Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi
Tinh thần lạc quan
Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người dường như bị cuốn theo bởi sự tất bật của guồng máy học tập, lao động hay chăm lo cho con cái, ít nhiều xao lãng việc chăm sóc tinh thần ông bà, cha mẹ (nói chung là Người cao tuổi). Điều này làm cho người cao tuổi cảm giác cô đơn, buồn tủi, đời sống tinh thần u uất. Theo các chuyên gia tâm lý, người cao tuổi hay nhớ quá khứ nên họ thường so sánh với hiện tại, điều này có thể khiến con cháu không thoải mái, muốn tránh xa những câu chuyện đó, vô tình làm người cao tuổi dễ bị tổn thương, tủi thân. Thậm chí có người bị trầm cảm, sống thu mình và mắc “tâm bệnh” - một trong số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các bệnh mạn tính như: Tim mạch, tăng huyết áp...
Thực tế, không ít trường hợp người cao tuổi do không chia sẻ được với người thân trở nên sống khép mình, bó buộc trong suy nghĩ tiêu cực “bản thân không còn sức lực để lao động, không tự chăm sóc làm gánh nặng cho con cháu”. Qua trao đổi, nhiều người cao tuổi sợ rằng con cháu sẽ không còn quan tâm hay bỏ rơi họ. Đa số người cao tuổi có tinh thần lạc quan, vui vẻ thường là những cụ có tham gia các hoạt động tổ, nhóm và được quan tâm chăm sóc của người xung quanh.
Thành viên câu lạc bộ văn nghệ tập luyện tại Nhà Văn hóa Người cao tuổi tỉnh. (ảnh: Phan Hân)
Chia sẻ vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Lớn - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, nhu cầu của người cao tuổi là nhận được sự lo lắng, chăm sóc của con cháu. Ngoài việc quan tâm bổ sung dinh dưỡng thích hợp, người cao tuổi cần thời gian “giải độc” tinh thần. Người thân có thể dành một ít thời gian trò chuyện để người cao tuổi cảm nhận được sự quan tâm hơn, sống vui, sống khỏe trong những ngày tháng về già. Qua đó, góp phần hạn chế các dấu hiệu không tốt về sức khỏe tinh thần.
Theo bác sĩ Trần Văn Lớn, tinh thần của người cao tuổi tốt, vui vẻ thì sẽ đẩy lùi được bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh hơn. “Người thân có thể khuyên người cao tuổi dành thời gian tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, giảm bớt những suy nghĩ, âu lo về cuộc sống hay tham gia các lớp thể dục dưỡng sinh hoặc câu lạc bộ (CLB) người cao tuổi để có thêm người tâm tình, bầu bạn”, bác sĩ Trần Văn Lớn gợi ý.
Sân chơi lành mạnh
Nhiều năm qua, xác định người cao tuổi là nhân tố quan trọng trong việc phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chung tay chăm sóc người cao tuổi. Hàng năm, theo quy định của Ban chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh, huyện và hội người cao tuổi xã thực hiện trợ cấp và chăm sóc hàng tháng cho các cụ 80 tuổi trở lên và cụ từ 60 - 79 tuổi thuộc đối tượng tàn tật; thăm, mừng thọ cụ từ 70 - 75, 80 - 85, 95 - 100 tuổi đúng quy định.
Nhiều người cao tuổi tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ cờ tướng ở các địa phương. (ảnh: Ánh Nguyệt)
Bên cạnh đó, các cấp hội người cao tuổi trong tỉnh thành lập 689 CLB vui chơi giải trí cho người cao tuổi. Trong đó, chủ yếu là các CLB thể dục dưỡng sinh, đờn ca tài tử, cầu lông, cờ tướng... thu hút 11.500 người cao tuổi tham gia. Nhiều cụ nhờ tham gia, sinh hoạt đều đặn tại các CLB thể dục dưỡng sinh mà duy trì được sức khỏe tốt, có người tránh được nhiều căn bệnh: tim mạch, thấp khớp, huyết áp.
Cụ Phạm Thị Tuyết, sinh năm 1942, ở Phường 5, TP. Bến Tre trước đây hay đau nhức, có thời gian bị tai biến liệt nửa người, sau khi điều trị lành bệnh thường xuyên tập yoga. Năm 2002, cụ bắt đầu tham gia CLB dưỡng sinh, đến nay, sức khỏe cụ rất tốt, dẻo dai. Cụ Tuyết tâm sự: “Tôi thấy mỗi lần tập luyện khí huyết lưu thông, cơ thể khỏe mạnh và vui vẻ. Các khớp tay, chân hoạt động rất linh hoạt, hơn nữa tinh thần phấn chấn và sảng khoái hơn rất nhiều”.
Sau mỗi buổi tập, người cao tuổi còn giao lưu văn nghệ, đối ẩm, nhờ vậy mà sức khỏe cải thiện, góp phần đa dạng đời sống tinh thần. Hơn 10 năm nay, sáng nào cụ Hồ Thuần Hậu cũng tham gia CLB dưỡng sinh tại Nhà văn hóa người cao tuổi tỉnh. Đã 71 tuổi nhưng cụ Hồ Thuần Hậu hoạt bát, tinh thần minh mẫn, khó ai đoán đúng tuổi cụ. Chia sẻ về sức khỏe của mình, cụ Hậu cho hay: “Nhờ tham gia đều đặn các bài tập thể dục dưỡng sinh mà tôi thấy khỏe mạnh, vui và thoải mái hơn”.
Theo Phó trưởng ban Đại diện Hội người cao tuổi tuổi tỉnh Nguyễn Châu Sơn, các CLB của người cao tuổi đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, vừa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích vừa tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.