Dấu hiệu và cách chăm sóc khi bị gãy xương
Gãy xương đơn là khi xương tuy bị gãy, nhưng không có vết thương bên ngoài. Gãy xương kép là khi xương gãy và có vết thương ngoài da. Vết thương ấy có thể do viên đạn bắn vào hoặc do đầu xương gãy, xé thịt da mà lộ ra ngoài.
Đôi khi nạn nhân chỉ bị gãy xương đơn, nhưng người cứu cấp không biết cách hoặc không cẩn thận để nó biến thành gãy xương kép. Gãy xương kép khó điều trị hơn gãy xương đơn vì các tổ chức xung quanh vết thương bị hủy hoại nhiều và dễ nhiễm độc.
XƯƠNG
có thể rạn nứt hay gãy đôi. Để tiện việc cứu cấp ta có thể phân xương gãy ra làm hai loại: (a) - gãy xương đơn và (b) - gãy xương kép.
Nguyên nhân
Gãy xương thường do sự va chạm mãnh liệt bên ngoài. Có vài thứ bịnh làm cho xương dòn nên không cần va chạm mạnh xương cũng bị gãy được. Tai nạn xe cộ và trượt té thường làm cho người ta bị gãy xương nhiều nhứt. Phòng tắm và sân chơi là chỗ gây nên những tai nạn gãy xương đáng kể mà ta thường ít lưu ý đến nhất.
Phòng ngừa
Theo bản điều tra chung thì hầu hết những tai nạn xe cộ đều do bất cẩn mà ra. Nếu ta ở nhà lầu hay nhà có gác cao, nên chong đèn cả trên lẫn dưới, sẽ tránh được nhiều tai nạn vì trợt chân cách vô lý. Nếu ở trên lầu đi xuống, cẩn thận nhận xét nền nhà trước khi đặt chân lên, có thể có vỏ trái cây hoặc một món đồ chơi nào đó mà em bé trong nhà quên dẹp đi lại gây nên tai nạn đáng tiếc chăng. Nên dùng cản chặn phía trên cầu thang để em bé khỏi té xuống lầu.
Không nên chạy nhảy khi mang guốc cao gót. Đế giày cao su cũng không bảo đảm ta được trên nền nhà ướt. Phải hết sức cẩn thận khi nền gạch được đánh si ra bóng láng cũng như đoạn đường lầy lội.
Tránh việc dùng ghế, thùng gỗ, thùng đựng trái cây hay thùng rượu không, để thế thang. Một thùng gỗ dựng đứng lên không vững chắc gì cả, vì chỉ có vài cây đinh yếu ớt chống đỡ mà thôi. Nếu nó không chịu nổi thì những cây đinh long ván rất có thể làm cho ta bị rách da, lủng thịt nguy hiểm, thêm vào những thương tích khác do việc ngã té mà ra.
Phải lựa thang tốt mà dùng. Hãy sửa lại hoặc hủy bỏ những thang hư. Những thang đứng, cao, dùng trong việc sơn sửa nhà cửa, phải được đặt trên nền đất bằng phẳng, chêm, chặn cẩn-thận, hay phải có người đứng giữ cẩn thận.
Nền nhà tắm phải được khô ráo và chùi sạch nước xà bông để bớt tai nạn. Ở các nước u Mỹ, nhà tắm được liệt vào hàng thứ ba trong các chỗ gây tai nạn chết người.
Khi qua đường nên cẩn thận ngó trước ngó sau, vì khi ta làm bộ không nhìn thấy xe, không có nghĩa là xe không thể đụng ta được.
Trên đây chỉ là một vài lời gợi ý. Trong đời sống hằng ngày ta có thể gặp phải bao nhiêu chuyện nhỏ nhen khác mà nếu chịu khó để ý sẽ tránh được nhiều tang tóc.
