Hồ đào

Hồ đào, Óc chó - Juglans regia L., thuộc họ Hồ đào - Juglandaceae.
Mô tả của cây Hồ đào:
Hồ đào là dạng cây to, có thể cao tới 30m; vỏ nhẵn và màu tro. Lá dài tới 40cm, kép lông chim lẻ với 5-9 lá chét hình trái xoan nguyên, dài 6-15cm, rộng 3-6cm, có gân giữa lồi ở mặt dưới. Hoa đơn tính, màu lục nhạt; hoa đực xếp thành đuôi sóc thõng xuống; hoa cái xếp 2-5 cái ở cuối các nhánh. Quả hạch to có vỏ ngoài màu lục và nạc, dễ hoá đen khi chà xát, vỏ quả trong hay vỏ của hạch rất cứng, có 2 van bao lấy hạt và 2 lá mầm to, chia thuỳ và nhăn nheo như nếp của óc động vật.
Sinh thái của cây Hồ đào:
Hồ đào thích hợp với khí hậu vùng núi cao, trong môi trường sáng, ẩm.
Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 9-10.
Phân bố của cây Hồ đào:
Hồ đào phân bố ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Khánh Hoà, Lâm Đồng. Nguồn gốc là châu Âu (vùng Địa Trung Hải), được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác.
Bộ phận dùng của cây Hồ đào:
Hạt cây Hồ đào - Semen Juglandis, thường gọi là Hồ đào nhân - 胡桃茵. Người ta cũng dùng cành, lá, vỏ cây, vỏ quả ngoài.
Thu hái quả vào tháng 9-10, đập vỡ hạch lấy nhân hạt. Cành, lá, vỏ cây thu hái quanh năm.

Thành phần hóa học của cây Hồ đào:
Trong nhân cây Hồ đào có nước 17,59%, protid 11,05%, lipid 41,98%, chất dẫn xuất 26,50%, cellulose 1,30%, tro 1,60%. Nhân hạt chứa dầu mau khô gồm phần lớn là các glycerid của acid linoleic và linolenic. Hạch rất giàu hydroxy-5-tryptamin. Nó cũng giàu đồng và kẽm; còn có K, Mg, S, Fe, Ca và các vitamin A, B, C, D. Dầu hạt Óc chó có mùi đặc biệt dễ chịu nhưng dễ bị hôi.
Tính vị, tác dụng của cây Hồ đào:
Nhân hạt Óc chó có vị ngọt, tính ấm; có tác dụng bổ thận cố tinh, nhuận phế định suyễn, nhuận trường.
Cành, lá cây Hồ đào có vị đắng chát, tính bình, có độc. Cành lá, vỏ cây, vỏ quả ngoài cây Hồ đào đều có tác dụng tiêu thũng chỉ dương, giải độc, sát trùng.
Công dụng làm thuốc của cây Hồ đào:
Nhân hạt cây Hồ đào có nhiều grotid và lipid, được xem là bổ dưỡng; thường dùng chữa tiết tinh, ho lậu, gối lưng đau mỏi. Ngày dùng 4-12g, phối hợp với các vị thuốc khác.
Ở Trung Quốc, nhân hạt cây Hồ đào dùng trị ho suyễn do thận hư, lưng đau chân yếu, liệt dương, di tinh, tiểu tiện liên tiếp nhiều lần, đại tiện táo kết.
Vỏ cây, vỏ quả ngoài và cành lá cây Hồ đào dùng trị ngưu bì tiên và giới tiên; ở Ấn Độ vỏ cây dùng trị giun; lá cây được xem là đặc hiệu với các vết loét bướu giáp và trừ giun; quả gây chuyển hoá trong bệnh thấp khớp.
Ở châu Âu, hạt Hồ đào dùng trị đái đường, tiêu chảy, tràng nhạc, bệnh ngoài da, lao phổi, đái dầm, ký sinh đường ruột. Lá tươi dùng làm thuốc đặc hiệu chữa bệnh thuộc tạng lao, tràng nhạc, các bệnh về da như chốc lở, ghẻ ngứa, phát ban da (dùng dưới dạng nước sắc uống hay nấu nước tắm). Nó cũng có tính giảm áp lực và giảm glucose - huyết nhẹ.
Đơn thuốc của cây Hồ đào:
1. Chữa thận lạnh, đau buốt ngang lưng, rũ mỏi, liệt dương, đái són, đái luôn vãi đái, tiết tinh: Hạt Óc chó 12g, Ba kích 10g, Nhân quả Ré (ích trí nhân), Ô dược, cẩu tích đều 8g, sắc uống.
2. Chữa bị thương đau nhức: Dùng hạt Óc chó giã nhỏ hoà với rượu uống, và giã lá tươi hay vỏ quả đắp rịt ngoài.
Chữa người già hen suyễn và người đái ra cả sỏi: Giã hạt Óc chó nấu cháo thường ăn.