Cây sả
Cây sả có tên khoa học là Cymbopogon, thuộc họ lúa (Poaceae). Theo Đông y, cây sả còn có tên gọi khác là hương mao hay cỏ chanh. Cây sả được sử dụng rộng rãi như là một loại cây thuốc và gia vị.
Mô tả
Cây sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi cao 0,8m đến 1m. Lá hẹp dài giống lá lúa, hai mặt lá giáp nhám, khi bóc vỏ ra có mùi thơm của chanh. Thân rễ trắng hoặc hơi tím. Sả được trồng khắp nơi.
Cây sả từ xưa đến nay được người đời sử dụng một cách triệt để từ gốc đến ngọn, dùng tươi, phơi khô, ướp lạnh, chế biến thành nhiều dạng thành phẩm khác nhau.
Cây sả có hương vị như chanh và có thể sấy khô và tán thành bột hay sử dụng ở dạng tươi sống. Phần thân cây là khá cứng để có thể ăn, ngoại trừ phân thân non và mềm bên trong. Tuy nhiên, người ta có thể thái nhỏ và thêm vào trong các gia vị.
Món ốc luộc cần có sả. Sả cùng với ớt, đường, nước mắm, một ít bột ngọt làm món nước chấm ốc sẽ rất ngon. Sả được dùng trong chè, súp và các món cà ri. Nó cũng rất thích hợp cho các món chế biến từ thịt gia cầm, cá và hải sản. Các món ăn có thêm mùi của cây sả đều trở nên thơm ngon hấp dẫn. Có thể coi sả là một gia vị giúp món ăn dậy mùi vô cùng hiệu quả.
Thành phần và đặc tính
Thành phần chính trong tinh dầu sả là citral.
Cây sả được ví như một "kho báu" tinh dầu. Lá sả chứa 0,4-0,8% tinh dầu dễ bay hơi, thành phần chính của thân cây sả chứa 75-85% hương thơm mùi chanh tự nhiên và các tinh chất đặc biệt khác. Củ sả chứa 1 - 2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh mà thành phần chủ yếu là citral (65 - 85%), geraniol (40%).
Theo Đông y, cây sả vị the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu tiện và tiêu thực.
Một số công dụng tuyệt vời của cây sả
Công dụng của cây sả khiến nhiều người phải bất ngờ. Theo Đông y sả có tác dụng lợi tiểu, là chất kích thích nhẹ, giảm đầy hơi, chống viêm, chống oxy hóa, chống trầm cảm, thuốc an thần, kháng khuẩn, giảm đau, chống co thắt và chống ung thư. Do đó sả có thể giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm buồn nôn, giảm huyết áp cao, điều trị mất ngủ, làm giảm căng thẳng, chống lại các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh và cúm, kiểm soát mức Cholesterol, làm giảm nồng độ axit uric và nhiều hơn nữa. Nó cũng có thể làm giảm đau bụng kinh và giảm đau viêm khớp.
Sả được dùng chủ yếu làm thuốc chữa cảm sốt, đầy bụng, tiêu chảy…
Ngoài ra, người ta cũng sử dụng sả để diệt vi sinh vật (mầm bệnh) và như một chất làm săn chắc da dạng nhẹ.
Một số người thoa trực tiếp sả hay tinh dầu sả lên vùng da bị đau để trị các chứng đau đầu, đau dạ dày, đau bụng và đau cơ bắp.
Ngoài ra, tinh dầu sả cũng được sử dụng làm hương liệu trị chứng đau cơ khi dùng trong các loại đèn xông tinh dầu.
Trong thức ăn và thức uống, cây sả cũng là một loại gia vị giúp tạo hương. Nhiều người thường dùng lá sả để tạo hương vị trong các loại trà thảo dược.
Trong ngành sản xuất, sả thường được dùng tạo mùi hương cho xà phòng và dụng cụ trang điểm. Người ta còn dùng xả để tạo ra vitamin A và citral tự nhiên.
Cây sả có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của một số loại vi khuẩn và nấm men. Sả cũng chứa các chất có tính giảm đau, giảm sốt, kích thích tử cung và tiết máu trong chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời nó cũng có chứa thành phần chống oxy hóa.