Dấu hiệu gãy xương đơn
Không phải mọi dấu hiệu đều lộ ra trong mỗi trường hợp gãy xương. Nạn nhân thương nghe hay cảm thấy tiếng xương gãy. Trong trường hợp gãy xương, chỗ bị thương rất đau nhức, đặc biệt khi rờ mó đến. Nếu nạn nhân không thể cử động được hay cử động cách vô cùng khó khăn và nhức nhối chỗ bị thương, ta nên nghi người ấy bị gãy xương và phải điều trị theo cách gãy xương. Ví dụ trong một tai nạn xảy ra mà nạn nhân không thể ngồi dậy được hay không nhúc nhích nổi tay hay chân bị thương thì tay hay chân ấy chắc đã bị gãy rồi. Có khi nạn nhân bị gãy xương mà có thể vẫn đi đứng được, vì xương mới rạn nứt chứ chưa gãy lìa.
Theo quan niệm của nhiều người thì khi không thể cử động các ngón tay được có nghĩa là xương cánh tay trước đã bị gãy, nhưng đó không phải là một lý do vững chắc để ta tin theo. Tuy xương cánh tay bị gãy thật, nạn nhân vẫn có thể cử động ngón tay được, tuy rất đau đớn. Trong nhiều trường hợp ta nên yêu cầu nạn nhân lấy tay chỉ đúng chỗ đau có thể biết được chỗ xương bị gãy. Chỗ da thịt bị gãy xương có thể bầm tím, sưng lên và thay đổi hình thể. Có thể nạn nhân không cử động được các khớp xương kế cận. Nạn nhân có thể cảm thấy tiếng lộp cộp của hai khúc xương va chạm nhau, nhưng người cứu thương không nên cố tạo ra tiếng ấy hay thử coi có tiếng va chạm của hai khúc xương chăng.
Ta có thể so sánh phần nghi bị gãy xương với phần lành lặn ở bên kia cơ thể coi nó có bị biến dạng chăng. Có thể lấy tay rờ bóp nhẹ dọc theo chỗ bị nghi gãy xương để dò xem, nạn nhân cảm thấy đau đớn nhiều, và lắm khi ta có thể nhận ra xương gãy.
Gãy xương là bị kích ngất (còn gọi là bất tỉnh).
Dấu hiệu gãy xương kép
Mọi triệu chứng gãy xương đơn đều có thể phát lộ trong trường hợp gãy xương kép, và có một vết thương từ chỗ xương gãy trồi ra ngoài da. Thường có một đầu xương gãy ló ra ngoài.
Vết thương này gây chảy máu nhiều và gây kích ngất cũng trầm trọng hơn vết gãy xương đơn. Nếu có một vết thương gần chỗ xương bị gãy, ta nên coi như đó là trường hợp gãy xương kép. Như trên đã nói, nếu không săn sóc cẩn thận vết gãy xương đơn, ta có thể biến nó thành gãy xương kép và điều nầy vô cùng nguy hiểm, vì ngoài việc gây cho nạn nhân thêm đau đớn, vết thương dễ bị nhiễm độc, lâu lành, nếu không may một huyết quản lớn hay dây thần kinh bị đứt, có thể làm cho nạn nhân chết hoặc phải mang tật suốt đời.
Cách săn sóc vết gãy xương đơn
1. Gọi bác sĩ lập tức. Trong khi chờ đợi bác sĩ ta có thể…
2. Dùng que đỡ để chỗ xương gãy không bị xê dịch. Không được dời nạn nhân đi trước khi cột que đỡ để tránh làm vết gãy xương đơn thành gãy xương kép. Nếu nghi nạn nhân bị gãy xương, cứ điều trị theo cách gãy xương.
3. Ngừa kích ngất. Nếu đã bị kích ngất, nên ngừa nó thành nặng thêm.
Nếu bác sĩ sẽ đến sớm và không có chảy máu, ta không cần phải xé hay cổi quần áo nạn nhân, nhưng trái lại, nếu bác sĩ không đến ngay được hoặc có dấu máu trong áo quần, ta cổi hoặc xé ra đủ để xem xét vết thương và coi họ có bị gãy xương kép không. Nếu tiện, ta nên cắt theo đường may của áo quần mặc ngoài, rồi cắt xé cẩn thận và nhẹ nhàng áo quần lót bên trong. Nếu bị thương ở mắt cá hay bàn chân, phải cắt dây hoặc da giày để cởi giày ra.
