Điều trị bệnh trĩ bằng tây y

Điều trị bệnh trĩ bằng tây y

1. Thắt búi trĩ bằng dây thun:

Phương pháp này sử dụng vòng cao su, lồng vào cổ búi trĩ, thắt nghẹt lại để máu không tới nuôi búi trĩ, búi trĩ sẽ tự teo và rụng. Thắt trĩ bằng vòng cao su được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và 2, một số tác giả áp dụng cho cả trĩ nội độ 3 nhưng kết quả bị giới hạn.

Thắt trĩ bằng vòng cao su đã được thực hiện từ thế kỷ 19 nhưng vì cột búi trĩ chung với cả da quanh hậu môn nên sau thắt rất đau, cho nên không được sử dụng rộng rãi. Đến năm 1958 Blaisdell đã thành công với việc chỉ cột búi trĩ không có lẫn da và các mô chung quanh. Barron 1963 đã tạo ra dụng cụ để thắt trĩ với vòng cao su và sau đó với dụng cụ cải tiến của Mc Giveny đã đưa điều trị thắt trĩ với vòng cao su thành một phương pháp điều trị trĩ thành công và được lựa chọn hàng đầu trong các phương pháp điều trị bằng thủ thuật.

Nguyên tắc chính của thắt vòng cao su là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp dưới niêm mạc, do đó sẽ cố định ống hậu môn đúng với nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.

2. Các phương pháp điều trị nội khoa:

Phương pháp này cũng được thực hiện với việc dùng thuốc để điều trị trĩ. Trong đó thống kê hơn 100 thứ thuốc gồm thuốc uống, thuốc mỡ và viên đạn được quảng cáo trên thị trường để ngừa đau, chống chảy máu, chữa trĩ và các bệnh hậu môn trực tràng khác, hiện nay một số thuốc vẫn bán trên thị trường như Grinkor Fort, Proctolog, Daflon v.v... Bên cạnh đó, Y học cổ truyền hiện có nhiều công trình đáng quý, nghiên cứu hoặc nghiên cứu lại một số bài thuốc cổ phương, áp dụng chữa trĩ. Đông y có điểm lợi là sử dụng cây cỏ, dễ kiếm, giá thành rẻ. Tuy vậy, đối với những bệnh nhân bị trĩ nội từ độ III trở lên, trĩ ngoại, trĩ vòng và trĩ hỗn hợp thì điều trị nội khoa chỉ có tác dụng chữa triệu chứng hay điều trị những đợt bị cấp như chảy máu, đau rát, sa.. mà khó có thể điều trị khỏi bệnh được.

3. Liệu pháp làm đông bằng tia hồng ngoại (từ 1979 do Neiger mô tả):

Đốt điện với máy đốt hai cực, hoặc đốt điện với máy đốt một cực hay dòng điện trực tiếp, liệu pháp đông lạnh, cắt cơ thắt trong, cột mạch trĩ qua siêu âm DOPPLER. Phương thức sử dụng nhiệt điều trị trĩ đã được thực hiện hàng trăm năm nay. Mục tiêu của phương pháp làm đông là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Với tia Laser, dòng điện cao tần cũng có tác động làm đông như tia hồng ngoại, nhưng sự chính xác về độ sâu xuyên thấu của tác động làm đông của 2 phương pháp này không chính xác bằng tia hồng ngoại với máy quang đông. Sự xuyên thấu mô của tia hồng ngoại được định trước bằng cách điều chỉnh tốc độ của tia và độ hội tụ chính xác trên lớp mô này. Máy quang đông hồng ngoại có lợi là không gây nhiễu các dụng cụ điện tử gắn trên người bệnh như máy điều hoà nhịp tim.

Quang đông hồng ngoại được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là máy khá đắt và thường phải làm thủ thuật nhiều lần.

Điểm lợi của các phương pháp này là làm không đau, bệnh nhân có thể về nhà trong thời gian ngắn, nhưng có điểm yếu là rất dễ tái phát.

4. Phương pháp điều trị trĩ bằng hệ thống ULTROID

Khái quát

Phương pháp điều trị có hiệu quả áp dụng từ năm 1876 (trên Thế giới) và năm 1995 (tại Việt Nam)

ULTROID SYSTEM:

là một thủ thuật dùng máy phát với điện cực tác động vào gốc búi trĩ, làm búi trĩ teo đi do mất nguồn máu nuôi dưỡng

Nguyên lý hoạt động: dùng một dòng vi điện (nhờ máy phát điện ULTROID) tạo nên một phản ứng hóa học tác động trong mô trĩ làm giảm hoặc giới hạn sự phồng to của búi trĩ.

