Cao huyết áp
KIỂM TRA SỨC KHỎE (CHÚ Ý NHỮNG TRIỆU CHỨNG DƯỚI ĐÂY).
- Có đau đầu, chóng mặt, tê chân không?
- Có khó thở, tim đập rối loạn, ngực cảm giác bị ép không?
- Có đi tiểu nhiều lần không?
- Mắt có lúc không nhìn được rõ không?
- Có thích ăn đồ ăn mặn không?
- Có hay uống rượu không?
- Có xuất hiện tình trạng thở gấp ngay cả khi không vận động không?
- Có bị đau đầu, đau vai không?
- Có bị phù chân không?
- Có cảm thấy toàn thân mệt mỏi không?
Nếu bạn có những triệu chứng trên thì rất có thể bạn đã mắc bệnh cao huyết áp.
Cao huyết áp là một căn bệnh mãn tính thường gặp, ở giai đoạn đầu, thường không có triệu chứng gì rõ rệt, dễ bị mọi người bỏ qua. Bởi vậy, bệnh cao huyết áp được giới y học đặt cho một cái tên là “sát thủ không lời”.
Người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu như sau: bị mắc bệnh cao huyết áp, không điều trị, không uống thuốc, để bệnh tự phát triển, vài năm sau đã xuất hiện hiện tượng tim, não, thận bị tổn thương, bệnh tình phát triển xấu đi, xuất hiện triệu chứng xơ cứng động mạch, đau tim, mắc bệnh thận… Trong nghiên cứu này, độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh cao huyết áp là 32 tuổi, tuổi thọ trung bình là 51 tuổi, tức là, chỉ sống được 19 năm sau khi mắc bệnh.
Bởi vậy, không nên coi thường bệnh cao huyết áp, nên cố gắng phát hiện bệnh sớm, kịp thời điều trị, tránh mắc thêm các bệnh khác, đảm bảo sức khỏe của bản thân.
TẠI SAO LẠI MẮC BỆNH CAO HUYẾT ÁP?
Lực co giãn
Lực ép của máu trong mạch máu lên thành mạch máu được gọi là huyết áp, thông thường chỉ lực ép lên thành động mạch. Khi tim co lại, máu được đẩy tới động mạch, lượng máu bên trong động mạch tăng lên làm tăng lực ép lên thành động mạch. Lúc này, huyết áp gọi là lực co hay cao áp. Khi tim giãn ra, một phần máu quay lại tim, lượng máu trong động mạch giảm, lực ép lên thành động mạch yếu. Lúc này, huyết áp được gọi là lực giãn hay thấp áp.
Thông thường, động mạch có lực đàn hồi, nhưng khi những động mạch nhỏ trong cơ thể vì một lý do nào đó bị co giật thì lực đàn hồi của nó sẽ yếu đi, lực cản khi máu đi qua động mạch sẽ tăng lên, gây ra hiện tượng cao huyết áp.
Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp là sự kết hợp của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Bệnh cao huyết áp được chia thành cao huyết áp nguyên phát và cao huyết áp tiếp phát, thường gặp nhất là cao huyết áp nguyên phát, chiếm 90 - 95% số người mắc bệnh cao huyết áp. Cao huyết áp tiếp phát do một căn bệnh khác gây ra hiện tượng huyết áp tăng cao, sau khi bệnh chữa khỏi, huyết áp lại trở lại bình thường. Khi mắc các bệnh như viêm thận mãn, hẹp động mạch thận… đều xuất hiện triệu chứng huyết áp tăng cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp nguyên phát tuy chưa được làm rõ nhưng người ta vẫn cho rằng, chính yếu tố di truyền và yếu tố môi trường đã khiến cho hệ thống điều tiết huyết áp bị rối loạn, gây ra co giật các động mạch nhỏ, dẫn đến hiện tượng huyết áp tăng cao. Trong đó, yếu tố di truyền bẩm sinh chiếm 50 – 60% khả năng mắc bệnh. Còn yếu tố môi trường chủ yếu bao gồm: béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vận động, uống rượu, hút thuốc, áp lực…
BÉO PHÌ
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng mắc bệnh cao huyết áp ở người béo phì cao gấp 1.5 lần so với người bình thường. Thông thường, mọi người cho rằng, do cơ thể béo phì nên lượng máu cần thiết chuyển ra từ tim càng nhiều, tạo ra áp lực lớn mãn tính lên thành mạch máu.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG KHÔNG HỢP LÝ
Ăn quá nhiều muối cũng gây ra bệnh cao huyết áp. Khi ăn quá mặn, các tế bào trong cơ thể sẽ chuyển nước ra để cân bằng, lượng nước thừa sẽ được thải ra ngoài qua thận, nhưng ở những người mắc bệnh cao huyết áp, ở một chỗ nào đó trong quá trình này xuất hiện vấn đề.
