Điều trị Ung thư máu (bệnh bạch cầu) có những tác dụng phụ gì?

Điều trị Ung thư máu (bệnh bạch cầu) có những tác dụng phụ gì?

Việc điều trị ung thư máu sẽ phá hủy cả tế bào ung thư máu và tế bào bình thường. Kiểm soát để hạn chế tác động của thuốc lên tế bào bình thường chỉ còn tác động lên tế bào ung thư máu để giảm tác dụng phụ của thuốc là một việc rất khó thực hiện.

Điều trị ung thư có rất nhiều tác dụng phụ. Chúng phụ thuộc chủ yếu vào loại phác đồ cũng như thời gian điều trị. Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau và thậm chí trên cùng một bệnh nhân phản ứng phụ ở đợt điều trị này có thể khác những đợt khác. Nỗ lực của các nhà chuyên môn là giảm tác dụng phụ đến mức tối thiểu.

Các bác sĩ và y tá có thể giải thích những tác dụng phụ cho bệnh nhân biết và hướng dẫn họ thay đổi thuốc, chế độ ăn uống hay các biện pháp nào khác để đổi phó.

Điều trị bệnh bạch cầu cấp bằng thuốc

Tác dụng phụ của hoá trị liệu phụ thuộc chủ yếu vào loại thuốc bệnh nhân sử dụng. Ngoài ra, cũng như các phưong pháp trị liệu khác, tác dụng phụ ở mỗi người sẽ khác nhau. Thường thì thuốc chống ung thư tác động lên các tế bào đang trong giai đoạn phân chia. Các tế bào ung thư có đặc điểm phân chia nhiều hơn tế bào bình thường nên bị tác động bởi hoá trị liệu nhiều hơn. Tuy nhiên một số tế bào bình thường cũng bị phá huỷ. Các tế bào thường hay phân chia gồm tế bào máu; tế bào ở gốc lông, tóc hay ở đường tiêu hoá thường dễ bị phá huỷ. Khi hoá trị liệu ảnh hưởng lên tế bào bình thường nó sẽ làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân đối với tình trạng nhiễm trùng và bệnh nhân có thể mất năng lượng và dễ bị bầm tím hay chảy máu. Đa số các tác dụng phụ sẽ hết từ từ trong giai đoạn hồi phục giữa các đợt điều trị và sau khi ngưng điều trị.

Một số loại thuốc chống ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Kinh nguyệt có thể bị rối loạn hay ngưng hẳn và phụ nữ có thể bị triệu chứng mãn kinh như những con nóng bừng và khô âm đạo. Nam giới có thể ngưng tạo tinh trùng. Vì các biến đổi này có thể là vĩnh viễn nên một số đàn ông chọn cách giữ tinh trùng đông lạnh. Hầu hết trẻ em được điều trị ung thư máu có khả năng sinh sản bình thường khi chúng lớn lên. Tuy nhiên tuỳ theo loại thuốc và liều lượng sử dụng cũng như tuổi mà một số trẻ em trai và gái không thể có con khi họ trưởng thành.

Xạ trị

Bệnh nhân bị xạ trị có thể rất mệt mỏi cho nên nghỉ ngơi là quan trọng nhưng các bác sĩ lại khuyên bệnh nhân vẫn duy trì hoạt động như trước.

Khi được xạ trị trực tiếp lên đầu thì bệnh nhân thường bị rụng tóc. Xạ trị có thể làm cho da đầu tại vùng chiếu xạ bị đỏ, khô, giòn và ngứa. Bệnh nhân nên được hướng dẫn cách chăm sóc da đầu sạch sẽ. Họ không nên sử dụng bất cứ loại nước hoa hay kem thoa lên vùng da chiếu xạ mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Xạ trị có thể gây buồn nôn, nôn và mất cảm giác ngon miệng. Những tác dụng phụ này là tạm thời và các bác sĩ và y tá có thể đề nghị cách kiểm soát chúng cho đến khi hoàn tất điều trị. Tuy nhiên một số tác dụng phụ có thể kéo dài.

Trẻ em (mà đặc biệt là những trẻ nhỏ tuổi) được chiếu xạ ở não có thể ảnh hưởng đến việc học tập. Vì lý do này mà các bác sĩ sử dụng liều xạ trị thấp nhất có thể được và chỉ áp dụng cho những trẻ không thể điều trị bằng hoá trị đơn lẻ. Xạ trị tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như việc sản xuất hormon. Hầu hết những bé trai bị xạ trị tinh hoàn không thể có con sau này và trẻ cần phải sử dụng hormon thay thế.

Ghép tuỷ xương

Bệnh nhân ghép tuỷ xương đối diện với nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và các tác dụng khác do được hoá trị và xạ trị với một liều lượng lớn.
Ngoài ra bệnh ký chủ thải ghép có thể xảy ra ở người nhận tuỷ ghép từ một người khác cho. Trong bệnh này tuỷ của người cho phản ứng chống lại mô của ký chủ (thường là gan, da và đường tiêu hoá). Bệnh này có thể từ mức độ nhẹ đến trầm trọng và có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào sau khi ghép (thậm chí vài năm sau). Có thể cho thuốc để làm giảm nguy cơ bệnh này và điều trị những biến chứng do nó gây ra.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...