Dùng thuốc và chế độ ăn cho người bị bệnh gout

Dùng thuốc và chế độ ăn cho người bị bệnh gout

Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa, biểu hiện bằng các đợt viêm khớp cấp tính và lắng đọng natri urate trong các tổ chức do tăng acid uric máu. Bệnh hay gặp ở lớp người có mức sống cao.

Ở các nước Châu âu, bệnh có tỷ lệ 0,5% dân số, nam gặp nhiều hơn nữ gấp 10 lần. Ở nước ta, khoảng 10 năm trở lại đây, bệnh có chiều hướng tăng lên rõ rệt.

Acid uric là sản phẩm thoái giáng của các acid nhân tế bào có gốc là purine. Có 3 nguồn cung cấp acid uric là thoái giáng acid nhân tế bào từ thức ăn đưa vào, từ các tế bào bị chết và do tổng hợp purine nội sinh trong cơ thể. Quá trình thoái giáng acid nhân tế bào đã tạo ra các purine đơn giản như adenine, hypoxanthine, xanthine, guanine. Các purine trên được chuyển hóa thẳng thành acid uric nhờ men xanthine oxidase. Tổng lượng acid uric có trong cơ thể vào khoảng 1.000g, hằng ngày có khoảng 650g được trao đổi. Acid uric được đào thải qua nước tiểu khoảng 450-500mg/ngày và qua phân 200 mg/ngày, thay đổi tùy thuộc vào lượng thịt có purine đưa vào (thịt động vật). Nồng độ acid uric trong máu trung bình 208-327 mcm/lít, khi trên 416 mcm/lít được coi là tăng acid uric máu. Các nguyên nhân làm tăng acid uric máu gồm: Ăn nhiều thịt, thoái giáng acid nhân tế bào, tăng tổng hợp purine nội sinh và giảm đào thải acid uric ở thận.

Có 3 hội chứng tăng acid uric máu gây bệnh Gout là:

- Hội chứng tăng acid uric máu vô căn gây bệnh Gout nguyên phát. Thể này hay gặp nhất, chiếm tới 85% các bệnh nhân bị bệnh Gout. Bệnh có tính chất gia đình và di truyền.

- Hội chứng tăng acid uric máu do rối loạn men gây ra bệnh Gout, do thiếu men hypoxanthine - guanine phosphoribosyl - transferase (bệnh Lesch - Nyhan) hoặc tăng hoạt tính men phosphoribosyl pyrophosphat synthetase, loại này hiếm gặp.

- Hội chứng tăng acid uric máu thứ phát gây thể bệnh Gout thứ phát, xảy ra sau suy thận mạn, một số bệnh máu như đa hồng cầu, bệnh bạch cầu, thiếu máu tan máu, đa u tủy xương, suy tuyến giáp, cường chức năng tuyến cận giáp, nhiễm độc thai nghén, tiểu đường có nhiễm acid và ketone (xeton), ung thư di căn, sau khi dùng một số thuốc...

Acid uric máu tăng cao làm các dịch trong cơ thể bão hòa natri urate, gây ra hiện tượng kết tinh urate tạo thành tinh thể trong một số tổ chức, đặc biệt là dịch khớp, sụn, xương, gân, tổ chức dưới da, như mô thận, đài bể thận. Trong điều kiện nhiệt độ thấp, dịch có pH acid thì natri urate dễ kết tinh thành tinh thể, ngược lại trong điều kiện nhiệt độ cao hơn và dịch có pH kiềm thì natri urate có độ hòa tan cao hơn, ít bị kết tinh hơn. Sự kết tinh thành các tinh thể natri urate khi đạt đến một lượng nhất định sẽ gây ra viêm khớp (viêm khớp vi tinh thể) và gây ra cơn Gout cấp tính.