Nếu tay hay chân bị gãy, không nên níu kéo tay hay chân ấy, cũng không nên dời nạn nhân đi trước khi bác sĩ đến nếu tình trạng cho phép như vậy.
Cách săn sóc vết thương gãy kép
Như đã nói, vết thương này thường chảy máu nhiều. Ta có thể lấy một miếng vải thưa hay khăn sạch chận ngay vết thương để cầm máu. Nhưng nếu một động mạch bị đứt mà ta không thể cầm máu bằng cách vừa nói, nên tạm cầm máu bằng cách ấn mạnh vào một trong các huyệt thiết yếu có liên quan đến vị trí của vết thương. Chận máu động mạch bằng tay chỉ là một biện pháp tạm thời trong lúc chờ đợi áp dụng dây thắt mạch. Đã thắt mạch rồi không nên phủ kín dây thắt mạch.
HÃY NHỚ: Dây thắt mạch là một vật dụng rất nguy hiểm.
Phải dùng dây thắt mạch với tài khéo léo đặc biệt. Nếu thắt lỏng, có thể làm xuất huyết tĩnh mạch thêm, còn nếu quá chặt các cơ cấu ngầm bên dưới sẽ bị hư đi và sanh ra chứng thúi thịt phần ngoài chỗ thắt mạch. Nên ghi chú cẩn thận giờ, phút dùng dây thắt mạch để gởi theo nạn nhân.
Có thể dùng vải thưa sát trùng đắp lên vết thương rồi băng chặt lại.
Đừng kéo thêm tay hay nhét khúc xương ló ra ngoài trở vào vị trí nguyên thủy của nó. Nếu vì cớ nào đó mà khúc xương ló ra ngoài bị chìm mất trong thịt, người cứu thương phải ghi chú điều ấy và gửi theo nạn nhân khi được đưa đến bệnh viện hay phòng mạch bác sĩ.
Nếu nạn nhân bị gãy xương bàn tay, ta có thể băng bó cẩn thận, cột băng treo và đưa nạn nhân đến bệnh viện mà không sợ bị nguy hại nhiều. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng và điều trị kích ngất.
Gãy xương ống chân và Gãy xương cánh tay trong
Que đỡ
Que đỡ là một vật dụng dùng để giữ xương gãy nằm yên một chỗ cho đến khi bác sĩ sửa lại hai đoạn xương lìa nhau. Một miếng ván, một khúc gỗ, một cành cây, cán chổi, cây gậy, cán dù, một xấp báo cũ, áo mưa v.v… đều có thể dùng làm que đỡ được cả. Nếu có cấp bách lắm và không thể tìm được que đỡ thích đáng, ta có thể lấy một bó rơm, hay một áo bành tô (áo tây mặc ngoài) để dùng còn hơn là để xương gãy trơ ra như vậy. Que đỡ phải đủ dài để giữ chặt cánh tay hay ống chân. Nên lấy giẻ rách, bông-gòn, len hay vật gì mềm và êm để lót vào giữa lớp băng và que đỡ. Để cột que đỡ ta có thể dùng dây băng, băng cà-vạt, dây nịch hay rẻo vải cũng được. Nhớ cột vừa đủ chặt để giữ cho xương gãy vào que đỡ, mà không nên quá chặt. Ta cũng có thể dùng thân thể nạn nhân để làm que đỡ cho họ. Một ống xương cánh tay gãy có thể được buộc chặt vào ngực. Một ống chân gãy có thể được buộc chặt vào chân lành. Đó cũng là một cách dùng que đỡ hữu hiệu vậy. Que đỡ cùng được dùng trong trường hợp gãy xương sống mà chúng ta sẽ nghiên cứu sau.
Trong mọi trường hợp cứu cấp, người cứu thương phải thật bình tĩnh để trí được sáng-suốt hầu nhận xét và điều trị hợp cách và có khoa học.
Nếu nạn nhân bị gãy xương tay, sau khi cột que đỡ, ta có thể dùng băng treo để đỡ, treo tay lên, nạn nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, ít mỏi tay và ít chảy máu. Trong nhiều trường hợp nạn nhân có thể đi tới lui cách dễ dàng với băng treo.
Que đỡ bằng tạp chí, Que đỡ và băng treo