Ngoài ra, ăn nhiều đồ ăn có nhiều mỡ cũng gây ra xơ cứng động mạch và béo phì, là nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh cao huyết áp.
THIẾU VẬN ĐỘNG
Vận động có khả năng kiểm soát được chất làm tăng huyết áp trong máu, tăng cường chất hạ áp. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vận động thúc đẩy quá trình phân giải đường, giảm nguy cơ béo phì.
UỐNG RƯỢU
Những người uống rượu quá nhiều dễ mắc bệnh cao huyết áp hơn so với những người không uống rượu.
HÚT THUỐC
Những người hút thuốc có tỉ lệ mắc các bệnh về tim mạch cao gấp 2 - 3 lần so với những người không hút thuốc.
ÁP LỰC
Dây thần kinh tự chủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển huyết áp. Dây thần kinh tự chủ bao gồm dây thần kinh giao cảm và dây thần kinh phó giao cảm, trong đó, dây thần kinh giao cảm có tác dụng làm tăng huyết áp. Khi con người đối mặt với áp lực, dây thần kinh giao cảm tiết ra một chất đặc biệt làm cho mạch máu co lại.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Bệnh cao huyết áp không có triệu chứng đặc trưng, các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, đau đầu, khó chịu, mất ngủ, mất tập trung, trí nhớ giảm sút… có một số người còn có các triệu chứng khác như tê đầu ngón tay hoặc có người còn có cảm giác như kiến bò trên tay hoặc có cảm giác lạnh ở hai bắp chân. Tuy nhiên, khi huyết áp tăng quá cao, sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu hoặc chóng mặt rõ rệt.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh không giống nhau ở từng người và từng giai đoạn bệnh. Một số người khi bệnh ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì của bệnh, nếu không đo huyết áp thì không thể biết được tình hình bệnh. Điều đặc biệt cần chú ý là các triệu chứng của người bệnh không nhất thiết phải căn cứ vào mức độ cao thấp của huyết áp, có một số người huyết áp không quá cao, nhưng lại có rất nhiều triệu chứng của bệnh, một số người khác tuy huyết áp rất cao nhưng lại không có triệu chứng gì rõ rệt.
KIỂM TRA VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Tiêu chuẩn của bệnh cao huyết áp
Nếu đo huyết áp trong 3 ngày khác nhau mà chỉ số đo được cao hơn mức bình thường thì có thể khẳng định đó là cao huyết áp. Để xác định tình trạng sức khỏe có thể căn cứ vào bảng dưới đây:
Phân loại lực co lực giãn
- Huyết áp lí tưởng 120 - 80.
- Huyết áp bình thường 120 - 129 80 - 84.
- Huyết áp cao bình thường 130 – 139 85 – 89.
- Huyết áp cao cấp 1 (nhẹ) 140 – 159 90 - 99.
- Huyết áp cao cấp 2 (trung) 160 – 179 100 – 109
- Huyết áp cao cấp 3 (nặng) 180 110.