Tính sát khuẩn của sả
Theo một nghiên cứu của tạp chí y khoa Braxin, khi người ta sử dụng sả như một phương pháp điều trị nhiễm trùng staph, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy các đặc tính sát khuẩn tiềm ẩn của sả có hiệu quả hơn các loại thuốc kháng sinh và streptomycin.
Khi dùng sả để tẩy rửa hoặc đắp lên da, nó cũng có tác dụng chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng da hoặc các vết loét bị nhiễm trùng. Bạn có thể chữa bệnh nấm da với sả bằng cách ngâm chân trong bồn nước (với tỷ lệ 3 giọt dầu sả và 2-3 lít nước ấm) trong vòng 20 phút.
Dinh dưỡng của sả
Sả mang lại rất nhiều lợi ích dinh dưỡng. Một chén sả có chứa khoảng hơn 10% hàm lượng sắt, magiê, kali, kẽm và folate khuyến nghị hàng ngày. Khoáng chất có hàm lượng cao nhất trong đó là mangan - khoảng 175% giá trị khuyến nghị. Mangan là một chất dinh dưỡng thiết yếu và có tác dụng điều trị các bệnh loãng xương, thiếu máu và hội chứng tiền kinh nguyệt.
Đặc tính chống viêm
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 cho thấy chiết xuất sả chính là phương pháp điều trị các bệnh viêm nhiễm vô cùng hiệu quả. Các nhà nghiên cứu khẳng định các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong sả giúp làm giảm sự căng thẳng.
Một nghiên cứu tương tự được công bố cùng năm cho thấy sả chính là một liệu pháp điều trị bệnh viêm ruột vì có khả năng ức chế quá trình sản sinh leukocyte - một loại tế bào bạch cầu, từ đường ruột bị viêm nhiễm.
Tính an toàn của sả
Cây sả tương đối an toàn đối với hầu hết mọi người khi dùng để ăn hoặc để chế biến thức ăn hay chữa bệnh trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì sả có một số tác dụng phụ độc hại, chẳng hạn như gây ra các vấn đề sức khỏe về phổi sau khi hít phải tinh dầu sả và nếu nuốt phải thuốc chống côn trùng làm từ dầu sả có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các bài thuốc hay từ sả
Chữa cảm sốt nhức đầu
Liều lượng mỗi ngày 8 - 12g lá và củ sả dưới dạng thuốc xông hay thuốc hãm. Phổ biến nhất là nồi nước xông lá sả phối hợp với một số lá khác như lá tre, lá cúc tần, lá bưởi, lá tía tô… Mỗi thứ một nắm, đem nấu nước xông cho ra mồ hôi để chữa cảm sốt, nhức đầu.
Chữa rối loạn tiêu hóa
Sả không chỉ loại bỏ khí từ ruột mà còn giúp ngăn ngừa sự đầy hơi. Bên cạnh đó sả còn kích thích tiêu hóa, khử hôi miệng và tiêu đờm. Ngoài ra, trà từ cây sả và tinh dầu sả (bạn có thể uống 3-4 giọt với nước đun sôi để nguội) còn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa kém, ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, co thắt ruột, tiêu chảy hay kích thích trung tiện.
Bạn có thể uống 3 đến 6 giọt tinh dầu sả mỗi ngày để có thể chữa dần các triệu chứng đau bụng và đầy hơi. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nếu bị táo bón kèm theo sốt thì không nên dùng sả và cũng không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp xúc với sả.
Ngăn ngừa ung thư
Theo kết quả của một số nghiên cứu thì hợp chất citral có trong sả giúp tiêu diệt các tế bào ung thư và không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh khác. Các chuyên gia cũng khuyến khích nên cho sả vào thức ăn hoặc giã sả vắt làm nước uống thay cho trà.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác còn cho thấy sả có chứa beta-carotene-1 loại chất chống oxy hóa có thể giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư.