Ưu điểm:

- Không phẫu thuật;

- Không gây mê;

- Không đau, bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường sau thời gian ngắn hoặc ngay khi làm xong thủ thuật;

- Thực hiện nhanh, dễ dàng và có thể làm ngay tại phòng khám.

Nhược điểm:

Là phương pháp tốt đối với trĩ độ I, độ II nhẹ, nhưng không có hiệu quả với trĩ ngoại, trĩ nội độ II nặng, độ III, độ IV, trĩ hỗn hợp và trĩ vòng.

Điều trị hiệu quả bệnh trĩ bằng điện cao tần

Phương pháp điều trị bệnh trĩ bằng điện cao tần được thực hiện bằng cách ứng dụng dòng điện cao tần (bằng máy ZZIID) tác động vào búi trĩ, sinh ra nội nhiệt làm protein của mạch máu trong búi trĩ đông lại, từ đó búi trĩ sẽ tự chết.

Phương pháp điều trị này có thời gian thực hiện nhanh, ít đau và chóng lành hơn hẳn so với các biện pháp khác đã được ứng dụng tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật an toàn, với tỷ lệ khỏi bệnh cao mà người bệnh đỡ đau hơn và ít biến chứng hơn so với việc phẫu thuật, dùng tia laser hoặc tia hồng ngoại, và có khả năng điều trị dứt điểm các loại trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, viêm ngứa hậu môn, kể cả trĩ nội đã đến thời kỳ nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm, Trưởng khoa Hậu môn - Trực tràng của Bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An, Hà Nội - nơi đang ứng dụng hiệu quả phương pháp điều trị này, sau nửa năm áp dụng, trong số 50 bệnh nhân bị bệnh trĩ nặng được điều trị bằng phương pháp mới này, 46 bệnh nhân đạt kết quả tốt (chiếm 92%), chỉ có 4 bệnh nhân đạt kết quả trung bình, không có trường hợp nào bị thất bại. Ngoài ra, qua tái khám sau ba tháng điều trị chưa thấy bệnh nhân nào tái phát.

 

5. Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ

Đối với trĩ nặng độ III, độ IV người ta dùng các phương pháp phẫu thuật cắt trĩ.

Khi nào cần phẫu thuật trĩ

Trĩ có thể là bệnh, có thể là triệu chứng của một bệnh khác. Chỉ được phẫu thuật khi là trĩ bệnh. Một sai lầm thường mắc phải là cắt trĩ cho một bệnh nhân bị ung thư trực tràng. Có thể trĩ là triệu chứng của ung thư trực tràng, có thể là ung thư trực tràng xuất hiện trên một bệnh nhân có trĩ đã lâu. Vì vậy, trước khi phẫu thuật phải khẳng định không có các thương tổn thực thể khác ở vùng hậu môn trực tràng.

Trĩ có thể điều trị khỏi bằng nội khoa hay các phương pháp vật lý. Vì vậy, phẫu thuật chỉ nên được xem là phương sách cuối cùng khi các phương pháp kể trên không hiệu quả, bởi vì phẫu thuật can thiệp vào giải phẫu học và sinh lý học bình thường và có thể kèm theo các di chứng nặng nề khó sửa chữa.

Chỉ định phẫu thuật thường chỉ áp dụng cho trĩ nội độ 3, độ 4, trĩ có huyết khối, trĩ vòng sa và trĩ xuất huyết trầm trọng.

Trước khi phẫu thuật trĩ, người bệnh phải loại trừ một số loại bệnh nào?

Trước khi phẫu thuật trĩ, người bệnh cần loại trừ các loại bệnh sau đây, để phẫu thuật hoặc tiêm thuốc có hiệu quả hơn:

- Viêm trực tràng: Niêm mạc trực tràng bị thối rữa, chảy máu, không sạch sẽ, sau khi đại tiện phân có mủ, máu.

- Viêm kết tràng mãn tính: Biểu hiện thường thấy của bệnh này là vùng bụng bị, đi phân lỏng hoặc trong phân có mủ, máu, nếu trực tràng bị xơ cứng thì niêm mạc bị thối rữa, ra máu dày đặc hoặc bị lở loét.

- Ung thư trực tràng: Biểu hiện thường thấy của bệnh này là đại tiện ra máu, hình dạng phân thay đổi, niêm mạc có khô cứng, ở trực tràng có thể nhìn thấy u hoặc bề mặt bị lở loét, cứng khi tiếp xúc bị chảy máu.

