Cây Ba Đậu

Cây Ba Đậu

Ba đậu hay Mần để - Croton tiglium L., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.

Mô tả:

Cây gỗ hay cây nhỡ, cao 3-6m, có khi hơn; nhánh non màu lục rồi màu nâu và có nhiều lỗ bì, khá mảnh. Lá có phiến hình trái xoan, nhọn ở chóp, ít nhọn sắc ở gốc, hầu như tròn, dài 6-8cm, rộng 4-5cm, hơi có răng ở mép; gân 3, với 2 gân ngang yếu, các gân bên 2-3 đôi trên gân chính; cuống lá 1-2cm; tuyến hình đấu, không cuống, ở mép lá. Cụm hoa ở ngọn, có lá; hoa đực ở ngọn, hoa cái ở gốc, dài 10-20cm. Hoa đực có 5 lá đài, đĩa mật chia thùy và bầu hình cầu, lởm chởm lông hình sao. Quả nang hình cầu, cao 2cm, hơi có lông hay nhẵn; hạt hình trứng, dài 10mm, rộng 6-7mm, màu nhạt với vài đường nâu.

Sinh thái:

Thường mọc tập trung ở ven rừng, ven các sông suối, ven đường đi; cũng có gặp trong các rừng thứ sinh. Ưa sáng, mọc nhanh, ưa đất tơi và thoát nước. Có khả năng tái sinh hạt mạnh. Cũng được trồng trong vườn làm hàng rào.

Mùa hoa tháng 3-6, mùa quả tháng 8-9.

Phân bố:

Ở nước ta, có gặp từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng. Còn có ở Ấn Độ, Xri Lanca, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia, Philippin.

Bộ phận dùng:

Hạt - Fructus Crotonis, thường gọi là Ba đậu, còn dùng lá và rễ.

Thành phần hoá học: Hạt chứa khoảng 30- 50% dầu mùi khó chịu chứa các glycerid acid trung hoà và không trung hoà, không có tính tẩy, gồm stearin, palmitin, glycerid crotonic và tiglic; 18% protein. Hạt có tính chất tẩy do nhựa hòa tan trong dầu chứa các yếu tố phenolic gây bỏng da. Trong hạt có một glycosid là crotonosid, một albuminoza rất độc là crotin, một alcaloid gần như ricinin trong hạt Thầu dầu.

Tính vị, tác dụng:

Hạt có vị cay, tính nóng, rất độc, có công năng phá tích, trục đờm, hành thủy. Rễ và lá có vị cay, tính ấm, có độc, có tác dụng ôn trung tán hàn, khu phong, tiêu thũng.

Công dụng:

Hạt dùng chữa hàn tích đình trệ, bụng đầy trướng, táo bón, đại tiện bí kết (tắc nghẽn ruột), ho nhiều đờm loãng, đau tức ngực, bạch hầu và sốt rét. Rễ dùng trị thấp khớp dạng thống phong, bọc máu, đòn ngã, rắn cắn. Lá dùng bên ngoài khi bị phát cước hoặc làm thuốc sát trùng.

Thường dùng hạt dưới hình thức Ba đậu sương nghĩa là hạt Ba đậu đã ép bỏ hết dầu đi, sao vàng mới dùng với liều 0,01-0,05g làm viên hoặc chế cao. Lại thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Rễ dùng với liều 3-10g. Lá có thể dùng tươi giã đắp hoặc tán làm bột sát trùng.

Đơn thuốc:

Trị nọc độc rắn cắn: Rễ Ba đậu 30g, ngâm trong một lít rượu, lấy nước đắp ngoài. Dùng lá khô tán bột 0.5g uống với nước mát, ngày một lần.

Ghi chú:

Bệnh thực nhiệt, táo bón, phụ nữ có thai không dùng. Ba đậu rất độc không dùng quá liều. Nếu bị ngộ độc, dùng Đậu đen, Đậu xanh, Đậu đũa hoặc Hoàng liên nấu nước uống để giải độc.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...