Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng
Thực trạng dịch HIV/AIDS...
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.514, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (38%) và 30-39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%)... Tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp.
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS năm 2016, ước tính hiện có khoảng 245.000 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 5.000 người nhiễm HIV là trẻ em, 67% là nam giới và 33% là nữ giới. Cũng theo số liệu ước tính và dự báo, dịch HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm 35% số người nhiễm HIV của cả nước, tiếp đến là các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai mỗi tỉnh chiếm khoảng 3% số người nhiễm HIV cả nước.
Ước tính số người nhiễm mới HIV trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi nhiễm HIV và trẻ em nhiễm mới là 268 trẻ. Số người nhiễm mới người lớn giảm 64% so với năm 2010. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.
Tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện sớm HIV.
Theo kết quả giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm MSM là 12,2% và phụ nữ bán dâm là 3,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích và túy thay đổi không đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015, lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017.
Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng
Mặc dù, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng diễn biến dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao, như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy sẽ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại do khó khăn xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm. Một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng do người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư cao nhưng chưa được xét nghiệm phát hiện địa bàn trọng điểm về dịch HIV/AIDS.
Đẩy mạnh truyền thông phòng chống HIV/AIDS.
Vì vậy, tại các tỉnh thành phố khu vực đô thị, nơi có sự giao thương về kinh tế, văn hóa và nơi tập trung nhiều các trung tâm đào tạo cần quan tâm nhiều đến truyền thông, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV trong nhóm MSM. Các khu vực trung du, miền núi nơi địa bàn có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên 0,5% đối với tuyến xã, có nhiều người nhiễm HIV tử vong do AIDS, tỷ lệ điều trị thấp cần chú trọng hơn trong công tác xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV...