Cấp cứu những tai nạn do ngợp thở

Cấp cứu những tai nạn do ngợp thở

Chết đuối

Trong lúc chuẩn bị làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân, nên phái người đi mời bác sĩ, đi báo tin cho cảnh sát, cho người đi mượn máy hít, máy thở, nếu có thể. Đừng quá tin nơi sức mình mà phải nhờ trạm cứu thương, cơ quan y tế, sở cứu hỏa, trụ sở thanh niên cùng những người thông thạo trong vấn đề này tiếp sức ta. Mọi cử động đều phải vô cùng mau lẹ, vì một giây phút trôi qua là nạn nhân đã bước thêm một bước nữa sâu hơn vào cõi chết.

Đừng phí thì giờ lăn tròn nạn nhân hoặc tìm cách tống nước ra khỏi phổi, vì số nước nếu có vô phổi cũng không đáng kể, hơn nữa nước ấy sẽ chảy ra theo động tác hô hấp nạn nhân.

Phải giữ nạn nhân được ấm. Nạn nhân được vớt lên khỏi nước thường rất lạnh và nhiệt lượng trong cơ thể giảm rất mau. Ngay trong mùa nắng nóng nạn nhân cũng bị mất sức ấm nhiều trong khi quần áo ướt bốc hơi lên.

Chết treo

 

Người ta thường treo cổ để tự tử. Nếu nạn nhân không nhảy từ trên cao xuống thì ít khi họ bị gãy cổ. Dây treo siết chặt cổ họng làm nghẹt khí quản nên nạn nhân chết.

Trước hết nên đỡ người treo cổ, cắt dây, và tháo ra khỏi cổ ngay. Khởi sự làm hô hấp nạn nhân liền.

Nếu nạn nhân đã chết lâu, xét ra vô phương cứu trị, nên để thi thể y nguyên đấy cho cảnh sát làm biên bản.

Chôn sống

 

Bị đè ngực và bụng, hoặc giả bị bịt kín miệng và mũi thường gây nên chết ngộp. Tai nạn này thường xảy ra trong những vụ sập nhà, sập hầm mỏ, cát chùi, hoặc những vật thể khác đè lên thình lình.

Nên cắt bỏ vật thể đè lên mình nạn nhân ngay, vì khi bị đè họ không thể có những động  tác thở như thường được nữa, nên tuy miệng và mũi không bị bịt kín cũng dễ bị chết ngợp.

Nếu nạn nhân bị phủ kín hết, nên moi cho họ ló đầu, cổ ra. Dùng bất cứ vật liệu nào ở gần đó để che chở cho họ. Xong cố moi phần ngực cho đủ rộng, khi thấy vừa đủ, nên áp dụng hô hấp nhân tạo ngay.

Lủng ngực

Nếu nạn nhân bị lủng ngực mà lỗ lớn đủ để không khí tràn ra theo mỗi động tác thở, chắc chắn y sẽ không thâu nhận đủ không khí để sống. Trong trường hợp này phương pháp hô hấp thành ra vô dụng nếu không bịt lỗ ấy trước.

Ta có thể dùng tay để bịt chặt hai đầu lỗ (trong trường hợp bị viên đạn xuyên ngang qua ngực). Các cơ cấu bị tua ra phải được tém gọn lại, đoạn, dùng vải thưa, băng hoặc vải thường bịt lỗ ấy. Dùng băng để giữ chặt vải bịt lỗ lủng nơi ngực, nếu không, phải giữ vải ấy với tay ta cho đến khi nạn nhân được chở đến bệnh viện.

Khí độc

 

Những giếng hoang, hố sâu, hồ nước không thoáng khí thường hay gây những tai nạn chết người và người ta hay gọi những nơi ấy có “ khí độc”. Thật ra số lượng dưỡng khí trong những nơi ấy rất thấp nên không đủ nuôi sống cơ thể. Các nhân công vào làm việc trong những nơi ấy có thể bị bất tỉnh, hoặc ngộp hơi và chẳng bao lâu sẽ bị chết luôn mà không kêu la được tiếng nào cả.

Trước khi vào làm việc ở những chỗ như thế, ta cần phải thử trước coi có đủ dưỡng khí trong không khí chăng. Đốt một ngọn đèn rồi thòng xuống giếng. Nếu đèn tắt, ta biết rằng nơi ấy không có đủ dưỡng khí. Nếu ở vào nơi có gió nhiều, ta có thể lấy một tấm bố lớn, cho một phần thòng xuống giếng, một phần ở trên, đối lại với hướng gió, để gió luồn vào và đổi lớp không khí ở dưới sâu.

Để được bảo đảm hơn, trước khi xuống giếng, nên lấy một sợi dây lớn, cột quanh ngực, nhờ nhiều người giữ ở trên để họ có thể kéo ta lên được khi bị ngợp hơi.

Chất khí ở các ống cống, hầm nhà bỏ hoang, hầm mỏ, vừa độc vừa nhạy lửa. Cẩn thận, đừng quẹt diêm cũng đừng đưa lửa ngọn vào, vì có thể gây nên những vụ phát nổ vô cùng nguy hiểm. Nên để người chuyên môn với những dụng cụ tối tân thử nghiệm trước rồi vào làm việc sau.

Hầu hết những vụ chết người vì hơi độc trong cuộc mưu sinh hằng ngày là chất cacbon monoxit (CO2). Đây là chất khí vô sắc, vô mùi vị, hơi nhẹ hơn không khí, thường có trong khi máy nổ phát ra, khí đốt lò, khói lửa, các lò lửa, ống cống, hầm tiêu v.v…

Đừng hít hơi nầy dầu chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Nếu hơi không đủ giết ta, nó cũng có thể làm ta giảm sức nhiều. Nếu phải vào cứu người bị ngộp hơi, phải được trang bị với mặt nạ và bình dưỡng khí trước đã. Loại hơi này không hề chừa ai cả. Một chiếc khăn tay nhúng nước bịt ngang mũi không phải là mặt nạ phòng hơi. Nó chỉ loại bớt khói mà thôi, chớ không lọc được cacbon monoxit và đã có rất nhiều người bị chết vì tưởng khăn tay là mặt nạ an toàn, nhất là trong những vụ cháy nhà.

Đừng bao giờ ngồi trong chiếc xe hơi đóng kín cửa mà cho máy chạy, vì có thể xe có lỗ hở, khí cacbon monoxit có thể bốc lên và do lỗ hở kia lọt vào xe.

Đừng bao giờ ở trong phòng kín hoặc nhà xe đóng cửa kín mà cho máy xe nổ, dầu là xe Solex, vì tai nạn có thể xảy đến thình lình mà không ai hay cả.

Nếu ở nhà có dùng khí (hơi, gaz) để đốt đèn hay đốt lò, phải hết sức cẩn thận. Đừng dùng lửa ngọn để dò chỗ xì. Nên dùng đèn bấm hoặc bọt xà bông hơn là diêm quẹt, đèn cầy v.v… Phải biết sức thận trọng khi nấu nước với lò gaz, vì nước trào có thể làm tắt hẳn hoặc tắt một phần lửa mà hơi vẫn xì, gây nên những trường hợp chết người rất thường. Đừng vặn nhỏ ngọn lửa ga khi trong phòng có người ngủ.

Tác động của cacbon monoxit

Hồng huyết cầu mang dưỡng khí đi khắp nơi trong cơ thể. Chất cacbon monoxit (acid cacbon) hít vào hóa trộn với hồng huyết cầu 250 lần nhạy hơn dưỡng khí, và hồng huyết cầu càng mang nhiều chất cacbon monoxit chừng nào, càng giữ dưỡng khí ít chừng nấy. Tuy nhiên trong không khí mà ta thở có rất ít cacbon monoxit, nhưng lần lần chúng sẽ thay thế hẳn dưỡng khí trong tế bào máu, gây nạn nhân thiếu dưỡng khí và chết.

Triệu chứng

Các triệu chứng thay đổi nhiều tùy theo số lượng cacbon monoxit thở nhiều hay ít, và mọi dấu hiệu không phát hiện giống nhau.
Triệu chứng trong trường hợp nhẹ là: ngáp dài, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai và sau lại tim đập mạnh. Tuy nhiên các triệu chứng có thể diễn biến từ từ, hoặc phát hiện cách đột ngột mà nạn nhân không hay biết gì cả cho đến khi hai đầu gối y sụm xuống, không thể đứng dậy, cũng không thể bò lết được nữa, tuy y vẫn còn tỉnh táo. Sau đó nạn nhân sẽ bất tỉnh và chết luôn.

Da người bị khí độc này đỏ ửng lên, tuy cũng có trường hợp tím ngắt như những tai nạn chết ngộp khác.

Cấp cứu

Đem ngay nạn nhân qua một phòng thoáng khí và ấm áp. Nếu nạn nhân đã tắt thở, hay lấy hơi lên, nên làm hô hấp nhân tạo liền. Chất cacbon monoxit sẽ nhả ra từ từ. Có nhiều nạn nhân vẫn còn thở nhưng không thâu nhận đủ dưỡng khí để tống khí monoxit, xem qua ta tưởng họ không việc gì nhưng một lúc sau, họ bất tỉnh rồi chết. Trong trường hợp này, việc tiếp dưỡng khí cho nạn nhân là điều rất cần, nhưng dưỡng khí nguyên chất lại không kích thích sự hô hấp được. Vì vậy người ta thường trộn 93% dưỡng khí với 7% cacbon dioxit (CO2) để nạn nhân dùng. Chất cacbon dioxit trong dưỡng khí có tính chất kích thích trung tâm hô hấp, đồng thời làm nạn nhân thở sâu hơn và nhờ đó dưỡng khí tống khứ cacbon monoxit ra mau hơn. Tuy nhiên, nếu không tìm ra chất dưỡng khí hỗn hợp với cacbon dioxit, người ta vẫn phải dùng dưỡng khí nguyên chất. Trong những trường hợp thường, người ta chỉ cần tiếp chất hỗn hợp nầy cho nạn nhân trong vòng 20 phút thôi, nhưng cũng có những lúc người ta phải cho dùng đến 40 phút.

HÃY NHỚ: Nên cho nạn nhân bị hơi cacbon monoxit hít dưỡng khí trộn với cacbon dioxit cho dù họ vẫn còn thở đều. Nếu nạn nhân yếu, vừa cho hít dưỡng khí vừa làm hô hấp nhân tạo.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...