của hỏa lò dùng than hay dầu v.v…

Đối với người bị ngưng thở vì một trong những nguyên nhân trên, ta chỉ còn có phương cách duy nhất để cứu người ấy, là tạo những động tác ngực để chuyển không khí trong sạch vào buồng phổi, gọi là hô hấp nhân tạo hoặc thở nhân tạo.

Một vài phương pháp hô hấp nhân tạo

Từ trước thế kỷ thứ mười tám, người ta đã biết cứu tỉnh người bị chết đuối bằng cách hà hơi hay thở vào mũi nạn nhân.

Người ta cũng biết xốc nước bằng cách nắm hai chân nạn nhân, đưa cao lên, để đầu chấm xuống đất cho nước trào ra; hoặc vả, họ lăn tròn nạn nhân dưới đất để xốc nước.  

Năm 1856, bác sĩ Marshall Hall đề nghị một phương pháp hô hấp nhân tạo đã được ông Silvestre biến chế và áp dụng năm 1857. Theo phương pháp này, người ta để nạn nhân nằm ngửa rồi ấn ngực nạn nhân theo nhịp thở. Đến năm I903 bác sĩ Schafer (tức giáo sư Sir E. Sharpey Schafer của Đại-học đường Edinburgh) nghĩ ra phương pháp hô hấp nhân tạo mới, có hiệu quả hơn các phương pháp trước và ngày nay vẫn còn hữu dụng.

Song song với những phương pháp hô hấp nhân tạo bằng tay này người ta đã phát minh ra nhiều loại máy hô hấp nhân tạo. Nhưng người cứu thương nên nhớ luôn rằng không có bộ máy nào có thể thay thế phương pháp bằng tay trong trường hợp cứu cấp người bị chết ngộp. Vì với hai tay, ta có thể khởi sự làm hô hấp nhân tạo ngay. Đừng phí thì giờ ngồi không để nhìn nạn nhân trong khi chờ đợi người đem máy tới. Khoảng thời gian chờ đợi ấy có thể làm nạn nhân chết vĩnh viễn mà dầu cho máy thở có được đem đến sau đó cũng không thể nào cứu sống được.

Người cứu thương phải tập cho thuần thục để mọi động tác thật nhịp nhàng thì phương pháp hô hấp nhân tạo mới có kết quả.

Tuy hiện nay có rất nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo nhưng chúng tôi chỉ nêu ra đây một vài phương pháp mới đã được Hội Hồng Thập tự Quốc tế nhìn nhận là công hiệu nhất.

Phương pháp đè lưng và nhấc cánh tay

1. Đặt nạn nhân nằm sắp và đứng ngang qua mình y. Kế đó lòn tay dưới bụng để nhắc nạn nhân lên. Làm vậy để tháo nước dư trong khí quản và các ống phổi ra. Sau khi giữ y như vậy trong độ nửa phút, lại thả nạn nhân xuống, để đầu nghiêng và gối lên hai bàn tay sấp lại với nhau.

2. Trong khi ấy nhờ người phụ tá cởi áo quần bó mình nạn nhân, rồi lấy mền hay vải phủ lên để y khỏi bị nhiễm lạnh. Thỉnh thoảng nên kéo lưỡi nạn nhân ra để thông khí quản.

3. Người làm hô hấp nhân tạo phải quỳ ở phía đầu nạn nhân, đặt hai bàn tay trên lưng y, hai ngón tay cái đụng vào nhau, còn căn bàn tay nằm ở dưới đường chạy giữa hai nách nạn nhân.

4. Từ từ nhớm mình về phía trước, khuỷu tay phải thẳng cho đến khi hai cánh tay đứng thẳng và gây áp lực mạnh trên lưng nạn nhân. Đếm 1, 2 theo nhịp của đồng hồ. Động tác này để tống hơi ra.

5. Đoạn, từ từ lui mình về phía sau, lướt bàn tay lên cánh tay nạn nhân, ngay phía trên cùi chỏ, nắm giữ tay nạn nhân và kéo về phía ta. Đếm (3). Tiếp-tục đưa mình về phía sau, cứ giữ cánh tay nạn nhân giơ lên cho đến khi cảm thấy sức trì kéo lại của vai nạn nhân. Đếm 4, 5. Động tác này để hít hơi vô.

6. Buông hai tay xuống. Đếm 6. Làm vậy trọn một chu kỳ. Mỗi phút ta phải làm mười hai chu kỳ như vậy.

Nên tùy nạn nhân lớn hay nhỏ, nam hay nữ mà gây áp lực trên lưng mạnh hay nhẹ.

Phương pháp hà hơi

Người ta cũng gọi phương pháp này là “miệng kề miệng”. Đây là một phương pháp biến đổi từ phương pháp tiêu chuẩn của Holger Nielson, là phương pháp mới nhất, công hiệu nhất. Phương-pháp này được thực hiện theo cách thức sau đây:

1. Để nạn nhân nằm ngửa. Lấy ngón tay móc sạch mọi vật thể lạ ra khỏi miệng nạn nhân.

