Hệ cơ xương khớp
Xương luôn được tái tạo trong suốt cuộc đời và thay cho các tế bào xương già cỗi.
Cấu tạo xương và chức năng của xương:
Xương có ba loại tế bào cơ bản:
- Nguyên bào xương dùng để tái tạo xương mới hoặc giúp sửa chữa các thương tổn của xương.
- Tế bào xương dùng để lấy thức ăn từ mạch máu nuôi xương và thải chất bã từ xương ra mạch máu.
- Tế bào hủy xương có chức năng chỉnh hình cho xương.
Các tế bào hủy xương rất linh động ở trẻ nhỏ, tuổi này vốn có rất nhiều sự chỉnh sửa, tổ chức lại xương. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hàn gắn xương bị gãy.
Các nguyên liệu cấu tạo nên xương bao gồm calcium, phosphor, natri, khoáng chất khác và sợi collagen. Calcium rất cần thiết cho xương rắn chắc để có thể nâng đỡ được cơ thể. Xương cũng là nơi tích trữ calcium để phóng thích vào dòng máu đến những nơi cần đến. Một lượng lớn vitamin và khoáng chất từ thức ăn, đặc biệt là calcium và vitamin D, ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng xương và lượng dự trữ calcium trong xương.
Xương có phần cốt lõi bên trong, gọi là tủy xương, chứa rất nhiều các tế bào gốc sản xuất ra hồng cầu và tiểu cầu cho máu.
Xương có hai loại là phần xương rắn chắc và phần xương xốp. Xương rắn chắc cứng, bao bọc bên ngoài xương, trông nó giống như cái ngà voi và rất rắn chắc. Xương được bao bọc bởi màng xương. Trên bề mặt xương rắn chắc này thường có những khe rãnh chạy dọc theo chiều dài xương để tạo ra những chỗ trú ẩn cho dây thần kinh và mạch máu. Xương xốp trông giống như tổ ong hoặc các loại xốp bọt biển, cấu trúc này nằm bên trong xương. Lấp đầy các hang hốc trong xương xốp là tủy xương, tủy xương thường có màu đỏ (chứa nhiều tế bào máu) ở gần các đầu xương và có màu vàng (chứa nhiều mỡ) ở phần thân xương.
Xương được gắn nối với các xương khác theo chiều dài bởi các hệ thống dây chằng. Sụn là một lớp giống như cao su có tính đàn hồi chêm giữa các đầu xương trong các khớp để tránh ma sát và giảm chấn động mỗi khi các đầu xương chuyển động va chạm vào nhau.
Cấu tạo cơ và chức năng của cơ:
Xương không thể hoạt động một mình mà phải cần sự hỗ trợ của cơ và khớp. Cơ dùng để kéo đẩy các khớp nhằm thực hiện các cử động. Cơ thể người có khoảng 650 cơ, chiếm 1/2 trọng lượng cơ thể. Cơ đính vào xương bởi gân cơ, mọi hoạt động co cơ đều dẫn đến động tác gập khớp, hoặc duỗi khớp tùy theo vị trí tương đối của cơ đối với bể mặt khớp.
Ở cơ thể người có ba nhóm cơ chính sau:
Nhóm cơ vân:
Các cơ này gắn dính vào xương, hầu hết ở chân, tay, bụng, ngực, cổ và mặt. Nhóm cơ này có chức năng giữ các xương lại với nhau, tạo nên hình dáng cơ thể và tạo ra các cử động thường nhật theo chủ ý. Một khi nhóm cơ này hoạt động nhanh và nặng, chúng cần thời gian để thư giãn sau đó.
Nhóm cơ trơn:
Cũng có cấu trúc từ sợi cơ, tuy nhiên nhìn trơn láng dưới kính hiển vi và không có vân cơ. Cơ trơn hoạt động không theo chủ ý chúng ta điều khiển. Cơ trơn hoạt động suốt ngày đêm không ngơi nghỉ. Các cơ này có hình dạng giống như một vòng thắt, cho nên có thể gọi là cơ vòng.
Cơ tim:
Chỉ tìm thấy ở cấu trúc của tim. Cơ tim cũng có thành phần cơ bản là các sợi cơ. Tuy nhiên, cơ tim có hoạt động rất đặc biệt khác hẳn các nhóm cơ vân và cơ trơn. Cơ tim hoạt động rất nhịp nhàng và tự nhiên không theo chủ ý điều khiển, nó tống máu một cách đều đặn với công suất không đổi để đến nuôi tất cả các bộ phận trong cơ thể.
