Hồ đằng mũi giáo

Hồ đằng mũi giáo - Cissus hastata (Miq.) Planch. (yitis hastata Miq.), thuộc họ Nho - Vitaceae.
Mô tả của cây Hồ đằng mũi giáo:
Hồ đằng mũi giáo là dạng cây dây leo hơi mập; thân có 3-4 cánh có eo ở các mấu; tua cuốn đơn. Lá có phiến hình tim thon, dài 8-10cm; gân từ gốc 5, gân bên 4-6 đôi, mép có răng thấp, cuống 2-3 cm; lá kèm 2-3 cm. Cụm hoa đối diện với lá ngắn, mang 2-4 tán; cánh hoa 4. Quả mọng tròn, đỏ, chứa 1 hạt.
Sinh thái của cây Hồ đằng mũi giáo:
Hồ đằng mũi giáo mọc rải rác trong rừng thưa, nơi khô. Ra hoa tháng 6-10, có quả tháng 12 đến tháng Giêng năm sau.

Phân bố của cây Hồ đằng mũi giáo:
Hồ đằng mũi giáo phân bố ở Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo).
Còn có ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Singapore, châu Phi nhiệt đới.
Bộ phận dùng của cây Hồ đằng mũi giáo:
Toàn cây Hồ đằng mũi giáo - Herba Cissi Hastaiae.
Tính vị, tác dụng của cây Hồ đằng mũi giáo:
Hồ đằng mũi giáo có vị hơi chua, chát, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, hoạt huyết, tiêu thũng, khư phong trừ thấp.
Công dụng làm thuốc của cây Hồ đằng mũi giáo:
Ở Trung Quốc, cây Hồ đằng mũi giáo dùng trị phong thấp tê đau, đòn ngã tổn thương, gân cơ yếu mỏi. Dùng ngoài trị sang tiết.