Điều gì có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ?
Một cơn đột quỵ xảy ra khi dòng chảy của máu di chuyển đến một phần não bị ngăn chặn. Đa phần chúng được gây ra bởi một cục máu đông hoặc một điều gì khác (ngăn chặn dòng chảy). Chúng được gọi là đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não). Khoảng 10% trường hợp còn lại là do máu chảy vào trong não và tình trạng này được gọi là đột quỵ xuất huyết (xuất huyết não).
Tuổi già và tiền sử gia đình bị đột quỵ là một trong những yếu tố khiến mọi người dễ bị đột quỵ hơn. Bởi vì bạn không thể quay ngược đồng hồ hoặc thay đổi chúng được. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khoảng 80% trường hợp đột quỵ có thể được ngăn chặn. Trong đó có khoảng 1/4 trường hợp đột quỵ đã có người thân đã từng bị tình trạng này trước đây. Do đó câu hỏi được đặt ra là: Bạn có thể làm gì để đảo ngược tỷ lệ có lợi cho bạn?
Hạ huyết áp
Nếu huyết áp cao không được kiểm soát tốt, chúng có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ gấp 4 - 6 lần.
Huyết áp cao là nguyên nhân số 1 của đột quỵ. Đây là tác nhân gây ra hơn một nửa số trường hợp bị đột quỵ. Một huyết áp bình thường có chỉ số thấp hơn 120/80. Nhưng nếu chỉ số của bạn thường xuyên trên 130/80, bạn có thể bị huyết áp cao hoặc tăng huyết áp.
Nhưng nếu huyết áp cao không được kiểm soát tốt, chúng có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ gấp 4 - 6 lần. Điều này là do huyết áp cao có thể làm dày thành động mạch, khiến cho cholesterol hoặc chất béo khác tích tụ và tạo thành mảng bám. Và nếu một trong những yếu tố trên di chuyển tự do, chúng có thể chặn nguồn cung cấp máu của não.
Ngoài ra huyết áp cao cũng có thể làm suy yếu các động mạch và khiến chúng dễ bị vỡ hơn, gây ra đột quỵ xuất huyết (xuất huyết não).
Nếu bạn bị huyết áp cao, hãy kiểm tra với bác sĩ thường xuyên để giữ cho huyết áp của bạn trong phạm vi lành mạnh. Bên cạnh đó thuốc và thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, cũng có thể giúp ích.
Tránh xa thuốc lá
Nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và carbon monoxide trong khói làm giảm lượng oxy mà máu có thể mang theo dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp đôi nếu bạn sử dụng thuốc lá. Bởi vì nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và carbon monoxide trong khói làm giảm lượng oxy mà máu có thể mang theo. Ngay cả việc hít khói thuốc cũng có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ.
Ngoài ra thuốc lá cũng có thể:
- Gia tăng mức mỡ máu gọi là triglyceride.
- Giảm mức cholesterol HDL “tốt”.
- Có nhiều khả năng gây đông máu.
- Có nhiều khả năng làm cho mảng bám tích tụ.
- Các mạch máu dày và hẹp khiến cho nội mạc mạch máu bị tổn hại.
Vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ về những biện pháp bỏ thuốc lá. Thông thường miếng dán nicotine và tư vấn có thể giúp ích. Nhưng đừng bỏ cuộc nếu bạn không thành công ngay lần đầu tiên.
Quản lý trái tim
Tác nhân gây ra một số trường hợp đột quỵ do cục máu đông được gọi là rung nhĩ.
Nhịp tim không đều, còn được gọi là rung nhĩ (AFib - Atrial fibrillation), được biết đến là tác nhân gây ra một số trường hợp đột quỵ do cục máu đông. AFib tạo ra vũng máu trong tim, nơi nó có thể đông lại. Nếu cục máu đông đó di chuyển đến não, nó có thể gây ra đột quỵ. Bạn có thể bị AFib vì huyết áp cao, mảng bám trong động mạch, suy tim và các lý do khác.
Thuốc, điều trị y tế và phẫu thuật có thể khiến nhịp đập của tim trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu bạn không biết mình bị AFib nhưng cảm thấy tim đập mạnh hoặc khó thở, hãy đến gặp bác sĩ.
Cắt giảm bia rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp và chất béo trung tính. Vì vậy hãy đặt giới hạn bản thân không quá hai ly mỗi ngày nếu bạn là đàn ông và một ly nếu bạn là phụ nữ.
Mặt khác việc uống quá nhiều cũng có thể gây ra AFib - uống nhiều bia rượu (4-5 ly trong vòng 2 giờ) có thể gây ra nhịp tim không đều.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, uống thuốc theo quy định và gặp bác sĩ vài tháng một lần để họ có thể theo dõi mức độ của bạn.
Lượng đường trong máu cao có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ gấp 2 - 4 lần. Nhưng nếu nó không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các chất béo hoặc cục máu đông ở bên trong các mạch máu. Điều này có thể thu hẹp một trong những mạch máu ở não - cổ và có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não.
Vì thế nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, uống thuốc theo quy định và gặp bác sĩ vài tháng một lần để họ có thể theo dõi mức độ của bạn.
Tập thể dục
Không hoạt động thể chất có thể dẫn đến béo phì, cholesterol cao, tiểu đường và huyết áp cao - đây đều là những tác nhân gây nên đột quỵ. Vì vậy, hãy hoạt động thường xuyên. Bạn không cần phải tập luyện như những vận động marathon chuyên nghiệp mà bạn chỉ cần hoạt động 30 phút mỗi ngày, và thực hiện 5 ngày một tuần. Việc tập luyện đầy đủ khiến bạn có một hơi thở khỏe. Nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu tập thể dục.
Ăn thực phẩm tốt hơn
Nên ăn nhiều các loại trái cây và rau tươi (bông cải xanh, mầm Brussel và rau xanh như rau bina là tốt nhất) mỗi ngày.
Ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và giúp bạn giảm cân nếu bạn cần. Do đó bạn nên ăn nhiều các loại trái cây và rau tươi (bông cải xanh, mầm Brussel và rau xanh như rau bina là tốt nhất) mỗi ngày. Luôn lựa chọn protein nạc và thực phẩm giàu chất xơ. Tránh xa chất béo trans và bão hòa, vì chúng có thể làm tắc nghẽn động mạch của bạn. Cắt giảm muối, và tránh thực phẩm chế biến. Những sản phẩm này thường chứa nhiều muối, có thể làm tăng huyết áp và chất béo chuyển hóa.
Theo dõi cholesterol
Cholesterol quá nhiều có thể làm tắc nghẽn các động mạch của bạn và dẫn đến đau tim cũng như đột quỵ. Do đó hãy giữ chỉ số của bạn trong phạm vi lành mạnh như:
- Tổng lượng cholesterol: Dưới 200 mg / dL máu.
- Cholesterol LDL (có hại): Dưới 100 mg / dL.
- Cholesterol HDL (tốt): Trên 60 mg / dL.
Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để kiểm soát cholesterol, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc.
Đừng bỏ qua ngáy
Ngáy có thể khiến bạn ngừng thở hàng trăm lần trong đêm.
Tiếng ngáy to, liên tục có thể là dấu hiệu của một rối loạn gọi là ngưng thở khi ngủ, có thể khiến bạn ngừng thở hàng trăm lần trong đêm. Ngoài ra, tình trạng này có thể tăng khả năng đột quỵ bằng cách giữ cho bạn không nhận đủ oxy và tăng huyết áp.
Hãy uống thuốc
Nếu bạn đã từng bị đột quỵ, hãy đảm bảo uống bất kỳ loại thuốc nào mà bác sĩ cung cấp, để giúp ngăn ngừa đột quỵ có thể xảy ra. Ít nhất 25% những người bị đột quỵ ngừng dùng một hoặc nhiều loại thuốc trong vòng 3 tháng. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì cơn đột quỵ có khả năng sẽ xảy ra lần nữa.
Liệu một viên Aspirin mỗi ngày có cần thiết hay không?
Một viên aspirin liều thấp mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và đau tim.
Một viên aspirin liều thấp mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và đau tim. Loại thuốc này hoạt động như chất làm loãng máu, ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong các động mạch bị chặn bởi một phần cholesterol và mảng bám. Tuy nhiên, nó không dành cho tất cả mọi người, vì vậy đừng bắt đầu dùng aspirin mà không nói chuyện với bác sĩ trước.
Và đừng cho ai đó uống aspirin nếu họ có dấu hiệu đột quỵ như nói chậm hoặc mặt bị lệch một bên. Bởi vì thuốc có thể làm cơn đột quỵ xuất huyết trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy gọi 115 ngay lập tức.