Con dễ hăm da, viêm nhiễm bộ phận sinh dục vì bố mẹ lười làm việc này
Con gặp họa vì cha mẹ lười thay bỉm
Mùa đông năm ngoái, vợ chồng chị Thu Trang (quê Ninh Bình) phải khổ sở với việc “canh” thay tã cho cô con gái hơn 3 tháng tuổi. Lý giải về điều này, chị Trang cho biết, do sinh con vào đúng dịp thời tiết lạnh nên sau khi bé đóng tã được 1 tháng, vợ chồng chị quyết định mua bỉm dùng cho con để tiện lợi trong việc thay rửa cũng như để giữ ấm cho con.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 tuần cho con dùng bỉm liên tục cả ngày lẫn đêm, vợ chồng chị phát hiện phần bẹn và xung quanh bộ phận sinh dục của con bắt đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Thấy vậy, chị bèn dùng phấn rôm để bôi rồi tiếp tục mặc bỉm cho con.
Nào ngờ, hai ngày sau, những nốt mẩn đỏ li ti bắt đầu loét ra và lan rộng ra cả phần mông bé. Bé Nhím, con gái chị liên tục quấy khóc, nhất là mỗi khi bé tiểu tiện hoặc đại tiện khiến anh chị sốt ruột phải đưa đi khám. Khi đưa con tới bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bé bị hăm da, kèm với việc bố mẹ dùng phấn rôm và đóng bỉm kín mít càng khiến da bé bị bí, không thoát đươc nhiệt ra ngoài dẫn đến tình trạng loét da.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên mặc bỉm cả ngày cho trẻ để tránh gây hại. Ảnh minh họa Gia Tư
Bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên dùng thuốc chỉ định kết hợp “thả rông” cho con một thời gian để các vết loét lành lại, đồng thời, kể cả khi bé đã khỏi hăm, bố mẹ cũng không nên dùng bỉm cả ngày cho con để tránh tình trạng tương tự.
Cũng với tâm lý muốn giữ ấm, ngại thay rửa cho con trong những ngày mưa phùn rét buốt, vợ chồng anh Thanh Tùng (quê Nam Định) cũng khiến cậu con trai 7 tháng tuổi phải chịu cảnh đeo bỉm 24/24 giờ. Thậm chí có những hôm kiểm tra không thấy con đi đại tiện, vợ chồng anh còn cố tình không thay bỉm cho con dù đã để cả... Nửa ngày vì nghĩ: "Lạnh này, người lớn còn ngại thay quần áo, huống chi trẻ con. Cứ để đấy cho ấm, khi nào con ị thì thay". Chính điều này đã dẫn đến tình trạng con trai anh chị cũng bị hăm loét vùng kín, phải dùng thuốc mới khỏi được.
Trên thực tế, không thể phủ nhận nhiều lợi ích mà tã bỉm hiện nay đem lại. Chúng khiến việc vệ sinh cho các bé trở nên thuận tiện hơn, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức giặt giũ, nhất là trong những ngày thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, nhiều mẹ lại trở nên quá lệ thuộc vào việc đóng bỉm cho con nên vô tình khiến trẻ gặp họa, nhất là đối với làn da mong manh, nhạy cảm của trẻ.
Có thể nhiễm nấm vùng kín
Không đúng cách và vệ sinh không hợp lý có thể khiến bé dễ bị hăm, viêm, nhiễm nấm ở vùng kín.
Theo các chuyên gia, dù không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nhưng đóng bỉm nhiều, không đúng cách và vệ sinh không hợp lý có thể khiến bé dễ bị hăm, viêm, nhiễm nấm ở vùng kín.
Thống kê tại các khoa nhi, bệnh viện nhi, không ít trẻ được đưa tới khám vì bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu do đóng bỉm nhiều, không vệ sinh sạch sẽ. Biểu hiện thường thấy của những trẻ mặc bỉm quá lâu là bé sẽ bị đỏ ở bẹn, xung quanh bộ phận sinh dục, sau đó lan dần tới mông và đùi, da căng, chảy nước, thậm chí chảy máu.
Bên cạnh đó, nếu trẻ phải đóng bỉm cả ngày và không được thay rửa thường xuyên, bộ phận sinh dục của bé, nhất là các bé gái sẽ bị nước tiểu và cặn phân tích tụ gây viêm nhiễm tại chỗ hoặc viêm ngược dòng lên đường tiết niệu, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Khi gặp tình trạng này, trẻ sẽ thấy bứt rứt, khó chịu, dẫn đến việc quấy khóc, lấy tay dứt bỏ bỉm.
Để tránh gây hại cho con, các chuyên gia khuyến cáo, trong mùa đông lạnh, bố mẹ nên tuân thủ một số lưu ý sau:
- Chọn mua các loại bỉm có thương hiệu uy tín, đã được kiểm định. Không mua bỉm, tã kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường.
- Không mua bỉm quá chật, bó sát, thoát nhiệt kém
- Thay bỉm cho trẻ từ 3-4 tiếng một lần nếu bé chỉ tiểu tiện và phải thay bỉm ngay khi bé đi đại tiện.
- Khi thay bỉm cho con trong mùa lạnh, bố mẹ lưu ý thao tác nhanh, lau sạch bằng nước ấm và thấm khô bằng khăn sạch trước khi đóng bỉm mới.
- Ban ngày nên để bé “thả rông” ít nhất 1 tiếng để da bé khô thoáng.
- Chỉ nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng bỉm. Khi bé đã lớn, nên tập “xi” và dạy bé gọi cha mẹ nếu có nhu cầu đi vệ sinh.
- Nếu trẻ có dấu hiệu hăm tã, không nên tự tiện điều trị bằng thuốc mỡ hay phấn rôm vì sẽ làm lỗ chân lông bị bít lại, không thoát mồ hôi và làm tình trạng viêm nặng hơn.