Hoạt động của cơ được điều khiển bằng não bộ và hệ thống dây thần kinh. Các cơ hoạt động tự nhiên được điều khiển bằng những cấu trúc nằm sâu bên trong não bộ và phần trên của cột sống, gọi là hệ thần kinh thực vật. Các cơ hoạt động có chủ đích được kiểm soát bởi vùng thần kinh vận động nằm ở vỏ não và tiểu não.
Một khi bạn muốn vận động, vùng thần kinh vận động ở vỏ não gửi các tín hiệu thần kinh xuống cột sống và các dây thần kinh ngoại biên làm cho cơ co giãn. Vùng điều khiển vận động trên vỏ não trái điều khiển các hoạt động ở nửa thân bên phải và ngược lại.
Cấu tạo khớp và chức năng của khớp:
Các khớp giúp cho cơ thể có thể vận động theo nhiều cách khác nhau. Một số khớp hoạt động giống như một cái bản lẻ chỉ cho phép các hoạt động gấp và mở (ví dụ khớp cùi chỏ và khớp gối), một số khớp khác cho các hoạt động phức tạp hơn như khớp vai, khớp hông, các khớp cột sống cho phép thực hiện các động tác phức tạp như hướng ra trước, ra sau, sang hai bên và xoay tròn.
Nếu phân loại theo hoạt động thì có hai loại khớp. Nhóm khớp có khả năng di chuyển và nhóm khớp không thể di chuyển. Các khớp ở hộp sọ là tiêu biểu cho nhóm khớp không thể di chuyển khi trưởng thành, các khớp hộp sọ có chức năng nối liền các mảnh xương sọ để tạo ra hộp sọ có hình cầu và có thể thay đổi chút ít thể tích trong hộp sọ khi chúng xếp lại để chui qua tử cung mẹ khi chào đời. Nhóm khớp có thể di chuyển theo nhiều hướng như các khớp ở tay, chân, vai, háng và cột sống.
Mỗi khi bạn muốn chạy thật nhanh do đang trễ giờ học, hoặc những lúc bạn muốn nhanh hơn đối thủ trong khi chơi thể thao,... bạn phải dùng đến hệ thống cơ - xương và khớp của cơ thể. Nếu không có các thành phần này, bạn không thể vận động được ngay cả những hành động nhỏ nhất như việc... ăn uống chẳng hạn.
Hình dáng của con người hình thành cơ bản bởi hệ thống xương. Ngay cả hình dạng của đầu cho đến hình dạng của ngón chân đều có cấu tạo cơ bản từ xương sọ và xương ngón chân. Xương còn có chức năng bảo vệ các thành phần quan trọng bên trong như hộp sọ thì bảo vệ não bộ, cột sống bảo vệ tủy sống, lồng ngực được xây dựng từ các xương sườn, xương ức và cột sống để bảo vệ tim, gan, lách, tụy và phổi. Xương chậu tạo nên vùng hố chậu bảo vệ các cơ quan sinh dục và bàng quang, trực tràng. Mặc dù xương rất nhẹ, nhưng cấu trúc của chúng rất cứng chắc để có thể nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể.
Khớp là nơi hai đầu xương khác nhau gặp nhau. Khớp làm cho hệ thống xương linh hoạt hơn và có nhiều động tác đa dạng hơn. Ở mỗi khớp, hai đầu xương được nối với nhau bằng hệ thống dây chằng. Cơ cũng rất cần thiết cho quá trình vận động. Cơ là những thớ thịt co giãn làm xương vận động theo. Phối hợp với nhau, cơ xương và khớp, cũng không quên kể đến các gân cơ, dây chằng và các sụn khớp, tạo ra những hoạt động cơ bản cũng như các hoạt động phức tạp, mang tính khéo léo hàng ngày.
Những bệnh lý có thế xảy ra ở hệ thống cơ, xương, khớp:
Mặc dù xương rất cứng, nhưng không có nghĩa là nó không thể gãy. Cơ có thể bị yếu liệt và các thành phần trong khớp xương có thể bị chấn thương, hủy hoại hoặc bệnh lý. Dưới đây là các bệnh lý thường thấy ở hệ cơ xương khớp đối với độ tuổi chưa trưởng thành:
Viêm khớp:
Viêm khớp là tình trạng khớp bị sưng phù, nóng, đau và hơi tấy đỏ, có thể kết hợp với tình trạng bị giới hạn vận động. Mặc dù viêm khớp là bệnh thường thấy ở người lớn tuổi, tuy nhiên trẻ nhỏ cũng thường mắc chứng bệnh này. Các triệu chứng viêm khớp ở trẻ nhỏ rất đặc trưng với bệnh cảnh tương đối rõ ràng.
