Cùng tìm hiểu về cholesterol và mỡ máu

Cùng tìm hiểu về cholesterol và mỡ máu

1. CHOLESTEROL

Cholesterol là một chất béo cần thiết đối với cơ thể, cholesterol là thành phần cấu tạo của màng tế bào và a xít mật, giúp cơ thể sản xuất ra Vitamin D và một số hormone như estrogen, testosterol…Đến khoảng 80% lượng cholesterol trong cơ thể do gan tạo ra, phần còn lại được đưa vào cơ thể qua thức ăn như thịt, trứng, sữa…Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đều không chứa cholesterol.

Cơ thể chúng ta không cần quá nhiều cholesterol vì khi có quá nhiều, cholesterol sẽ bị lắng đọng ở trong các động mạch, gây ra hẹp động mạch làm cản trở lưu thông của máu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Cholesterol lắng đọng, làm hẹp động mạch.

Cholesterol lắng đọng, làm hẹp động mạch.

Cholesterol rất ít tan trong nước, nên không thể tan và di chuyển tự do trong máu. Cholesterol được vận chuyển trong máu bởi các lipoprotein. Nên nói xét nghiệm mỡ máu chỉ là cách nói tắt, thực chất đó là xét nghiệm xác định nồng độ các lipoprotein trong máu.

Có tất cả 5 loại lipoprotein, nhưng thông thường để chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh, chỉ cần quan tâm đến 2 loại đó là 

HDL

 (high density lipoprotein, nghĩa là lipoprotein tỷ trọng cao) và

 LDL

 (low density lipoprotein, nghĩa là lipoprotein tỷ trọng thấp).

HDL còn được gọi là cholesterol tốt:

Vì giúp vận chuyển cholesterol từ các nơi (trong đó có mạch máu) về gan và thải ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, HLD giúp bảo vệ thành mạch, tránh xơ vữa và hẹp động mạch, giúp bảo vệ cơ thể, làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nồng độ HDL trong máu càng cao càng tốt cho sức khỏe.

LDL còn được gọi là cholesterol xấu:

Vì LDL vận chuyển cholesterol đến các nơi trong cơ thể (trong đó có mạch máu). LDL tham gia vào quá trình tạo các mảng xơ vữa trong động mạch. Nồng độ LDL trong máu càng thấp càng tốt.

LDL làm xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch, cản trở lưu thông máu​

LDL làm xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch, cản trở lưu thông máu​

2. TRIGLYCERIDE

Triglyceride còn được gọi là chất béo trung tính. Thức ăn mà chúng ta đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho có thể sử dụng. Tuy nhiên, nếu lượng thức ăn đưa vào mà cơ thể chưa dùng hết, cơ thể sẽ dự trữ chủ yếu dưới dạng mỡ. Triglyceride được dự trữ chủ yếu trong các tế bào mỡ.

Cũng giống như cholesterol, triglyceride cũng gần như không tan trong nước nên không thể tan và tự di chuyển trong máu mà cần các lipoprotein vận chuyển.

Nồng độ triglyceride trong máu tăng cao cũng gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ…).

Ngoài ra nồng độ triglyceride trong máu tăng cao còn có thể là biểu hiện của các bệnh như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, thận…

3. XÉT NGHIỆM MỠ MÁU

Theo khuyến cáo, những người trên 20 tuổi nên xét nghiệm mỡ máu 5 năm 1 lần. Đối với nam giới trên 35 tuổi và nữ trên 45 tuổi nên xét nghiệm thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài những chỉ số về mỡ máu ra, các bác sĩ còn dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn để đánh giá nguy cơ mắc bệnh, từ đó để đưa ra những biện pháp dự phòng và điều trị thích hợp. Các yếu tố khác cần được quan tâm ví dụ như: tuổi, giới, di truyền, cân nặng, tiền sử cao huyết áp, hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, các bệnh lý kèm theo…

Có một điểm cần lưu ý là, rối loạn mỡ máu gần như không có bất cứ triệu chứng hay biển hiện gì, nhiều người trông tương đối gày vẫn bị tăng mỡ máu. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bạn có bị rối loạn mỡ máu không.

Thường có 4 thông số được kiểm tra, đó là cholesterol toàn phần, HDL, LDL và triglyceride. Lượng cholesterol toàn phần bao gồm: HDL, LDL và VLDL (very low density lipoprotein, lipoprotein tỷ trọng rất thấp).

Thường có 4 thông số được kiểm tra, đó là cholesterol toàn phần, HDL, LDL và triglyceride.

Thường có 4 thông số được kiểm tra, đó là cholesterol toàn phần, HDL, LDL và triglyceride.

Trên đây là bảng các chỉ số bình thường và chỉ số không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên như đã nói ở trên, ngoài các chỉ số về mỡ máu, các bác sĩ vẫn cần đánh giá các yếu tố khác để chẩn đoán và điều trị đúng.

Ngoài ra, còn có chỉ số lý tưởng,nghĩa là các chỉ số ở mức hoàn hảo khi lượng cholesterol toàn phần dưới 200mg/dL, LDL dưới 100mg/dL, HDL trên 60mg/dL và triglyceride dưới 150mg/dL.

4. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH

Để phòng ngừa rối loạn mỡ máu, chúng ta cần có một lối sống thích hợp, lành mạnh như: Giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, hạn chế bia rượu, tránh stress... Về dinh dưỡng nên ăn vừa đủ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, tăng cường rau xanh, các loại củ quả…

Một loại chất béo cần tránh tuyệt đối đó chính là trans fat (chất béo chuyển dạng).

Khi nghi ngờ bị rối loạn mỡ máu, bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán đúng. Nếu đúng là bạn bị rối loạn mỡ máu, bác sĩ sẽ tư vấn và có các phương pháp điều trị thích hợp cho bạn. Bạn cũng không nên quá lo lắng khi bị rối loạn mỡ máu, vì ở giai đoạn sớm, bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc, các bạn yên tâm nhé!

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...