Trị rối loạn kinh nguyệt
Phụ nữ thường gặp rối loạn kinh nguyệt và đau bụng khi hành kinh có thể áp dụng công thức kết hợp vài giọt tinh dầu sả với một ít bột tiêu đen thành một hỗn hợp lỏng để uống dần. Bên cạnh đó, các chị em cũng có thể ép sả tươi lấy dịch hoặc sắc lấy nước uống để giảm bớt các cơn đau bụng trong giai đoạn hành kinh và điều hòa kinh nguyệt.
Giải độc hiệu quả
Sả giúp tăng cường số lượng và tần suất việc đi tiểu, giúp gan, đường tiêu hóa, thận, tuyến tụy và bàng quang luôn sạch sẽ và khỏe mạnh bằng cách loại bỏ những những độc tố không mong muốn và axit uric.
Sả hỗ trợ giải độc rượu. Người hay uống rượu có thể dùng 1 bó sả giã nát, thêm nước lọc, gạn lấy 1 chén, uống hết. Người say rượu uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.
Các món hải sản (ốc, nghêu, sò…) ăn nấu với sả vừa tạo hưong vị thơm ngon vừa giúp tăng cường tiêu hóa, khử lạnh và phòng ngộ độc, đau bụng.
Giảm huyết áp
Tinh chất có trong sả sẽ giúp giảm huyết áp một cách có hiệu quả. Nó làm tăng tuần hoàn máu và giúp giảm bớt tất cả các vấn đề của huyết áp. Các chuyên gia khuyên rằng, khi huyết áp tăng, bạn uống một cốc nước sả sẽ giúp huyết áp tụt xuống đáng kể.
Hạ sốt
Sả có thể dùng để điều trị các cơn sốt rét, cúm và cảm lạnh bằng cách ăn sống hoặc giã lấy nước để uống. Vì vậy, việc dự trữ một ít sả trong nhà là việc làm vô cùng hữu ích và tiện lợi. Ngoài ra, vài bụi sả xung quanh nhà có thể giúp bạn và người thân tránh muỗi cũng như nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết do muỗi chích.
Tốt cho hệ thần kinh
Tinh dầu có trong sả còn giúp tăng cường và cải thiện các chức năng của hệ thần kinh, mang lại hiệu quả đáng kể trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh rối loạn hệ thần kinh như bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ ở người già), bệnh Parkinson, co giật, căng thẳng, chóng mặt, run rẩy chân tay và động kinh…
Đuổi côn trùng, rắn
Tác dụng chính của sả là ở tinh dầu. Trong lá sả có tinh dầu, thành phần chủ yếu là geraniola và citronelola. Vì vậy, khi người ta vò lá sả sẽ thấy có một mùi thơm đặc biệt phảng phất mùi thơm của chanh.
Tinh dầu sả bôi lên da hoặc phun trong nhà có thể xua đuổi được ruồi, muỗi và các loài côn trùng khác như dĩn, bọ chét… Do đó thường được dùng làm thuốc trừ muỗi và khử mùi hôi.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy trồng cây sả quanh nhà có tác dụng xua đuổi rắn.
Giảm cân
Phương pháp này đã được người Thái Lan áp dụng rất hiệu quả vì sả có khả năng cắt giảm lượng calo trong món ăn. Với họ, sả có tác dụng như ớt với khả năng đốt cháy mỡ thừa, làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Làm đẹp da
Tinh dầu sả là một nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì nó mang lại rất nhiều lợi ích cho da. Những công dụng nổi bật của sả có thể nhắc đến là cải thiện chất lượng da, giảm mụn trứng cá, mụn nhọt, đặc biệt làm săn chắc các cơ và mô trong cơ thể.
Sả xuất hiện rất nhiều trong các món ăn của người Việt và là nguyên liệu vô cùng dễ tìm. Vậy tại sao bạn không tận dụng nó để làm đẹp cho bản thân và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày?
Làm đẹp tóc
Phụ nữ cũng thường nấu nước lá sả để gội đầu cho trơn tóc, sạch gầu và có thể tránh được một số bệnh về tóc.
Chữa chàm
Củ sả và tinh dầu sả còn dùng để chữa một số bệnh thông thường như giã nát củ sả bôi lên các vết chàm để chữa cho trẻ em.
Giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn
Tinh chất sả có thể làm giảm các cơn đau nhức như đau răng, đau cơ, đau khớp hay đau ở các bộ phận khác như đau lưng, đau nhức dây thần kinh, đau đầu. Lấy tinh dầu sả trộn với gấp đôi lượng dầu dừa rồi bôi vào các chỗ đau hoặc sưng sẽ thấy giảm đau rất hiệu quả. Trong trường hợp đau cấp tính thì có thể uống thêm nước sắc của sả tươi.
Một số nghiên cứu cho thấy sả có chứa nhiều hoạt chất sinh học thuộc nhóm flavonoid, phenolic, ví dụ như teolin, isoorientin 2′-O-rhamnoside, quercetin, kaempferol và apiginin… Chúng mang lại cho sả đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn một cách tự nhiên.
Giải cảm:
Kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá)… đun sôi, dùng để xông giải cảm rất hiệu nghiệm.
15 - 30g củ sả hoặc lá tươi nấu nước xông.
Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3 - 4 củ tỏi (thiếu một thứ cũng không được), nấu nước xông sẽ trị được nhức đầu (do thời tiết).
Lá sả, lá tre, lá bưởi (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi, nấu nước xông, trước khi xông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn nằm một lúc sẽ đỡ.
Giảm cảm giác buồn nôn khi có thai:
Củ sả băm nhỏ hãm với nước sôi uống hàng ngày.
Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực:
Lá sả tươi 30 - 40g nấu với 1 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút, uống.
Trị nhức đầu:
Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu với vài củ tỏi nấu nước xông.
Trị ho:
Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40oC vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng), trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10ml.
Trị ho do cảm lạnh, cảm cúm: Củ sả 40g, gừng tươi 40g. Hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
Trị cảm sốt do phong hàn, nhức đầu, không ra mồ hôi: Lá sả, lá chanh, lá bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới… Một lần dùng 4 - 6g mỗi loại nấu nước xông cho ra mồ hôi.
Sạch răng miệng:
Củ sả non rửa thật sạch, xắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 10g, ngâm với nước nóng, dùng để súc miệng.
Những lưu ý khi dùng cây sả
Do sả có tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi nên chỉ thích hợp dùng để trị các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Ví dụ: Khi bạn bị cảm lạnh do đi mưa hoặc do nhiễm lạnh, có các triệu chứng như sợ lạnh, rét run, không ra mồ hôi, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ho, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, đờm trong loãng bạn có thể dùng sả xông hoặc sắc uống giúp giải cảm hàn rất tốt.
Tính ấm và tác dụng làm ra mồ hôi của sả sẽ làm hao khí và tân dịch nên các trường hợp cơ thể hư nhược và các chứng bệnh do nhiệt gây ra như cảm nhiệt hay cảm nắng chúng ta không nên dùng sả uống hoặc xông”. Ngày nay, nhiều người dùng tinh dầu sả để tiết kiệm thời gian, để phát huy tối đa tác dụng của tinh dầu sả, các bạn cần lưu ý:
Các loại tinh dầu nói chung đều có đặc điểm là rất dễ bay hơi ở nhiệt độ cao. Vì vậy nếu bạn dùng tinh dầu để uống hoặc xông hơi, xông tắm thì chúng ta nên cho tinh dầu vào sau cùng sau khi đã đun xong nước sôi. Và chúng ta cũng đừng quên đậy kín nắp sau mỗi lần sử dụng tinh dầu sả. Như vậy sẽ giúp ta phát huy được các tác dụng của tinh dầu sả một cách tốt nhất.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú hoàn toàn không nên ăn sả hoặc các thực phẩm chứa sả trong suốt thời kỳ mang thai. Nguyên nhân vì sả có tính kích thích tử cung và chu kỳ kinh nguyệt, có thể dẫn đến tình trạng sảy thai. Hiện vẫn chưa có đầy đủ thông tin đáng tin cậy về tính an toàn của cây sả đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Do đó, để tự giữ an toàn cho bản thân, các bà mẹ hãy lưu ý tránh sử dụng sả.