- Vùng hậu môn có mụn: Do vùng hậu môn bị viêm mạn tính nên khi đại tiện do vi khuẩn xâm nhập sinh ra mụn, mụn mọc thường có màu trắng xám, có cuống tương đối dài.

- Bệnh lậu: Bộ phận hậu môn bị ngứa, thậm chí bị đau, có mủ. Thực nghiệm quan sát cho thấy, vùng hậu môn có cầu khuẩn lậu hoạt động. Bệnh này chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục.

- Hậu môn bị u: Xung quanh bộ phận hậu môn mọc dần lên các khối u có hình bông cải, chúng mọc liền với nhau thành một khối u, cũng có thể tồn tại độc lập, còn ở niêm mạc là các lông tơ, có giới hạn rõ ràng với vùng da xung quanh. Người mắc loại bệnh này thường là do vệ sinh không sạch sẽ bộ phận hậu môn.

Vì vậy, trước khi phẫu thuật trĩ, người bệnh trĩ phải chẩn đoán kỹ, để tránh trong quá trình phẫu thuật do chẩn đoán nhầm mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Phẫu thuật trĩ

Với các phát hiện về sinh bệnh học và giải phẫu học, từ thập niên 90 có các phương pháp phẫu thuật mới như khâu treo trĩ, phẫu thuật Longo, khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler. Các phương pháp phẫu thuật mới này dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn. Với các phương pháp phẫu thuật sau này, vùng phẫu thuật nằm trên cột Morgagni, là vùng không có các tiếp nhận cảm giác, do đó khi phẫu thuật vùng này có lợi điểm là không đau.

a- Nhóm phẫu thuật 1:

gồm 2 nhóm phẫu thuật:

- Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc:

Phẫu thuật Whitehead: nguyên tắc là cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc có các búi tĩnh mạch trĩ, sau đó kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn. Phương pháp này hiện nay hầu như không được sử dụng vì để lại nhiều biến chứng nặng nề như hẹp hậu môn, đại tiện mất tự chủ và rỉ dịch ở hậu môn. Nhưng vì tính chất triệt để của phẫu thuật nên nhiều tác giả vẫn sử dụng nguyên tắc của phẫu thuật này nhưng cải biên lại để làm giảm các biến chứng; ví dụ phẫu thuật Toupet.

 - Phẫu thuật cắt từng búi trĩ:

Nguyên tắc phẫu thuật này là cắt riêng biệt từng búi trĩ một, để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh đa-niêm mạc (cầu da niêm mạc). Nhóm phẫu thuật này gồm có PT Milligan Morgan (1937), PT Ferguson (1959), PT Parks (1965), PT BV Việt Đức (Nguyễn Đình Hồi, 1966).

Nhóm phẫu thuật này gồm 2 nhóm chính là:

- Cắt trĩ mở: PT Milligan Morgan, PT Nguyễn Đình Hối.

- Cắt trĩ kín: PT Ferguson.

Nhóm phẫu thuật này tránh được các biến chứng của nhóm phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc da, nhưng vẫn còn nhược điểm là đau sau mổ, thời gian nằm viện dài, thời gian trở lại lao động muộn và không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.

 

b- Nhóm phẫu thuật 2:

Xuất phát từ các nhược điểm của nhóm phẫu thuật dưới cột Morgagni và các phát hiện mới về sinh bệnh học, từ thập niên 90, dựa trên nguyên tắc bảo tên khối đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và thu nhỏ thể tích khối trĩ, một số phẫu thuật mới đã ra đời với nguyên tắc treo hậu môn như PT Longo, khâu treo trĩ bằng tay và nguyên tắc thu nhỏ thể tích khối trĩ như PT khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler.

- PT Longo (1998):

Là phẫu thuật sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3 em và khâu vòng bằng máy bấm. Nguyên tắc của phẫu thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc, nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. Phương pháp này được ưa chuộng vì không đau, thời gian nằm viện ngắn, trả bệnh nhân về lao động sớm, nhược điểm này là chi phí cao, chưa được đánh giá đầy đủ về hiệu quả do thời gian theo dõi còn ngắn.

Chỉ định:

  • Trĩ độ II muộn, độ III, độ IV.
  • Sa niêm mạc trực tràng.

Nguyên lý

Phẫu thuật chỉ theo phương pháp Longo dựa trên nguyên lý những dụng cụ cắt nối, cắt bớt phần niêm mạc trĩ sa. Sau đó kéo nối búi trĩ trở lại vị trí bình thường. Búi trĩ sẽ dần co nhỏ lại và khỏi.

