Điều trị chứng táo bón lúc mang thai
Hỏi: Tôi 30 tuổi, có thai 5 tuần. Muốn uống sữa bà bầu, nhưng sau khi uống rất haỵ bị sình bụng (thỉnh thoảng không sình bụng thì táo bón). Lúc di ngoài thấy táo bón (dù ăn rất nhiều rau, uống nhiều nước) rất đau ở hậu môn và ra máu dò dính trên phân, bị nứt hậu môn. Như vậy, tôi phải dùng loại thuốc nào để không ảnh hưởng tới thai?
Trả lời:
Sình bụng sau khi uống sữa có thể là do thiếu men lactase (gọi là “bất dung đường lactose” của sữa). Cách khắc phục là kiếm men lactose uống kèm với sữa, hoặc chế biến sữa này thành sữa chua (ly do là vì đa phần lactose đã được các vi khuẩn trong yaourt biến thành acid lactic).
Đi ngoài thấy phân dính máu có thể là do thai phụ bị trĩ có biến chứng nên khi đó bị đau, vì thế “sợ” đi tiêu và càng “bón” thêm. Đế tháo gỡ vòng luẩn quẩn này, nên thực hiện những điều sau đây:
- Ăn hàng ngày những thức ăn sau: Khoai lang, bí luộc chấm muối mè
+ đậu lạc buổi sáng + uống loại sữa cho phụ nữ mang thai có thêm chất xơ FOS (nhu Pomance hay Dielac Mama) mỗi ngày 2 cốc.
- Mỗi bữa chính, ăn rau lá xào ít nhất 2/3 bát.
- Sau bữa ăn, ăn tráng miệng bằng đu đủ chín. Tối ăn 1 bát thạch trắng, trong ngày uống 1 - 2 ly nước me ngào mật ong thay nước giải khát.
- Uống nhiều nước (ít nhất 1,5 lít/ngày).
Thuốc điều trị
Uống thuốc Phytilax (có lô hội, mật lợn...) 1 - 2 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tối khi đi ngủ nhét 1 toa dược chống trĩ (suppositoire anti hemorroidaire) vào hậu môn. Nếu táo bón nhiều, khi muốn đi ngoài nên thụt nước ấm có pha muối 9g/lít sẽ dễ đi hơn. Sau khi đi ngoài cũng nên nhét 1 toa dược cho tới khi lành hẳn vết nứt hậu môn (thường rất đau).
Cũng nên dùng thêm một loại thuốc mỡ có mù u hay dầu mù u thoa lên chỗ hậu môn bị nứt (sau khi rửa sạch) sẽ giúp mau lành vết nứt. Sau khi đi ngoài, nếu đau hậu môn nhiều, có thể ngồi ngâm hậu môn vào 1 thau nước ấm có pha nước sát trùng phụ khoa, sẽ giúp dịu hắn cơn đau.
Những cách điều trị trên đều không có ảnh hưởng gì tới thai cả.