2. Để một ngón tay dưới cổ và nâng đầu lên. Dùng tay kia giữ đỉnh đầu và đẩy ngửa ra càng xa càng tốt.

3. Nâng cằm lên để đầu ngửa ra hoàn toàn.

4. Kê sát môi ta vào môi nạn nhân, bịt mũi y lại rồi thổi khá mạnh để ngực y phồng lên.

5. Rời môi ta khỏi môi nạn nhân và lắng nghe hơi thở thoát ra khỏi lồng ngực y. Nếu hơi thở của ta không vào và không thoát ra khỏi phổi nạn nhân, nên kiểm lại vị trí đầu và cằm nạn nhân. Có thể lưỡi nạn nhân bị thụt vào nên bí đường thông hơi của khí quản.

6. Nếu thổi trở lại mà hơi vẫn không vào, nên nghiêng nạn nhân qua một bên rồi vổ mạnh vài cái vào giữa hai vai y để tống vật thể lạ trong cổ họng ra. Nếu nạn nhân là trẻ con, nên ôm ngang bụng, cho đầu nó thòng xuống rồi vổ mạnh vào vai.

7. Tiếp tục thổi vào mồm nạn nhân mỗi 5 giây một lần.

8. Cho mời bác sĩ hoặc xe cứu thương đến ngay. Khi chuyên chở nạn nhân đi, nên lót áo dầy hay mền dưới mình nạn nhânvà đắp mền lên trên để giữ nạn nhân ấm.

9. Nạn nhân đã hồi tỉnh và thở đều hòa rồi, cũng không nên cho y ngồi dậy, vì cả cơ thể cũng như quả tim đều bị thiếu dưỡng khí, nếu để nạn nhân ngồi dậy sớm quá sẽ bị bất tỉnh trở lại rất nguy hiểm. Phải để nạn nhân nằm yên ít nữa là một giờ.

Ngửa đầu ra, kéo cằm lên

Bịt mũi, thổi vào miệng, để hơi thoát ra.

Phương pháp hà hơi này rất hiệu nghiệm, nhưng người cứu thương có thể thấy rất khó chịu và buồn nôn vì hơi và vật thực từ bao tử trào ra. Nếu muốn, có thể lấy khăn tay mỏng phủ lên miệng nạn nhân trước khi đặt môi ta lên. Người ta cũng có biến chế ra một ống thổi để dùng trong phương pháp này. Đó là một ống bằng kim khí hoặc bằng chất nhựa dẹp, và hai đầu hơi cong. Vào khoảng giữa có một cái chụp để bịt kín miệng nạn nhân, nhờ đó khi thổi vào, trọn hơi thở của người cứu cấp đều vào hết trong phổi người bị nạn. Một đầu ống được đặt vào miệng nạn nhân để hơi vào, ra và đồng thời chận lưỡi nạn nhân xuống nên không thụt vô chặn khí quản được.

Ống thổi dùng trong phương pháp hà hơi.

Hô hấp nhân tạo cho trẻ con

Phương pháp hà hơi tức “miệng kề miệng” cũng được dùng cho trẻ con cách có hiệu quả.

Ta có thể thổi hơi vào miệng hoặc mũi của em bé. Nhớ thổi hơi vào nhẹ hơn cách thổi vào người lớn vì trẻ con không dùng hơi nhiều bằng người lớn, nhưng mỗi phút chúng thở nhiều lần hơn, nên phải thổi hơi cho trẻ con mỗi phút từ 25 đến 30 lần, trong khi ấy người lớn chỉ cần từ 12 đến 15 lần.

Có thể làm hô hấp nhân tạo bằng cách để em bé nằm ngửa trên bàn, hay trên vế ta. Một tay bợ dưới bàn tọa, còn tay kia đỡ dưới cổ và vai. Bây giờ nâng hai chân em bé lên để đầu gối sát vào ngực đồng thời hơi uốn mình em bé cong lại để tống hơi ra khỏi phổi. Đoạn hạ em xuống để mình em thẳng ra cho không khí lùa vào phổi. Làm động tác này từ 25 đến 30 lần mỗi phút.

HÃY NHỚ: Trong mọi trường hợp, đừng ngưng làm hô hấp nhân tạo sớm quá. Có nhiều trường hợp, sau hơn hai hoặc ba giờ làm hô hấp như vậy, nạn nhân mới tỉnh dậy.

Một người không thể nào làm nổi những động tác hô hấp nhân tạo hằng giờ liên tiếp, nên cần phải có người phụ giúp. Ta phải chỉ dẫn người phụ tá cẩn thận và người ấy phải quen với nhịp nhàng mà ta đương làm trước khi vào thay thế cho ta, nhưng không được có một gián đoạn nào cả.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...