Đau âm đạo
Triệu chứng đau âm đạo
Âm đạo như một cái ống cấu tạo bởi các cơ đàn hồi, dài khoảng 8cm, nối âm hộ với tử cung. Tất cả các hiện tượng đau âm đạo cần phải đi khám phụ khoa ngay.
Người bị đau âm đạo thường thấy đau âm ỉ liên tục ở bụng dưới. Cũng có người chỉ bị đau trong thời gian thấy kinh hoặc trong khi giao hợp.
Người bệnh có thể có cảm giác đau ở âm hộ hoặc ở sâu bên trong. Trường hợp đau sâu bên trong có liên quan tới những bộ phận như: bàng quang, trực tràng, dạ con, ống dẫn trứng, buồng trứng, v.v... Cần phải đi khám phụ khoa cẩn thận mới xác định được đúng bệnh.
Cần phải làm gì?
Người bệnh cần phải biết chính xác xem cảm giác đau ở đâu, đau lúc nào, có các hiện tượng gì kèm theo (như sốt, có khí hư...). Trường hợp sốt, có khí hư hoặc thấy âm hộ bị đau nhiều cần phải tới bác sĩ ngay.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ sẽ khám âm hộ, dùng mỏ vịt khám âm đạo hoặc khám bằng tay, lấy một ít mẫu để xét nghiệm và nếu thấy cần thiết, yêu cầu bệnh nhân đi siêu âm. Thường thì chỉ cần như vậy cũng đủ để bác sĩ xác định được bệnh rồi.
Bệnh nhân có thể bị các bệnh ở ngoài âm hộ như: viêm âm hộ cấp tính do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng các tuyến Bartholin nằm ở lối vào âm đạo. Chứng này làm người bệnh rất đau và thường phải chích để nặn mủ ra. Bệnh rộp âm đạo (herpès) cũng là bệnh gây đau nhiều.
Các bệnh gây cảm giác đau sâu bên trong là: nhiễm trùng âm đạo sinh ra nhiều khí hư. Việc dùng thuốc điều trị phải tùy thuộc vào loại ký sinh trùng gây bệnh như trichomonas, monilia v.v... hoặc nhiễm trùng tử cung, vòi trứng, buồng trứng do ký sinh trùng chlamydia, trùng gonocoque của bệnh lậu, cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, cảm giác trên còn có thể do đau đoạn cuối ruột già, đau một thừa, đau trực tràng, v.v...
Nếu chỉ đau khi giao hợp thì có thể do xây xát nhỏ ở bộ phận sinh dục hoặc đôi khi chỉ là sự sợ hãi có tính chất tâm lý mà thôi.