Chúng ta sống trẻ trung được bao lâu?
Sống lâu, không ốm đau bệnh tật và trông trẻ hơn so với tuổi sinh học là nhiệm vụ cần giỏi quyết của y học lão hóa và đồng thời cùng là điều mong ước của mỗi người.
Ngày nay, nền y học phát triển rất mạnh mẽ, đã tìm ra nhiều phương pháp cực kỳ hiệu quả chữa các bệnh theo tuổi tác và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ khám phá ra loại thuốc giúp cho con người chống lại sự hóa già. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp chống lại sự hóa già cơ thể không phải là các loại thuốc, không phải là các công nghệ y học, thậm chí cả yếu tố di truyền. Quan trọng nhất là sự thay đổi lối suy nghĩ, lối sống của bản thân, khi đó các phương pháp khác mới có điều kiện phát huy hết hiệu quả.
Tuổi già đến khi nào? Khi nào thì chúng ta mới phải suy nghĩ đến sự hóa già của cơ thể? Rất tiếc rằng sự hóa già cơ thể lại diễn ra khi cơ thể còn rất trẻ. Vào khoảng 20 tuổi, cơ thể đã bắt đầu suy giảm mức độ nhạy bén của các giác quan (thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác và khứu giác) mà nhiều người không cảm nhận được.
Ở tuổi 30 bắt đầu suy giảm lượng hormon sinh dục oestrogen (ở nữ giới) và testosterone (ở nam giới). Giảm dần khối lượng xương, khả năng co bóp của cơ bắp cũng yếu đi, khả năng chịu đựng stress cũng giảm.
Đến tuổi 35, tất cả mọi người đều cảm thấy da dẻ của mình không còn được căng như xưa, lý do là giảm sản sinh các sợi collagen trong cấu trúc da.
Vào tuổi 40, đa số đã có những biến đổi ở các cơ quan nội tạng. Suy giảm hoạt động của hệ tim mạch (biểu hiện là khi lao động, tập luyện thì nhịp tim, huyết áp tăng cao, chóng mệt...), tăng nồng độ pH trong dịch vị dạ dày, ở nhiều người bắt đầu hình thành sỏi nơi túi mật. Trong giai đoạn này, cơ thể suy giảm khả năng đào thải các chất độc hại (chức năng gan, thận bắt đầu suy giảm), giảm khả năng chú ý, trí nhớ.
Khi đến 45 tuổi, bắt đầu suy giảm hoạt động của não bộ, giảm sức đề kháng của cơ thể với các bệnh truyền nhiễm, có các rối loạn về tiểu tiện do giảm trương lực của bàng quang. Nhiều phụ nữ có biểu hiện của tiền mãn kinh cùng với các biến đổi về tâm sinh lý.
Bước vào tuổi 50, suy giảm mạnh hưng phấn tình dục, một số người thì mất hẳn. Chức năng phổi suy giảm do giảm tính đàn hồi của các cơ hô hấp, giảm số lượng phế nang hoạt động...
Đến tuổi 60, suy giảm mạnh chức năng của hệ thống thần kinh, tâm trạng không ổn định, hay lo âu... Còn đến tuổi 70 đã xuất hiện nhiều bệnh, bệnh này kế tiếp bệnh kia.
Tất cả đều có thể thay đổi
Tuy nhiên, khi đọc những điều trên chúng ta đừng quá lo lắng và bi quan vì đó chỉ là một kịch bản chuẩn. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, tuổi thọ của con người đã liên tục tăng, một trong các nguyên nhân chính là do sự phát triển của y học.
Ngày nay, các nhà khoa học khẳng định rằng, con người có thể sống đến 130-150 tuổi. Thế điều gì đang cản trở sự trường thọ của con người? Đó chính là những thay đổi trong cơ thể, các bệnh theo tuổi tác: Các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, loãng xương, thoái hóa khớp, đục thủy tinh thể, suy giảm trí tuệ và một số bệnh khác. Thật đáng tiếc! Không phải ai cũng biết rằng, hầu như tất cả các bệnh này đều có thể phòng ngừa được, thậm chí cả một số bệnh ung thư (ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư vú, tuyến giáp trạng, phần phụ...) chỉ bằng sự thay đổi cách nghĩ, thay đổi lối sống, sự hiểu biết về khoa học sức khỏe và quan trọng là phải bắt đầu hành động khi còn rất trẻ.
Để đạt được điều đó, mỗi người phải có trách nhiệm với chính sức khỏe của mình, tự xây dựng cho bản thân những hành vi sức khỏe nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh và nguy cơ bị tai nạn, đạt được một sức khỏe thể lực tốt nhất, tối đa hóa sức khỏe tinh thần, sức khỏe về mặt xã hội và sức khỏe trí tuệ.
Hoạt động vận động, các bài tập thể lực, thói quen vệ sinh và một cuộc sống lành mạnh là một phương tiện hữu hiệu để củng cố sức khỏe, thúc đẩy phát triển hài hòa cơ thể và phòng chống bệnh tật.
Trạng thái sức khỏe được xác định chủ yếu bằng chức năng của hệ thống tìm mạch và hô hấp, muốn gia tăng chức năng của các hệ thống này thì chỉ có biện pháp duy nhất là tập các bài tập có chu kỳ rèn sức bền chung của cơ thể như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi hay đạp xe đạp..., những bài tập không có chu kỳ rèn sức bền lực chỉ có tác dụng bổ trợ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kết luận khoa học về mối liên quan giữa hoạt động thể lực và sức khỏe. Hoạt động thể lực mang lại hiệu quả trực tiếp cho sức khỏe. Tập luyện thể dục thể thao giúp duy trì và phát triển thể lực, phòng chống các loại bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, đái tháo đường, thoái hóa xương khớp... Những loại bệnh này đòi hỏi chữa trị lâu dài, hiệu quả chữa trị lại thấp, bởi vậy công tác phòng bệnh đóng vai trò quan trọng nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ có sự tập luyện thì không thể bảo đảm một sức khỏe tốt, ngoài việc tập luyện thường xuyên, mỗi người cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý: Đủ calorie, đủ chất và có tỷ lệ cân đối giữa các chất và hợp vệ sinh; hạn chế tối đa uống rượu bia, bỏ hút thuốc; biết cách điều hòa cuộc sống, tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và xã hội, tạo cho bản thân một cuộc sống thanh thản và vui vẻ; tạo dựng một môi trường sống trong lành, hạn chế tối đa ảnh hưởng của các yếu tố gây ô nhiễm môi trường lên cơ thể.
Sức khỏe thể lực, chế độ ăn uống khoa học và kiểm soát cân nặng, kiểm soát stress thích đáng và thói quen sống lành mạnh, tất cả là bộ phận cấu thành của lối sống khỏe mạnh - là cơ sở phát huy hiệu quả của các công nghệ y học, các loại thực phẩm chức năng có định hướng trẻ hóa cơ thể.
Quan tâm đến sức khỏe không bao giờ là muộn, tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng sức khỏe cần được quan tâm càng sớm thì càng được bảo đảm chắc chắn hơn. Chăm lo cho sức khỏe của mình từ thời còn trẻ sẽ bảo đảm cho một tuổi già khỏe mạnh, trường thọ và trẻ trung.