Cây lấu chữa lỵ băng huyết
Cây lấu còn gọi là Lấu đực, huyết ti la tản, sa huenk (Lào), ko sa mat (Lào), đại la tản (Quàng Tây).
Tên khoa học Psychotria montana Bl.
Thuộc họ Cà phê Rubiaceae.
A. Mô tả cây
Lấu là một cây nhỏ cao l-9m, thân nhẵn. Lá mọc đối, hình trứng thuôn hẹp ở 2 đầu, dài 8-20cm, rộng 2-7,5cm, màu xanh lục. Hoa mọc thành xim nhiều nhánh ở đầu cành, hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, hình chuông phía trong tràng ở họng có nhiều lông nhỏ màu trắng. Quả hạch hình cầu hay hơi hình trứng, trên quả còn đài tồn tại, dài 5-7mm, màu đỏ, trong chứa 2 hạt màu đen.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc phổ biến ở khắp các tỉnh trong nước ta từ Bắc đến Nam. Còn thấy mọc ở Lào, Cămpuchia.
Người ta dùng rễ hay lá tươi hay phơi khô làm thuốc. Hái quanh năm, rửa sạch đất cát, dùng tươi hay phơi sấy khô. Không phải chế biến gì khác. Nếu hái rễ thì có thể thái mỏng, phơi khô.
C. Thành phần hoá học
Chưa có tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ thấy có phản ứng ancaloit.
D. Công dụng và liều dùng
Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân. Thường chỉ thấy dùng ngoài. Theo nhân dân, lấu có tác dụng tán ứ, hết đau, tiêu thũng (sưng) chữa ngã hay bị đánh sưng đau, gãy xương sưng đau, đau do phong thấp.
Dùng ngoài da không kể liều lượng: Thường lấy lá tươi hay rễ về nấu với nước để xông và ngâm chân sưng đau, bị cước sưng đau.
Chú thích:
Ngoài cây lấu ké trên, trong nhân dân còn dùng một số cây lấu khác như Psychotria morindoldes Hutch. hay Psychotria poilanei Pitard. với những tên lấu ông, lấu bà, lấu đực, lấu cái.
Bài thuốc có Lấu dùng trong dân gian:
1. Chữa ỉa chảy: Dùng lá lấu, Củ nâu hay lá Sim, mỗi thứ một nắm sắc uống.
2. Chữa sau khi đẻ đi lỵ và đau bụng: Dùng vỏ cây lấu, vỏ cây vải, mỗi thứ một nắm sắc uống.
3. Chữa mụn lở chảy nước: Dùng lá lấu nấu nước rửa và rắc bột lá lấu khô thì ráo mủ gom miệng.
Ngày nay ta thường dùng một số công thức:
1. Băng huyết, tiểu ra máu: Lá lấu 16-20g, phối hợp thêm lá Tiết dê, lá Huyết dụ, giã nát, thêm nước, gạn uống.
2. Kiết lỵ: Rễ lấu 8-16g sắc nước uống.