Vết cắt nối thực hiện trên đường lược, vùng này không có thần kinh cảm giác, do đó bệnh nhân ít đau, ít chảy máu, và có thể đại tiện được sau mổ (một điều mà bác sĩ và bệnh nhân rất ngại sau mổ).

  • Thời gian gây tê, gây mê ngắn (khoảng 15 phút).
  • Thời gian nằm điều trị ngắn : 1 ->2 ngày.
  • Thời gian hồi phục nhanh: 5 ->7 ngày.
  • Không có vết cắt ở hậu môn, giữ được sinh lý bình thường, chỉ tức nhẹ vùng hậu môn sau mổ một ngày.
  • 90% bệnh nhân hoạt động, làm việc bình thường sau mổ 2 ngày. Số ít khó chịu tới 5 ->7 ngày. Sau đó hồi phục bình thường, thẩm mỹ tốt.

- Khâu treo trĩ bằng tay:

Đây là phương pháp cải biên của phẫu thuật Longo ở các nước đang phát triển do giá thành cao của PT Longo. PT này đã được Ahmed M Hussein, Nguyễn Mạnh Nhâm, Nguyễn Trung Vinh, Nguyễn Trung Tín báo cáo ở các hội nghị. Phương pháp này cũng dựa trên nguyên tắc của phẫu thuật Longo là làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ để thu nhỏ thể tích khối trĩ và treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng các mũi khâu tay khâu xếp nếp niêm mạc trên đường lược 2-3cm. Phương pháp này chỉ mới được báo cáo sau năm 2001.

- Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler:

Phương pháp này được Kazumasa Morinaga thực hiện lần đầu năm 1995, với một dụng cụ có tên là Moricorn, là một máy gồm một đầu dò siêu âm Doppler gắn liền trong một ống soi hậu môn, qua dụng cụ này tác giả đò tìm 6 động mạch, là những nhánh tận của động mạch trực tràng trên, và các nhánh động mạch này được khâu cột ở vị trí trên đường lược 2cm.

Nguyên tắc của phương pháp này là làm giảm lưu lượng máu đến các búi trl, chỉ áp dụng cho trĩ nội độ 2 và 3, ưu điểm của phương pháp này là không đau và bảo tồn được đệm hậu môn.

Cả ba phương pháp này không giải quyết được các trường hợp trĩ nội tắc mạch và các trường hợp có mẫu da thừa lớn.

Phẫu thuật hay thủ thuật không phải là kết luận cuối cùng mà chỉ là một mắt xích trong phác đồ tổng thể. Bởi vì sau đó còn một việc cực kỳ hệ trọng là phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn tái phát. Các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên sẽ rất phù hợp để dùng cho bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ với mục đích như trên.

 

6. Chích xơ búi trĩ:

Phương pháp này được bắt đầu từ năm 1916, do Terrell tường trình kết quả chích xơ búi trĩ trên 128 bệnh nhân trĩ trong vòng 3 năm và đã mô tả phương pháp chích. Đây là người có công đầu tiên đưa phương pháp chích trĩ thành một phương pháp trị bệnh trĩ căn bản khoa học. Thủ thuật tiêm xơ là làm mất búi trĩ bằng cách tiêm chất hóa học vào búi trĩ, tạo xơ ở đó, máu không đến được để nuôi búi trĩ, búi trĩ sẽ tự teo đi.

Là phương pháp dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có kinh nghiệm với kỹ thuật vững vàng mới cho kết quả tốt và tránh được các biến chứng. Mục đích chính của chích xơ là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp dưới niêm mạc giúp giảm triệu chứng chảy máu.

Chích xơ được chỉ định trong trĩ độ 1 và trĩ độ 2.

Trong kỹ thuật chích xơ cần chú ý một số VIỆC:

- Sử dụng đúng loại kim: Kim dài, có ngạnh chặn ở gần đầu kim để tránh xuyên thấu sâu, nếu có kim gập góc thì rất tốt, ống chích chuyên dùng. Thuốc chích xơ thường dùng hiện nay là đầu phenol và polidocanol.

- Vị trí chích là ở gốc búi trĩ, nằm trên đường lược và ở đáy búi trĩ. Khối lượng thuốc bơm khoảng 3-5 ml, bơm chậm, trong lúc bơm thuốc nếu thấy chỗ chích đổi màu trắng là chích vào lớp thượng bì, ngừng chích ngay vì sẽ gây biến chứng loét hoại tử sau chích. VỊ trí chích thông thường là ở 4 giờ, 7 giờ và 11 giờ.

