Chăm sóc người cao tuổi theo y học hiện đại
Người cao tuổi thường ốm đau do nhiều bệnh, cần uống nhiều thuốc. Thế giới đã đúc kết kinh nghiệm chăm sóc bồi dưỡng và sử dụng thuốc cho các cụ. Bài này tóm tắt kinh nghiệm tốt ở nước ngoài để nghiên cứu áp dụng.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo kiểu Địa Trung Hải
Ai cũng biết nhân dân các nước vùng Địa Trung Hải sống lâu và khỏe mạnh hơn so với các nước khác ở Châu âu. Theo công trình nghiên cứu của các nước Châu âu trên 2.339 người khỏe mạnh, có tuổi thọ từ 70-90 (theo dõi trong 10 năm), thì những người ăn theo chế độ Địa Trung Hải (thức ăn có tỷ lệ acid béo có 1 liên kết đôi, ăn nhiều hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, nhiều cá, ít thịt), không hút thuốc lá (hoặc đã thôi không hút thuốc lá được 15 năm trở lên), không uống nhiều rượu, vẫn tập thể dục (nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày 1/2 giờ), có tỷ lệ tử vong về nhiều bệnh (tim mạch, động mạch vành, ung thư) thấp hơn 50%, so với những người không theo cách sống này.
Các tác giả còn phân tích kỹ hơn từng yếu tố làm giảm tỷ lệ tử vong:
- Chế độ dinh dưỡng kiểu Địa Trung Hải làm giảm 23%.
- Không uống nhiều rượu làm giảm 22%.
- Tập thể dục làm giảm 37%.
- Không hút thuốc lá làm giảm 35%.
- Tuân theo tất cả các chế độ trên, tỷ lệ tử vong có thể giảm tới 65%.
Công trình nghiên cứu ở Ý còn cho biết: Chế độ dinh dưỡng kiểu Địa Trung Hải làm giảm hội chứng chuyển hóa (gồm các yếu tố béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...) và nguy cơ về tim mạch liên quan đến hội chứng này.
Trên nhóm 90 bệnh nhân cao tuổi có hội chứng chuyển hóa và 90 bệnh nhân đối chứng có cùng hội chứng đó, các nhà khoa học Ý theo dõi nhóm I dùng chế độ Địa Trung Hải, còn nhóm II dùng khẩu phần bình thường, chỉ tránh các thói quen có hại. Sau 2 năm kết quả như sau:
- Nhóm I còn 40 người có hội chứng chuyển hóa.
- Nhóm II vẫn còn tới 78 người có hội chứng này.
Tránh dùng các thuốc không thích hợp cho người cao tuổi
Thông thường thuốc đều có 2 mặt:
- Mặt tích cực là phòng, chữa được bệnh.
- Các phản ứng phụ có hại cho bệnh nhân (nhất là người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai).
Năm 1991, bác sĩ Beers ở Hoa Kỳ có nghiên cứu hàng chục ngàn hồ sơ của bệnh nhân được chữa theo chương trình Medicare (có bảo hiểm sức khỏe do chính phủ liên bang tài trợ; người cao tuổi nằm trong các Viện điều dưỡng thường có nhiều bệnh, dùng nhiều thuốc nên tai biến cũng nhiều). Bác sĩ Beers đưa ra một danh sách thuốc coi như không thích hợp cho người cao tuổi, danh sách này dựa trên 3 cơ chế:
Thuốc có tính đối kháng choline mạnh
Như amitriptyline, diphenhydramine để chống trầm cảm, an thần... Ta biết là trí nhớ và khả năng nhận biết của con người là do chất dẫn truyền acetylcholine trong não điều khiển. Người cao tuổi thường có trí nhớ suy yếu hay bị bệnh sa sút trí tuệ (như bệnh Alzheimer), nên cần uống thuốc kháng men cholinesterase trong não để tăng mức acetylcholine. Nếu người cao tuổi uống thuốc đối kháng tiết choline mạnh, các cụ sẽ lại suy giảm khả năng nhận biết và trí nhớ.
Thuốc có thời gian bán thải dài
Như chodiazepoxide là thuốc an thần, gây ngủ, những thuốc này sẽ chuyển hóa qua pha I là oxy hóa thành desmethyl, diazepam có thời gian bán thải 60-80 giờ, sau chuyển hóa lần nữa thành oxazepam với thời gian bán thải 8 giờ, cuối cùng liên kết với acid glucorunic thành chất hòa tan được thải qua thận. Người cao tuổi thường bị suy yếu gan thận nên tránh dùng những thuốc chuyển hóa bằng cách oxy hóa, vì khi phản ứng chuyển hóa yếu đi, chất chuyển hóa còn hoạt chất sẽ tăng cao, làm bệnh nhân có tuổi không còn sáng suốt để làm việc.
Thuốc không chuyển hóa bằng pha oxy hóa
Nhưng vẫn có thời gian bán thải dài như thuốc clopropamid chữa bệnh đái tháo đường.
Danh sách này được bác sĩ Beers điều chỉnh thêm năm 1997, đến năm 2002 được một hội đồng duyệt lại và cho đăng trên báo Y học Jama của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, chia thành từng nhóm cụ thể để hướng dẫn điều trị cho người cao tuổi ở các trung tâm điều dưỡng.