Cơn Gout cấp thường xuất hiện đột ngột về ban đêm. Viêm khớp ngón chân cái gặp khoảng 60-70%, ngoài ra gặp ở các khớp khác như cổ chân, gối, cổ tay, khuỷu tay. Khớp sưng to, nóng, đỏ, phù nề, căng bóng, đau dữ dội, va chạm nhẹ cũng gây đau tăng. Cơn đau thường kéo dài 5-7 ngày rồi giảm dần. Ngoài viêm khớp còn có thể thấy viêm ngoài khớp như viêm các túi thanh dịch gân, bao gân. Lắng đọng các tinh thể urate còn hình thành các cục dưới da cạnh các khớp gọi là hạt tophi. Hạt tophi thường xuất hiện chậm sau cơn Gout cấp đầu tiên hàng chục năm, nhưng khi xuất hiện thì kích cỡ và số lượng hạt thường tăng nhanh. Lắng đọng urate ở đài bể thận gây ra sỏi thận (gặp ở 10-20% số bệnh nhân), sỏi thường nhỏ và không cản quang. Lắng đọng urate trong nhu mô thận gây ra viêm thận kẽ, về sau tiến triển đến suy thận. Suy thận thường là nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Gout.

Điều trị Gout:

Điều trị bao gồm điều trị cơn Gout cấp và điều trị hội chứng tăng acid uric máu. Khi có cơn Gout cấp cần phải điều trị bằng thuốc, thuốc chống viêm giảm đau tốt nhất được lựa chọn trong điều trị cơn Gout cấp là colchicine, viên 1mg, ngày đầu uống 3 viên, ngày thứ hai uống 2 viên, các ngày sau mỗi ngày 1 viên trong 5-7 ngày đến khi hết đau. Uống thuốc sau bữa ăn mỗi lần 1 viên. Thuốc có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa. Ngoài colchicine có thể dùng các thuốc kháng viêm giảm đau nhóm không steroid (indomethacin, diclofenac, ibuprofen) nhưng tác dụng kém hơn. Corticoid làm giảm viêm nhanh nhưng ngừng thuốc lại đau trở lại, hơn nữa corticoid làm tăng acid uric máu vì vậy không nên dùng.

Điều trị hội chứng tăng acid uric máu: Sử dụng thuốc làm giảm acid uric máu gồm nhóm thuốc làm giảm tổng hợp acid uric như allopurinol, thiopurinol, thuốc ức chế men xanthine oxidase làm giảm tạo thành acid uric, viên 100mg uống 3 viên/ ngày, thường phải kéo dài trên 20 ngày đến khi nồng độ acid uric máu xuống dưới 416 mcm/lít. Thuốc ít tác dụng phụ nhưng có thể gặp phản ứng dị ứng, nổi mẩn da, rối loạn tiêu hóa. Nhóm thuốc làm tăng phân hủy acid uric là uricozyme, đây là một men urate oxidase được chiết xuất từ nấm aspergillus flavus có tác dụng làm thoái giáng acid uric thành allantoin. Allantoin có độ hòa tan gấp 10 lần so với uric và dễ dàng được thận đào thải. Uricozyme làm giảm acid uric máu rất mạnh. Nhóm thuốc làm tăng đào thải acid uric qua nước tiểu như probenecid, sulfinpyrazone (anturane). Thuốc có thể gây phản ứng dị ứng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Hai thuốc trên không được dùng đồng thời với aspirin liều nhỏ hoặc thiazide vì làm mất tác dụng đào thải acid uric. Vì thuốc làm tăng đào thải acid uric qua thận nên có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ngoài ra cần phải kiểm hóa máu để làm tăng độ hòa tan của acid uric bằng cách uống các nước có kiểm (soda), nabica viên 0,5, uống 4 viên/ngày.

Điều quan trọng hơn là phải dự phòng cơn Gout cấp tái phát bằng chế độ ăn và điều trị hội chứng tăng acid uric máu để luôn duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn bình thường. Người ta thấy cơn Gout cấp thường xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, rượu, chấn thương (kể cả đi giày chật). Vì vậy người bị Gout không nên ăn quá 0,8g đạm động vật/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Chẳng hạn người 50kg không nên ăn quá 40g đạm động vật/ngày. Một lạng thịt lợn nạc, thịt bò, cá có 20g đạm, vậy không ăn quá 2 lạng thịt động vật/ngày. Không uống rượu, bia, nên uống nhiều nước, trên 2 lít/ngày, nên uống các loại nước có bicarbonate. Định kỳ kiểm tra acid uric máu, dùng thuốc làm giảm acid uric máu như allopurinol, uricozyme để duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn bình thường. Không nên sử dụng các thuốc gây tăng acid uric máu như thiazide, ethambutol, pyrazinamide, aspirin liều thấp.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...