Hẹp môn vị phì đại bẩm sinh ở trẻ là gì?
Hẹp môn vị bẩm sinh còn gọi là hẹp môn vị phì đại bẩm sinh vì các lớp cơ vòng của môn vị to, dày, tạo ra khối u cơ môn vị làm tắc một phần hoặc toàn bộ có môn vị. Hẹp môn vị phì đại bẩm sinh là một loại bệnh thường gặp ỏ trẻ sơ sinh, chủ yếu là bé trai. Bệnh có khuynh hướng di truyền, có tài liệu cho biết cứ khoảng 3000 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc bệnh này.
Đến nay vẫn chưa biết chắc nguyên nhân chính gây bệnh. Có chuyên gia cho rằng, trong thời gian còn là bào thai, chức năng của cơ môn vị thai nhi đã mất thăng bằng dẫn đến phì đại cơ sau khi sinh. Có người cho rằng, số lượng tế bào đốt thần kinh và xơ thần kinh giữa cơ môn vị ít hơn người bình thường làm rối loạn chức năng môn vị, dẫn đến co thắt, phì đại hoặc tắc môn vị. Lại có ý kiến là yếu tố di truyền và môi trường đóng vai trò quan trọng về nguyên nhân bệnh học. Có tài liệu đưa ra dẫn chứng, trong một gia đình mà có đến 7 người con, cháu mắc bệnh này. Bệnh phát nhiều vào mùa đông, thường gặp nhiều ở bé trai cân nặng. Do hẹp môn vị, sữa khó đi qua, dẫn đến hàng loạt biến chứng lâm sàng.
Cơ vòng môn vị của trẻ em mắc bệnh này dày lên rõ rệt, môn vị biến thành hình bầu dục, cứng, đàn hồi, khi cơ co bóp càng cứng, đường kính 0,5 - 1cm, dài 2 - 2,5cm, độ dày cơ 0,4 - 0,6cm. Lớp cơ phì đại khiến khoang ống môn vị thu hẹp, cộng thêm phù nếp nhăn niêm mạc, khiến lòng ống môn vị càng hẹp hơn, trường hợp nặng chỉ có thể đút lọt đầu dò. Do tắc môn vị nên dạ dày phình to, thành dạ dày dày lên, nếp gấp niêm mạc nhiều và phù nề làm ứ trệ chất chứa bên trong dẫn đến viêm loét niêm mạc.