DỰA VÀO MỨC ĐỘ TỔN THƯƠNG CỦA TIM, THẬN, NÃO CŨNG CÓ THỂ CHIA BỆNH CAO HUYẾT ÁP THÀNH 3 GIAI ĐOẠN:
- Giai đoạn 1: không có tổn thương đối với não, tim, thận.
- Giai đoạn 2: có tổn thương đối với não, tim, thận nhưng chức năng vẫn hoạt động (hoạt động không được như bình thường nhưng chưa biểu hiện ra những triệu chứng bệnh một cách rõ nét).
- Giai đoạn 3: có các hiện tượng xuất huyết não, yếu tim, chức năng thận suy yếu.
CÁC CHỨNG BỆNH KÉO THEO BỆNH CAO HUYẾT ÁP CÓ THỂ LÀM TUỔI THỌ GIẢM ĐI.
Bệnh cao huyết áp tùy ở giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng gì nhưng nếu không điều trị thì tim và mạch máu cũng sẽ dần dần phát bệnh, cuối cùng sẽ dẫn đến bệnh xơ cứng động mạch, bệnh tim, thận… Ngoài ra, mắt cũng sẽ xuất hiện hiện tượng động mạch trở nên mảnh, vỡ hoặc chảy máu… Những người có huyết áp quá cao hoặc bị cao huyết áp trong một thời gian dài thì tỉ lệ phát các bệnh đó càng cao, tỉ lệ tử vong càng cao.
Xuất huyết não
Huyết áp tăng cao, vách mạch máu trong não sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương, gây ra hiện tượng tắc máu hoặc u động mạch, làm tắc mạch máu hoặc làm các mạch máu có thành mạch máu yếu dễ bị vỡ, xuất huyết… cao huyết áp là nhân tố nguy hiểm nhất gây ra xuất huyết não. Xuất huyết não được chia thành các loại như não xuất huyết, tắc máu não và thiếu máu não tạm thời. Các triệu chứng thường gặp là vận động gặp trở ngại, tư duy ngôn ngữ gặp trở ngại như không nói được, giảm trí nhớ, liệt…
Bệnh tim
Khi huyết áp tăng cao, tim vì muốn đưa máu đến các bộ phận trong cơ thể sẽ gia tăng sự co bóp. Như vậy, sức ép lên tim sẽ rất lớn, cơ tim sẽ ngày càng to ra. Nếu trạng thái này cứ tiếp tục kéo dài, tim sẽ không chịu được, dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, nếu việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng do xơ cứng động mạch, không đảm bảo được lượng máu cần thiết, sẽ xuất hiện hiện tượng đau tim hoặc tắc máu.
Bệnh thận
Thận do nhận một lượng máu lớn nên có liên quan mật thiết đến huyết áp. Cao huyết áp sẽ dẫn đến bệnh thận và ngược lại, bệnh thận cũng là nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp.
Nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng, các mạch máu nhỏ của thận sẽ bị xơ cứng, không thể nhận được lượng máu đầy đủ. Như vậy, chức năng lọc máu, hấp thụ và đào thải chất độc của tiểu cầu thận sẽ mất đi, ảnh hưởng đến chức năng của thận. Động mạch nhỏ trong thận khi bị tắc, máu bị cản lại cũng sẽ phát sinh ra tình hình tương tự.
ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Khi mắc bệnh cao huyết áp nguyên phát, nên tiến hành chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của bệnh. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ở vào giai đoạn 2, 3 nên uống thuốc để điều trị. Đa số những người bệnh khi được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp thì đều ở vào giai đoạn 1, nên áp dụng các phương pháp điều trị như: điều chỉnh chế độ ăn uống, áp dụng chế độ vận động phù hợp. Nếu tình hình không được cải thiện thì hãy dùng thuốc.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Trước tiên, nên giảm lượng muối trong bữa ăn. Những người mắc bệnh cao huyết áp mỗi ngày chỉ nên ăn 6g muối, nhiều nhất cũng không được vượt quá 10g. Mục đích của việc giảm lượng muối đưa vào cơ thể là giảm lượng muối xuống còn một nửa so với trước, đồng thời, các món ăn nên nấu nhạt hơn một chút. Cảm thấy có ngon hay không ngon hoàn toàn là do thói quen, bởi vậy, nên tập ăn thanh đạm một chút. Ngoài ra, nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều kali, những loại ngũ cốc có chứa nhiều vitamin như: các loại rễ rau và các loại tảo biển.