Biến chứng:

- Chảy máu chỗ chích: nếu phát hiện trong lúc chích dùng gạc đè vào, nếu không giảm dùng dụng cụ thắt trĩ bằng vòng cao su thắt vùng chảy máu.

- Chích vào tuyến tiền liệt: trong trường hợp chích quá sâu ở vị trí 11 giờ - 1 giờ có thể gặp biến chứng bí tiểu, viêm mào tinh và tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, rò hậu môn âm đạo...

Hiện nay, phương pháp chích xơ búi trĩ được nhiều cơ sở y tế trong cả nước thực hiện với những loại thuốc và các kỹ thuật chích xơ khác nhau.

Từ những năm 80 của thế ký XX, trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức Quốc tế, Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng với sự tham gia trực tiếp của chuyên gia người Pháp đã triển khai phương pháp tiêm xơ các búi trĩ để điều trị các bệnh trĩ nội, các loại bệnh trĩ gây chảy máu với kết quả tốt. Tuy nhiên đối trĩ nội đã nặng và sa niêm mạc, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp, trĩ vòng, vì lo sợ bệnh nhân bị đau đón do tiêm hoặc gặp các biến chứng khác như chảy máu sau tiêm, trĩ sa nên không được chỉ định. Thường chỉ định sử dụng các biện pháp thắt, cắt hay mổ song từ mỗi phương pháp cũng đều có thể gặp những bất cập khác nhau.

Qua nghiên cứu về giải phẫu ống hậu môn ở người bị bệnh trĩ người ta thấy rằng: búi trĩ giãn phông lên, đẩy niêm mạc giãn theo, nếu cứ duy trì áp lực cao ở vùng ống (như người mắc đại tràng mãn, phụ nữ mang thai v.v...) sẽ làm các búi trĩ ngày càng to lên, có một khoảng cách giữa phần cơ, đám rối mạch máu và niêm mạc là mất độ co. Giai đoạn đầu những búi trĩ căng máu bị vỡ chảy máu tươi khi đi đại tiện, nhưng giai đoạn sau, niêm mạc và những búi trĩ giãn dài sa xuống qua lỗ ngoài ống hậu môn to dần, lùi xùi, tím sẫm. Việc giãn như vậy phần lớn sẽ tạo thành túi da rìa hậu môn, rất khó có thể co hết lên được khi đã giãn rộng và bị đọng dịch.

Trên cơ sở đó, việc tiêm thuốc gây xơ trực tiếp vào búi trĩ và vùng quanh các búi trĩ có tác dụng rất tốt đối với mọi trường hợp trĩ nội, ngoại khi đang bị chảy máu, thuốc lan tỏa tới tận các nhánh nhỏ của đám trĩ đang giãn mỏng có tác dụng làm xơ thành mạch ở mức độ cho phép. Ngoài tác dụng làm xơ búi trĩ nó còn có tác dụng làm viêm xơ niêm mạc, tạo sự kết dính trở lại giữa ba phần cơ, mạch máu và niêm mạc, làm mất đi tình trạng căng thẳng, dễ vỡ khi có áp lực nhưng vẫn có khả năng bảo tồn sự lưu thông mạch máu như chức năng sinh lý của hệ tĩnh mạch vùng ống hậu môn. Đây là một ưu điểm vượt trội so với các phương pháp thắt và cắt, hoặc mổ. Vì khi cắt, thắt đã làm mất chức năng lưu thông của các đám rối mạch máu trong khi lưu lượng máu qua đây vẫn ở mức bình thường, do máu lưu thông sẽ dồn sang hệ thống tĩnh mạch khác, kết quả lại gây ra trĩ, tỷ lệ tái phát rất cao. Hơn thể khi tiêm đủ liều và số lần đã làm co toàn bộ cả trĩ đã giãn, niêm mạc bị giãn, xơ dính nhau tạo thành khối có hiệu quả rất cao đối với trĩ và niêm mạc sa. Dưới tác dụng của thuốc, khối dính liên kết với khối cơ vốn đã bị tách rời do giãn lâu ngày tạo thành vành đai vững chắc, tăng cường khả năng co thắt của lớp cơ thắt hậu môn và cơ nâng hậu môn. Hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát rất thấp, chỉ vào khoảng 2% / 2 đến 5 năm. Khi tái phát chỉ cần tiêm thêm từ 1 đến 2 lần là đảm bảo.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...