Gãy xương sống và gãy cổ
Người xưa nghĩ rằng gãy xương sống hoặc gãy xương cổ là trường hợp hiếm có và một khi bị tai nạn ấy, nạn nhân chỉ còn đợi giờ theo tử thần. Nhưng vì những phương tiện vận chuyển với tốc độ khủng khiếp ngày nay, những tai nạn kia không còn hiếm hoi nữa. Các bác sĩ đồng ý rằng những trường hợp gãy xương sống cùng những tai nạn có vết thương tương tự, càng ngày càng tăng gia, mà điều đáng buồn là hầu hết các trường hợp, nạn nhân không được săn sóc đúng cách thức trước khi được đưa đến bệnh viện.
Gãy xương sống hay gãy cổ thường do những tai nạn đụng xe, ngã té, hoặc từ trên cao nhảy xuống và do nhào lộn xuống hồ cạn nước. Mặt khác những vật lớn, nặng từ trên rớt xuống như đá, gỗ trong các tai nạn hầm mỏ, phá rừng hoặc do nhà sập cũng rất thường xảy ra.
Những tai nạn này có thể làm gãy hoặc sai khớp của một vài đốt xương sống. Những vết thương này có thể làm hại tủy xương-sống, gây cho nạn nhân bị bại suốt đời nếu không được săn sóc cẩn thận. Vì thế ta cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này để tránh những việc không hay có thể xảy ra.
Triệu chứng
Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, họ có thể nói cho ta biết họ bị đau ở chỗ nào cùng nguyên do của tai nạn. Có thể họ bị đau ở cổ và lưng thôi. Nên yêu cầu họ cử động những bộ phận khác nhau trong cơ thể để dò xem họ bị gãy xương ở chỗ nào.
Nếu nạn-nhơn không thể nắm chặt tay ta, hoặc không cử động các ngón tay cách dễ dàng, hoặc cảm thấy tê rần cả vai, có thể người bị gãy cổ.
Nếu nạn nhân cử động các ngón tay được nhưng không cử động bàn chân và ngón chân, hoặc cảm thấy tê rần cả chơn hoặc đau đớn mỗi khi nhớm lưng và quay đầu, rất có thể người bị gãy xương sống. Trong cả hai trường hợp, có thể tủy xương sống của người bị bại nhưng không nhất thiết phải thật trầm trọng. Nếu nạn nhân có thể kể lại tai nạn ra sao sẽ giúp ích người cứu thương nhận rõ nguyên nhân hơn.
Đừng nâng đầu nạn nhân lên, dầu chỉ là nâng đủ cao để cho họ uống nước. Đừng để nạn nhân cố nhớm mình hay ngồi dậy, vì vết thương nơi tủy xương sống sẽ bị tổn hại nhiều hơn, và kết quả là bại xụi vĩnh viễn. Nếu nạn nhân bất tỉnh và ta nghi người ấy bị thương nơi xương sống, hãy điều trị như người ấy bị gãy cổ. Vết thương này thường kích ngất nặng.
Cấp cứu
Nếu phải di dời một nạn nhân gãy cổ đi, nên tìm một cánh cửa hoặc một tấm ván rộng cỡ 4 tấc và phải dài hơn nạn nhân ít nữa 1 tấc. Nếu nạn nhân đương nằm ngửa, cần có một người quỳ gối phía trên đầu nạn nhân, nâng đầu họ với hai tay để cả đầu, cổ, vai và thân mình được dời đi mà không một bộ phận nào cong lại cả. Một hay nhiều người khác nắm kéo áo quần nạn nhân ngay vai và hông để kéo chùi nạn nhân qua tấm ván đặt kế bên. Cho nạn nhân nằm ngửa, hai tay kẹp sát bên mình, đầu, thân và tứ chi đều nằm gọn trên tấm ván. Đừng kê đầu nạn nhân cũng đừng để đầu họ nghiêng một bên, nhưng phải lấy vải, khăn hay các vật khác chèn nhét hai bên để mặt cứ ngửa thẳng lên mãi.
Kế đó, xếp hai tay nạn nhân lên ngực cẩn thận, lấy kim băng hay dây băng cột giữ tay ở yên như vậy. Nên dùng nhiều băng cuộn hay băng cà-vạt buộc sát nạn nhân xuống tấm ván trong khi chuyên chở họ đến bệnh viện. Nếu có dùng băng ca, hãy để cả nạn nhân và tấm ván lên băng-ca mà khiêng đi.
Nếu nạn nhân gãy cổ mà nằm sấp và một tay đưa lên khỏi đầu ta tìm một miếng ván như đã nói ở trên, để bên cạnh họ phía cánh tay đưa lên. Một người quỳ gối phía trên đầu, hai tay giữ chặt đầu nạn nhân bằng cách úp lên lỗ tai để các ngón tay bợ cứng hàm dưới. Khi nạn nhân được lật ngửa bởi nhiều người khác quì gối bên phía tấm ván, vói tay qua, đầu nạn nhân phải được giữ cứng và lật qua đồng nhịp với thân mình.
HÃY NHỚ: Đầu nạn nhân không được đẩy nhích tới lui hay nghiêng qua lại bất cứ trong trường hợp nào.
Nếu nạn nhân nằm nghiêng hay co quắp lại, phải cẩn thận sửa người lại ngay ngắn và lật ngửa ra, cần có ba người hay nhiều hơn để làm việc này. Một người giữ đầu, người khác lo hai chơn và người thứ ba lo thân mình nạn nhân. Cả ba đều làm việc thật đều tay mới được.
HÃY NHỚ: Một nạn nhân bị đau nhiều sau lưng, nên nghi là bị gãy xương sống cho đến khi có bằng chứng rõ rệt người không bị gãy xương. Không bao giờ nên đỡ người dậy hay nâng một nạn nhân gãy xương sống lên.
Nếu phải di dời nạn nhân gãy xương-sống đi mà ta không tìm đâu ra một miếng ván, có thể dùng mền tạm được. Cần bốn người khiêng. Hai người ở chỗ vai nạn nhân và hai người ở lối đầu gối. Phải thật cẩn thận đừng để đầu nạn nhân gật gù. Trường hợp dời chỗ bằng mền, nên để nạn nhân nằm sấp.
Cách giữ chặt nạn nhân gãy xương sống.
Vật dụng để khiên nạn nhân gãy xương sống.
Băng ca tạm bằng mền.