Gãy xương:
Gãy xương là tình trạng xương bị biến dạng do chấn động. Xương có thể bị gãy hoàn toàn, gãy xước hoặc thậm chí gãy vụn (gãy nát). Xương có thể gãy kín (các đầu xương không đâm ra ngoài da) hoặc gãy hở. Gãy xương là một tình trạng cấp cứu và cần thiết phải biết sơ cứu đúng cách, nếu không có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như liệt hoặc thậm chí tử vong do sốc. Tùy theo vị trí, tình trạng và mức độ xương gãy mà có những cách điều trị khác nhau.
Chứng loạn dưỡng cơ:
Đây là một bệnh lý có tính di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ, gây ra tình trạng yếu cơ, có thể dẫn đến gãy xương bất kỳ lúc nào. Bệnh thường gặp ở trẻ con có tên gọi là chứng loạn dưỡng cơ Duchenne, thường thấy xuất hiện ở các bé trai nhiều hơn.
Bệnh Osgood-Schlatter:
Đây là một dạng nhiễm trùng ở xương, sụn hoặc các dây chằng ở khớp gối, và xương bánh chè. Bệnh thường thấy khi có sự bộc phát tăng trưởng ở trẻ hiếu động.
Viêm xương:
Viêm xương là tình trạng xương bị viêm nhiễm bởi vi trùng, thường thấy do Staphylococcus qureus, hoặc các loại vi khuẩn khác. Ở trẻ con, bệnh thường thấy ảnh hưởng ở các xương dài như tay và chân. Viêm xương thường do hậu quả của chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
Loãng xương:
Loãng xương là tình trạng xương trở nên giòn, mỏng và xốp. Kết quả là xương không thể nâng đỡ cơ thể và rất dễ gãy hoặc sụp lún vào nhau. Mặc dù loãng xương thường thấy ở người già (nhất là phụ nữ sau tuổi mãn kinh), tuy nhiên cũng thấy ở người trẻ tuổi khi có một vài rối loạn như chơi thể thao đỉnh cao hoặc rối loạn ăn uống. Tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn giàu calcium có thể gia tăng chất xương làm cho xương được khỏe mạnh và phòng chống loãng xương về sau.
Các chấn thương do tư thế, bệnh nghề nghiệp:
Loại chấn thương này xảy ra do tình trạng có quá nhiều áp lực trên một bộ phận nào đó của cơ thể. Hậu quả là các cơ, xương và khớp ở vị trí này có những triệu chứng giống nhau như viêm, sưng, đau. Áp lực xảy ra do một vài cử động cứ lặp đi lặp lại như đánh máy vi tính, công nhân ở một công đoạn sản xuất, tài xế lái xe, một số môn thể thao như tennis, golf cũng có nguy cơ dẫn đến bệnh lý này. Trẻ con thường mắc chứng bệnh này do chơi game quá nhiều.
Chứng vẹo cột sống:
Cột sống bình thường có độ cong đặc trưng của nó. Các đoạn cong này có chủ đích giúp cho cơ thể giảm chấn động khi đi đứng. Tuy nhiên có khoảng 3-5 phần ngàn bị chứng cong vẹo cột sống (còn gọi là gù lưng), đây là một tình trạng cột sống bị cong gập và vẹo quá mức. Bệnh lý này có mang tính di truyền.
Căng cơ và bong gân:
Căng cơ là tình trạng cơ bị căng giãn quá mức. Bong gân là tình trạng căng giãn quá mức hoặc tổn thương rách một phần gân. Căng cơ thường xảy ra khi hoạt động cơ thể nhiều (chơi thể thao) mà không có khởi động hoặc làm nóng trước đó. Bong gân thường xảy ra do chấn thương, thường thấy ở khớp gối và mắt cá chân khi chơi thể thao hoặc té lật cổ chân do đi giày cao gót hoặc bước hụt chân,...
Viêm gân cơ và dây chằng:
Đây là tình trạng thường thấy xảy ra sau những chấn thương thể thao do hoạt động quá mức. Các dây chằng bị tổn thương và dẫn đến tình trạng viêm và đau. Nghỉ ngơi và sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau có thể giảm bớt triệu chứng.