Phương pháp vận động
Duy trì một chế độ vận động phù hợp không những có thể cải thiện được tình trạng bệnh cao huyết áp mà còn có thể phòng tránh và điều trị một số căn bệnh khác.
Tốt nhất, nên vừa vận động vừa cười nói với người bên cạnh, đi bộ nhanh là một hình thức vận động phù hợp nhất, bơi lội hoặc đạp xe cũng là những cách vận động tốt. Những kiểu vận động như cử tạ, chạy nhanh… là không phù hợp.
Nên vận động hàng ngày, mỗi lần 30 phút hoặc mỗi tuần vận động 3 lần, mỗi lần 60 phút. Sau 2 - 6 tháng mới thấy được kết quả.
Vận động ở chế độ thích hợp có thể làm giảm huyết áp, tuy nhiên, có một số người sau khi vận động thì huyết áp lại tăng lên. Những người như vậy mắc bệnh cao huyết áp mang tính di truyền khá mạnh.
Rèn luyện một lối sống lành mạnh
Có khoảng 10% những người mắc bệnh cao huyết áp là do uống rượu. Đối với những người uống rượu ở mức độ vừa, sau khi cai rượu hoặc hạn chế rượu, huyết áp giảm xuống rõ rệt. Kết quả điều tra cho thấy, lượng cồn đưa vào cơ thể mỗi ngày nên khống chế ở mức khoảng 20g, tương đương với 1 chai bia hoặc 1 ly rượu vang đỏ.
Về nguyên tắc, không nên hút thuốc. Tuy nhiên, đối với những người không thể bỏ được thuốc thì nên giảm bớt lượng thuốc hút trong ngày. Những chất độc có trong khói thuốc có thể làm tổn hại đến màng trong động mạch, gây xơ cứng động mạch, đồng thời, kích thích thần kinh giao cảm làm các động mạch nhỏ co lại, làm cho huyết áp tăng cao.
Cho dù con người không bao giờ có thể trốn khỏi được áp lực, nhưng có thể học được cách kiểm soát chúng. Những nhà nghiên cứu cho rằng, con người khi có nhiều việc phải làm chưa chắc đã cảm thấy áp lực, chỉ khi bạn không biết làm thế nào để giải quyết công việc thì lúc đó bạn mới cảm thấy sự tồn tại của áp lực. Bởi vậy, khi bạn cảm thấy bị áp lực, hãy tự hỏi bản thân tại sao lại như vậy, sau đó tập trung tinh thần để giải quyết vấn đề.
Cao huyết áp điều trị bằng thuốc
Bản thân tính phức tạp của bệnh cao huyết áp quyết định tính phức tạp của việc dùng thuốc, đặc biệt là khi còn mắc thêm những bệnh khác thì càng phải có những yêu cầu đặc biệt đối với việc lựa chọn thuốc hạ huyết áp. Sở dĩ như vậy là vì có một số loại thuốc hạ huyết áp tuy có thể làm hạ huyết áp nhưng lại ảnh hưởng đến việc điều trị các bệnh khác hoặc làm tổn thương đến các cơ quan tương quan. Khi lựa chọn thuốc phải căn cứ vào tình hình bệnh của người bệnh, triệu chứng bệnh, thói quen sống của người bệnh.
Nguyên tắc điều trị bệnh cao huyết áp
Tích cực tiến hành điều chỉnh chế độ ăn uống, áp dụng chế độ vận động phù hợp; khi uống thuốc cũng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và vận động.
Lựa chọn loại thuốc hạ huyết áp sao cho phù hợp; sau khi huyết áp ổn định, có thể thử giảm liều lượng thuốc.
