Hành trình sống sót kỳ diệu của em bé sinh non 700g

Hành trình sống sót kỳ diệu của em bé sinh non 700g

Sau 123 ngày từ khi chào đời, bé trai đã được về gia đình. Ảnh: TC

Trước đó, thai phụ ĐKT (sinh năm 1980, ngụ huyện Châu Thành A, Hậu Giang) nhập khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương vào khuya 10-8 trong tình trạng thai non 25 tuần tuổi có dấu hiệu suy hô hấp do nhiễm trùng ối.

Một ngày sau nhập viện, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh non và sinh thường một bé trai nặng 700g. Cậu bé chào đời, nhỏ xíu như chiếc bánh mì, thính lực tốt nhưng thị lực có nguy cơ mắc phải bệnh lý võng mạc do sinh non. Ngoài ra, bé còn bị đe dọa bởi tình hình suy hô hấp do viêm phổi.

Ngay sau khi chào đời, bé được cho vào lồng kính thở máy suốt  71 ngày và thở áp lực dương qua mũi trong 22 ngày. Sau đó, bé được áp dụng kỹ thuật Kangaroo (da kề da với mẹ) trong một tháng sau khi không cần hỗ trợ oxy.

Đến ngày 12-12, tức sau 123 ngày chăm sóc, bé được cho xuất viện với cân nặng 2.230 g. Bé ngủ tốt, các chỉ số hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa ổn định. Tuy nhiên, do bé sinh non tháng nên khi về nhà, phụ huynh vẫn phải tiếp tục áp dụng kỹ thuật da kề da và đưa bé tái khám theo đúng hẹn.

Bác sĩ Chuyên Khoa II Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Hùng Vương, cho biết trong quá trình thở máy, bé được chăm sóc tích cực cấp 1, nuôi ăn bằng tĩnh mạch, bằng dịch truyền, cho bé ăn sữa mẹ và sữa công thức. “Khó khăn lớn nhất là trong suốt hơn hai tháng thở máy bé thường xuyên viêm phổi, nghiêm trọng nhất là khoảng một tháng sau sinh bé bị viêm phổi nặng tưởng đã tử vong. Các bác sĩ phải đổi kháng sinh và may mắn bé đã vượt qua” - Bác sĩ Tiên nói.

Bên cạnh viêm phổi, các bác sĩ còn phải tiến hành phẫu thuật đóng ống động mạch của bé do ống động mạch không tự đóng lại như những trẻ sơ sinh khác và như quan ngại ban đầu. Việc sinh thiếu tháng cũng khiến bé mắc bệnh lý võng mạc phải đến điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo các bác sĩ, tại Bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ nuôi sống những bé sinh non từ 24 tuần tuổi đến 37 tuần tuổi gần lên đến 90%. Đặc biệt, các bác sĩ của bệnh viện từng nuôi sống thành công một bé sinh non 24 tuần tuổi chỉ cân nặng 500 g.


Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào?

Trẻ sinh non cũng cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ phòng, sau khi sinh, trẻ phải được ủ ấm, nằm trong phòng có nhiệt độ 28 - 35 độ. Đối với trẻ sinh thiếu tháng nên cho nằm trong lồng ấp hoặc phương pháp chuột túi, đặt áp trẻ vào ngực mẹ để da tiếp da.

Trẻ sinh thiếu tháng cũng phải vệ sinh da sạch sẽ như trẻ bình thường, do đó phải tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, xà phòng cho trẻ em, tắm nhanh, lau khô cho trẻ. Thời tiết mùa đông nên xoa một lớp mỏng dầu Parafin để giữ độ ẩm cho da khỏi mất nhiệt.

Người chăm sóc trẻ cần mặc đồ bảo hộ, rửa tay sạch… Để tránh tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ do sức đề kháng ở những em bé này rất kém.

Cảnh báo những bệnh trẻ sinh non dễ mắc nêu trên cung cấp thông tin cho những bà mẹ, những gia đình có con sinh non được biết và nắm được cách để phòng tránh. Chúc cho các bé luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.


Theo PLO

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...