ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Hiện nay số người cao tuổi (trên 60 tuổi) ở Việt Nam đã lên đến 10 triệu người, chiếm 11% dân số cả nước. Chúng tôi xin đi sâu vào một số vấn đề tâm lý mà nhiều người cho là quan trọng nhất đối với người cao tuổi hiện nay ở Việt Nam, đó là việc làm, thu nhập và nhu cầu lao động, sức khỏe và nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, quan hệ xã hội và nhu cầu được quan tâm, tôn trọng.
1. Hoạt động lao động, nhu cầu lao động
Nhu cầu được làm việc, tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội phù hợp với sức khỏe và điều kiện của từng người cao tuổi cũng là một yêu cầu của các vị cao niên. Đến hết tuổi lao động thì hưởng chế độ nghỉ hưu song nhiều người cao tuổi vẫn có nhu cầu làm việc để có thêm thu nhập, để được sống có ích, ngoài việc tự mỗi người phấn đấu để có sự cống hiến, nhiều vị cao niên vẫn muốn được gia đình và xã hội quan tâm giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi. Một số cơ quan và Nhà nước đã và đang nghiên cứu để sử dụng chất xám, khả năng của những vị cao niên, nhất là những vị vừa mới rời khỏi dây chuyền sản xuất và công tác, vẫn còn trí tuệ, kinh nghiệm và sức khỏe nhằm phát huy một cách phù hợp sự cống hiến của họ. Được làm việc, được cống hiến tạo ra niềm vui cho cuộc sống, do đó có tác dụng làm cho trí não và thân thể khỏe mạnh. Đây còn là một quyền của người cao tuổi mà nhiều quốc gia đang quan tâm.
Nhiều cuộc điều tra cho thấy, có tới 70% những người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 đến 69 còn phải lao động để kiếm sống, có tới 38% số người trong độ tuổi này còn phải đóng vai trò chính trong kinh tế gia đình. Họ phải lo cho cuộc sống của chính họ và con cái. Trong tình hình lao động dư thừa như hiện nay và trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế đều đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao thì tìm kiếm được một việc làm thích hợp với người cao tuổi là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là ở thành thị.
Mong muốn có việc làm ở người cao tuổi hiện nay trước hết là do họ không có nguồn thu nhập, hoặc có nhưng quá ít ỏi, không đủ sống.
Nguyện vọng lớn nhất của người già cô đơn là được xã hội và Nhà nước chăm sóc đời sống vật chất và chữa bệnh, được sống cùng con cháu, họ hàng hoặc được sống trong các cơ sở xã hội.
2. Về sức khỏe, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi hiện nay
Nhiều cuộc điều tra cho thấy, có tới 95% các cụ cao tuổi có bệnh và có nhu cầu chữa bệnh, nhưng nhu cầu này chưa được đáp ứng. Hiện nay chỉ có nhóm người về hưu được khám chữa bệnh tốt hơn các nhóm khác, nhờ Nhà nước bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế cho họ.
Người già có những hẫng hụt lớn về mặt tâm lý do sự rời bỏ hoạt động nghề nghiệp, thói quen công việc đã gắn bó trong nhiều năm. Sự thay đổi địa vị xã hội, thay đổi lối sống, sinh hoạt, thay đổi chức năng vai trò của cá nhân đối với con cái, gia đình, tỷ lệ tăng người thân, bạn bè qua đời nhanh cùng với sự thoái hóa của hệ thần kinh, giảm sút trí nhớ… Làm cho bệnh lý tâm thần người già tăng cao và trầm trọng.
Ngoài các bệnh nội khoa, xương khớp, hô hấp, tim mạch v.v… những vấn đề rối loạn tâm thần người cao tuổi như giảm, mất trí nhớ, loạn tâm thần đang tăng lên và được nhiều nước trên thế giới quan tâm.
Ở Việt Nam người cao tuổi tập trung chủ yếu ở nông thôn, 81,2% làm nông nghiệp, lao động đơn giản, nhiều người cao tuổi còn phải tiếp tục lao động kiếm sống. Do hậu quả của chiến tranh hầu hết trình độ học vấn của người cao tuổi rất thấp, có đến 59,06% thất học, chỉ có 0,21% có trình độ trung học trở lên, những hiểu biết về y học thường thức, các biện pháp luyện tập, dự phòng và điều trị các bệnh thông thường của người cao tuổi còn rất nhiều hạn chế. Việc chăm sóc người cao tuổi tại các gia đình đang ngày càng gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, công việc của con cái, quan hệ truyền thống giữa các thế hệ đang có sự sa sút. Mặt khác điều kiện tiếp cận nhanh chóng của người cao tuổi với các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Vì vậy trong những năm qua với sự phát triển kinh tế, xã hội, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuổi thọ người cao tuổi được nâng cao, tình trạng sức khỏe người cao tuổi Việt Nam được cải thiện rõ rệt, nhưng thực tế còn chưa đạt yêu cầu.
Có đến 50% số người cao tuổi được hỏi nguyện vọng được hỗ trợ khi ốm đau, bệnh tật; nguyện vọng được quan tâm nhiều hơn đến tinh thần là 65%; được tạo điều kiện khám chữa bệnh thường xuyên là 30,71%.
3. Quan hệ xã hội và nhu cầu được quan tâm, tôn trọng
Người cao tuổi hiện nay là lớp người đã từng tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực, họ có các mối quan hệ khá rộng. Hoạt động xã hội của người cao tuổi hiện nay co lại trong phạm vi gia đình, thân tộc nhiều hơn. Các hoạt động xã hội rộng lớn, mang tính cộng đồng làng, xã còn rất nghèo nàn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến lạc hậu về thời cuộc và cô đơn trong cuộc sống của người cao tuổi.
Từ những đánh giá của chính bản thân những người cao tuổi, có thể sơ bộ rút ra một số nhận xét: Phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay có cuộc sống ổn định, tâm trạng lớn nhất của họ là muốn gắn bó với gia đình, hòa nhập với xã hội để sống cho mình và sống vì con cháu. Điều này khẳng định rằng: Truyền thống đạo đức xã hội, gia đình Việt Nam, lẽ sống của con người Việt Nam, thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam vẫn được bảo tồn và trụ vững. Tuy vậy, không phải không có những xao xuyến, một số người cao tuổi có sự khủng hoảng về tâm lý. Họ bị con cháu đối xử tệ bạc, cuộc sống của họ bị quẫn bách cả về vật chất và tinh thần, các chuẩn mực về đạo đức, lối sống với gia đình của họ bị đảo lộn.