Kiểm soát các nhân tố nguy hiểm gây ra các bệnh về tim mạch ngoài bệnh cao huyết áp.
Để người bệnh tích cực tham gia vào quá trình điều trị, cần coi trọng việc cân nhắc đến lối sống của người bệnh.
Đối với những bệnh nhân còn mắc các bệnh khác, phải tiến hành điều trị để hạ huyết áp ngay.
Những loại rau quả có chứa nhiều kali
Bột khoai tây xào khô: 1200mg.
Đậu đỏ chín: 460mg.
Nho khô: 740mg.
Chuối tiêu: 360mg.
Dưa hấu: 120mg.
Khi nào bắt đầu sử dụng thuốc hạ huyết áp
Lực co trên 160 và lực giãn trên 95
Mắc các triệu chứng như to cơ tim, các bệnh về tim mạch, bệnh thận, béo phì, mỡ trong máu… đồng thời lực co trên 140 và lực giãn trên 90
Những người già trên 70 tuổi, lực co trong khoảng 160 – 170, lực giãn trên 90.
KHI TRONG NHÀ CÓ NGƯỜI GIÀ MẮC BỆNH CAO HUYẾT ÁP
Những người cao tuổi có thể quên uống thuốc hạ huyết áp, bởi vậy, người nhà phải thường xuyên nhắc nhở về vị trí để thuốc, thời gian uống thuốc… Đồng thời phải theo dõi thật chặt chẽ những tác dụng phụ của thuốc.
Những người cao tuổi thường không hay để ý đến cảm giác khát. Khi cơ thể thiếu nước, máu sẽ trở nên đặc hơn, huyết áp dễ tăng lên, máu dễ bị ngưng tụ. Bởi vậy, nên nhắc nhở việc bổ sung lượng nước.
Khi bị táo bón, do phải dùng sức trong lúc đại tiện nên huyết áp sẽ tăng lên, khiến cho rất nhiều người già bị não trung phong trong nhà vệ sinh. Bởi vậy, về chế độ ăn uống, phải chú ý ăn nhiều đồ ăn có chứa chất xơ, nhà vệ sinh nên dùng loại hố xí bệt là tốt nhất.
HỎI ĐÁP
Hỏi:
Tại sao có một số người dù đã hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể nhưng vẫn không hạ được huyết áp?
Đáp:
Những người mắc bệnh cao huyết áp dễ bị ảnh hưởng của chất muối thuộc nhóm mẫn cảm với muối, những người không dễ bị ảnh hưởng của chất muối thuộc nhóm không mẫn cảm với muối. Còn nguyên nhân tại sao có sự khác biệt trên thì chưa được làm rõ. Những người có chức năng thận kém, chỉ cần ăn nhiều muối thì huyết áp sẽ tăng lên. Tuy nhiên cũng có người cho rằng biểu hiện này có liên quan đến di truyền nhưng cũng có nghiên cứu đã chỉ ra, khi các nguyên nhân như môi trường sống thay đổi, yếu tố tuổi tác dẫn đến chức năng của thận giảm sút, đôi khi, những người thuộc nhóm không mẫn cảm có thể chuyển thành mẫn cảm.
Hỏi: Điều trị bệnh cao huyết áp bằng thuốc có phải uống lâu dài không?
Đáp: Không nhất thiết phải như vậy. Nếu các phương pháp khác như vận động, cải thiện chế độ ăn uống tỏ ra có hiệu quả rõ rệt, huyết áp hạ xuống và ổn định thì có thể cân nhắc việc dừng uống thuốc và theo dõi tình hình. Nếu huyết áp không tăng thì không cần phải uống thuốc nữa. Tuy nhiên, dù huyết áp đã giảm, duy trì sự ổn định, tự mình phán đoán và dừng uống thuốc có thể làm cho huyết áp tăng đột ngột. Bởi vậy, không nên tự mình dừng uống thuốc mà nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ.