Để có một bàn chân khỏe mạnh
a. Kiến thức chung
Trong điều kiện bình thường, bạn thường không mấy khi quan tâm đến, và vì thế dành rất ít sự chăm sóc đúng mức cho hai bàn chân của mình.
Thế nhưng, chỉ cần một vấn đề nhỏ xảy ra nơi bàn chân, ngay lập tức bạn hiểu rõ tầm quan trọng của nó là như thế nào. Mỗi một bước đi có thể mang đến cho bạn sự khó chịu hoặc đau đớn. Nhưng bạn làm sao mà không bước đi được kia chứ?
Thực ra, những vấn đề bất ổn đối với bàn chân cũng rất thường gặp. Khoảng 90% người Mỹ rơi vào đối tượng thỉnh thoảng có vấn đề cần giải quyết ở bàn chân. Có thể chỉ đơn giản như là khi bạn phải làm việc quá nhiều giờ trong tư thế đứng, hoặc nghiêm trọng đến như là một ngón chân sưng phù cần đến sự can thiệp phẫu thuật.
Những vấn đề thường gặp nhất nơi bàn chân có thể kể ra như sau:
- Những vùng da chai cứng ở bàn chân, ngón chân:
Sự hình thành của những vết chai này cũng tương tự như những vết chai ở lòng bàn tay bạn khi bạn phải làm việc quá lâu, cọ xát liên tục lòng bàn tay với một vật cứng. Làn da nơi chân bạn cũng có phản ứng giống như vậy, nhất là ở những chỗ các ngón chân. Khi bạn mang cỡ giày không thích hợp, những chỗ da này liên tục bị cọ xát vào thành giày, dẫn đến việc hình thành những vùng da chai cứng, dày cộm lên. Đây chính là sự tích tụ của những tế bào da liên tục bị giết chết do điều kiện tiếp xúc không bình thường đó. Vùng da chai ở các ngón thường có dạng nhỏ như những hạt bắp hoặc lớn hơn đôi chút, còn vùng da chai ở lòng bàn chân thường lớn hơn nhiều và nằm về sau gót chân.
- Móng chân mọc ngược:
Thường là ở đầu của ngón chân, nhất là ngón cái. Thay vì mọc dài ra như bình thường, phần móng chân có vấn đề này lại mọc đâm vào phần da ở kế bên, làm cho da thịt nơi ấy sưng tấy lên, ửng đỏ và đau rát. Mang giày không đúng cỡ thường là nguyên nhân tạo ra hiện tượng này. Khi bạn mua một đôi giày mới, nên nghĩ đến sự thoải mái của bàn chân hơn là chọn lựa theo các kiểu mẫu thời trang.
- Ngón chân cong dị dạng:
Thường là xảy ra với ngón cái. Đây là một dạng dị tật nơi khớp ngón cái, làm cho ngón cái khuỳnh ra hướng bên ngoài, trong khi đầu ngón lại có khuynh hướng quay vào. Dị tật này đôi khi là bẩm sinh, có tính di truyền. Nhưng trong nhiều trường hợp hơn, cũng là sự biến dạng gây ra do mang giày quá chật hoặc nhọn mũi.
- Ngón chân dài dị dạng:
Thường là xảy ra với ngón kế bên ngón cái. Ngón chân dị dạng này dài ra quá mức và cong xuống như hình móng vuốt. Thông thường thì dị dạng này chỉ gây khó chịu về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở một số người nó cũng kèm theo cảm giác đau đớn và làm cho bước đi khó khăn, không thoải mái. Tình trạng chung là những người có dị dạng này rất khó khăn trong việc chọn một cỡ giày thích hợp.
- Nấm ở bàn chân:
Là một hiện tượng nhiễm nấm bệnh, thường là bắt đầu từ những kế ngón chân. Sau đó, vùng bị bệnh lan rộng ra chung quanh, có khi phát triển ở cả gót chân nữa. Những nơi nhiễm nấm bệnh, da trở nên dày cộm lên, đóng vảy rồi bong ra, bề mặt da nứt nẻ, có khi làm chảy máu. Trong một vài trường hợp, bệnh ảnh hưởng đến các móng chân, làm cho trở nên dày hơn và biến dạng.
- Bàn chân có mùi hôi:
Vấn đề đôi khi làm bạn thấy bối rối với người khác nhiều hơn là gây khó chịu cho chính bản thân mình. Một số người chịu ảnh hưởng di truyền từ cha mẹ nên có mùi hôi nơi cơ thể hoặc ở bàn chân. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, bàn chân có mùi hôi lại thường là do mang các loại vớ không rút được mồ hôi do chân bài tiết ra, hoặc loại giày quá kín hơi. Nói cách khác, khi bàn chân trở nên nóng và tiết ra nhiều mồ hôi, các loại giày vớ không thích hợp giữ nhiệt độ lại và không để cho mồ hôi thấm thoát ra bên ngoài. Trong môi trường đó, bàn chân sinh ra mùi hôi khó chịu.
b. Những điều nên làm
- Điều quan trọng cần lưu ý trước hết là bạn phải mua đúng loại giày. Nên chọn loại giày có đế không quá cao, phần mũi rộng. Giày mua xong phải vừa vặn với chân bạn, không nên mua loại giày mà theo lời người bán là sẽ giãn ra vừa với chân bạn. Nghĩa là lúc mua bạn có cảm giác rất bó sát. Ngược lại, cũng không nên chọn cỡ giày quá rộng, nhất là rộng ở phần gót. Với cỡ giày quá rộng, khi bạn di chuyển thì bàn chân bạn cũng “di chuyển” tới lui bên trong giày và tạo ra sự ma sát rất có hại. Cỡ giày được xem là thích hợp khi lòng bàn chân bạn đặt thoải mái, áp sát lên bề mặt bên trong giày. Nên chọn loại giày làm bằng nguyên liệu mềm dẻo, không quá cứng, đế có độ đàn hồi. Nhất là tránh những loại giày sờ bên trong thấy có độ nhám vì chúng sẽ làm chân bạn khó chịu khi tiếp xúc lâu, cho dù bạn có mang vớ đi chăng nữa.
- Sau khi chọn giày đúng, bạn còn phải quan tâm đến việc mang giày sao cho thích hợp nữa. Bạn cần thay vớ mỗi ngày và đảm bảo luôn luôn mang vớ sạch. Nên chọn loại vớ dệt liền, không có mối nối, và thấm nước tốt để giúp mồ hôi chân của bạn dễ dàng thoát hết ra bên ngoài. Màu vớ cũng quan trọng. Màu trắng hoặc sáng, nhạt thường mát mẻ hơn màu đen hoặc những màu tối, sẫm. Trước khi mang giày phải kiểm soát kỹ bên trong. Một vật thể nhỏ như hạt sạn, que diêm... Đều có thể làm hại nhiều cho bàn chân bạn mà thậm chí có khi cảm giác ở bàn chân bạn còn chưa nhận ra được. Nếu có thể, tránh mang liên tục hai ngày điều cùng một đôi giày. Để thay đổi tư thế bàn chân, nên chọn thay đổi giữa loại giày đế cao và đế thấp. Làm như vậy sẽ tránh được một số vết chai không cần thiết do một vùng da nào đó trong bàn chân liên tục bị cọ xát nhiều ngày. Phụ nữ cần đặc biệt chú trọng chọn loại giày vớ mềm mại. Nếu cần thiết phải mang giày cao gót khi đi làm, nên dùng dép quai khi ở nhà. Hạn chế thời gian mang giày cao gót là điều tốt. Nếu cần thiết, có thể chọn loại giày có đế trong để tạo sự thoải mái hơn cho bàn chân khi ở nhà. Và điều tốt nhất mà bạn nên làm là hãy giải phóng cho bàn chân bạn ngay khi nào có thể. Nhiều người tập được thói quen đi chân trần khi ở nhà. Một thói quen không tốn kém nhưng mang lại sự thoải mái nhiều hơn cho đôi bàn chân bạn.
- Bạn cũng cần có những chăm sóc thích hợp cho đôi bàn chân ngay cả khi chúng chưa có biểu lộ khó chịu nào. Rửa sạch bàn chân mỗi ngày ít nhất là một lần với nước ấm và xà phòng nhẹ. Lau thật khô sau khi rửa với khăn mềm, cả trong các kẽ ngón chân. Tránh đừng dùng các loại xà phòng thơm. Thay vì vậy, chọn loại xà phòng sát trùng sẽ tốt hơn. Cắt móng chân ít nhất là mỗi tuần một lần. Nên cắt sau khi tắm, vì móng chân sẽ mềm, dễ cắt hơn. Cất thành một đường thẳng, đừng uốn cong ở hai bên và đừng cắt quá sát vào trong. Khi đi chân trần ra khỏi nhà phải cẩn thận, vì lúc đó bàn chân là nơi dễ tiếp xúc với các điều kiện nhiễm trùng nhất. Tốt nhất là ngay khi về nhà phải rửa chân ngay bằng xà phòng sát khuẩn.
- Tập thể dục hàng ngày cũng là một yêu cầu tốt để có đôi bàn chân khỏe mạnh, tránh được những bệnh tật thông thường. Nhất là các động tác như chạy bộ, đi bộ.
- Khi trong nhà có người bị nấm ở bàn chân, cần thường xuyên lau rửa sàn nhà tắm với xà phòng sát khuẩn. Sàn nhà tắm là nơi mà mọi người trong nhà đều đi chân trần, và như thế rất dễ dàng lây lan nấm bệnh.
- Thường thì bệnh nấm ở bàn chân sẽ tự khỏi qua một thời gian, khi bạn có những chăm sóc vệ sinh tốt. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài quá lâu, bạn cần có ý kiến bác sĩ để sử dụng một loại thuốc nào đó thích hợp. Thời gian kéo dài của bệnh có thể dẫn đến những biến chứng bất lợi khác.
- Bàn chân bạn cũng cần đến một vài động tác luyện tập hàng ngày để duy trì thường xuyên tình trạng khỏe mạnh của nó. Dùng tay kéo giãn các ngón chân, rồi bẻ gập chúng lại, hoặc ngồi trên ghế và dùng bàn chân vẽ hình các ký tự lên sàn nhà. Những động tác này giúp bàn chân bạn xoay chuyển theo nhiều hướng, và đôi khi chỉ cần có thế là có thể giải quyết được những cảm giác đau nhức, mỏi mệt ở bàn chân.
- Khi bàn chân bạn đau nhức nhiều do đứng quá lâu hoặc vì một lý do nào đó, có thể áp dụng phương thức ngâm chân nóng lạnh để giảm đau. Trước hết, ngâm chân trong một chậu nước thật lạnh chừng một phút, rồi chuyển qua một chậu nước khác có nhiệt độ nóng - vừa với cảm giác mà bạn có thể chịu được - và ngâm chừng một phút. Chuyển đổi qua lại giữa hai chậu nước lạnh và nóng nhiều lần. Cách làm này giúp gia tăng lượng máu chảy qua bàn chân, nhờ đó sẽ giảm sự đau nhức.
- Nếu có nhiều vết chai ở bàn chân, có thể ngâm chân trong nước ấm chừng 10 phút, sau đó dùng một viên đá bọt có độ nhám để mài cọ những vết chai.
- Tự xoa bóp chân mình là một động tác rất tốt. Bạn làm điều này như sau: Đặt các ngón tay bên dưới lòng bàn chân, riêng ngón cái ở trên lưng bàn chân, bóp hơi chặt lại và vuốt dài từ các đầu ngón cho đến mắt cá chân.
- Nếu chân bạn có mùi hôi nhiều, chú ý nhiều đến các điều kiện vệ sinh. Có thể dùng bột khử mùi hôi rắc lên chân và trong giày. Loại bột này còn giúp loại bỏ ẩm độ cao trong giày nữa. Các loại bột khử mùi hôi nách cũng có thể dùng ở bàn chân để khử mùi hôi với hiệu quả tương tự.
- Người bị bệnh tiểu đường đôi khi có triệu chứng mất cảm giác nơi bàn chân, đồng thời bàn chân cũng rất dễ nhiễm trùng. Nếu bạn có bệnh tiểu đường, cần phải theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở bàn chân mỗi ngày.
- Chọn cỡ giày cho đúng là một điều quan trọng. Tuy nhiên, nhiều khi bạn vẫn phân vân lúc mua một đôi giày mới, không biết rằng cảm giác bó sát là do giày chật hay chỉ đơn giản là vì còn quá mới. Nhiều người bán hàng vì muốn bán được nên thường bảo với khách hàng là chỉ cần vài hôm giày sẽ giãn ra. Một phương thức đơn giản có thể giúp bạn tự mình quyết định xem một đôi giày mới liệu có chật quá hay không. Đặt bàn chân trần lên một tờ giấy, dùng một cây bút chì để vẽ một đường bao sát theo bàn chân. Sau đó đặt chiếc giày mà bạn đã chọn lên cùng vị trí ấy và cũng dùng bút chì vẽ một đường bao quanh nó. Nếu đường vẽ mới này trùng khớp hoặc nhỏ hơn đường vẽ trước là giày quá chật.
Những động tác thể dục cho đôi bàn chân
Có thể bạn vẫn thường xuyên có những động tác thể dục dành cho chân, tay, vai, bụng... Nhưng đã có bao giờ bạn có những động tác dành cho đôi bàn chân chưa? Thật ra, đây là một điều rất hữu ích, nếu không nói là cần thiết. Sau đây là một số điều mà bạn có thể làm được để luyện tập đôi bàn chân khỏe mạnh:
- Đi bộ chân trần. Thật vô cùng đơn giản. Nhưng chính thời gian này giúp cho đôi bàn chân của bạn được hoàn toàn giải phóng. Những ngón chân có thể nằm ở vị trí tự nhiên thoải mái nhất không chịu bất cứ một áp lực uốn nắn nào. Tốt nhất là bạn có được một lối nhỏ trong sân để dạo quanh chừng 10 phút, hoặc thậm chí chỉ đi trong nhà cũng được. Chú ý về độ an toàn cho bàn chân nếu bạn đi dạo ngoài vườn chẳng hạn. Sạn, sỏi, gai nhọn... Hoặc rất nhiều thứ khác có thể làm trầy xước bàn chân trần của bạn. Bản thân những vết trầy này thật ra không quan trọng lắm, nhưng chúng có thể là nguyên nhân nhiễm trùng để dẫn đến những bệnh nghiêm trọng hơn.
- Làm giãn các cơ ở ngón chân. Trước hết, uốn cong các ngón chân lên hết mức có thể được. Sau đó, gập chúng xuống hướng dưới lòng bàn chân. Lặp lại nhiều lần động tác này. Tiếp theo, quay tròn cả bàn chân quanh khớp xương chỗ mắt cá. Tưởng tượng như bạn đang dùng bàn chân để vẽ một đường cong trong khoảng không nhưng giữ yên xương ống chân.
- Dùng tay chà xát, xoa bóp đều bàn chân. Kèm theo ngâm chân vào nước nóng sẽ giúp làm mất những cảm giác mỏi mệt sau một ngày dài làm việc.
- Tập thế đứng cân bằng. Đôi khi chúng ta không quan tâm đến điều này, nhưng nếu thói quen của chúng ta là đứng không ngay ngắn, trọng lượng cơ thể sẽ đè nặng lên chỉ một trong hai chân, hoặc chân này chịu lực nhiều hơn chân kia. Chỉ cần lưu ý đến điều này, chúng ta sẽ tự biết điều chỉnh lại thế đứng thường xuyên hàng ngày của mình cho hợp lý.
- Dùng tay làm giãn các ngón chân. Đặt hai ngón tay của bàn tay phải vào một trong các kẽ ngón chân của bàn chân trái. Từ từ tách rộng hai ngón tay ra đến hết mức có thể được. Lập lại tương tự với các kẽ ngón khác. Chuyển sang tay trái với bàn chân phải.
- Tự làm giãn các ngón chân. Đứng thẳng trên sàn nhà, nhìn xuống, hai bàn chân duỗi thẳng. Bắt đầu dang các ngón chân ra xa nhau hết mức, khi nào bạn có thể nhìn thấy khoảng hở giữa các ngón là được. Giữ yên tư thế này chừng 30 giây rồi lặp lại từ đầu. Bạn cần một chút kiên nhẫn khi bắt đầu, vì có thể bạn có cảm giác như không thể tách rời được hết thảy các ngón chân. Tuy nhiên, cố gắng đôi lần bạn sẽ làm được. Thực hiện động tác này thường xuyên mỗi ngày.
- Tập thói quen đi chân trần bất cứ khi nào có thể được. Cuộc sống ở những thành phố lớn đôi khi đòi hỏi chúng ta gắn liền với giày, vớ gần như suốt ngày, và điều đó thật sự không tốt cho đôi bàn chân. Đây là lý do vì sao người dân sống ở nông thôn thường có những bàn chân khỏe khoắn, ít bệnh tật hơn người dân thành phố. Hiểu được điều này, bạn nên tranh thủ mọi cơ hội có thể được để thoát chân ra khỏi giày càng nhiều càng tốt. Có thể dùng dép có quai thay cho giày khi nghi thức giao tiếp không đòi hỏi lắm, và đi chân trần trong nhà là tốt hơn hết.