Cẩn thận nguy cơ chấn tâm thần lý do nghiện Facebook
Bị bố mẹ cấm dùng Facebook và tịch thu điện thoại lẫn máy tính, thiếu niên 14 tuổi thu mình lại rồi lên cơn co giật.
Cậu bé được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám gần đây. Theo người nhà, cậu bé mỗi ngày có khoảng 10 tiếng đồng hồ vào mạng, cứ đi học về là dán mắt vào máy tính, điện thoại để chat. Sợ ảnh hưởng đến việc học của con, bố mẹ tịch thu hết phương tiện vào mạng thì bé phản ứng lại, sau đó xuất hiện cơn co giật.
Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần cho biết, cậu bé được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân ly, biểu hiện co giật không phải do vấn đề thực thể. Với trường hợp này, bác sĩ chữa cho bệnh nhân hết co giật, đồng thời tư vấn gia đình quản lý việc sử dụng Facebook để trẻ có thể phục hồi, đi học bình thường. Đây được gọi là liệu pháp tác phong.
Theo tiến sĩ Phương, có nhiều trẻ sử dụng Facebook cả ngày, chỉ ở trong nhà, không đi học, hỏi gì cũng không trả lời, đến bữa ăn thì xuống ăn. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu hoang tưởng và ảo giác. Trong đầu người bệnh luôn có tiếng nhắc nhở “Mày phải chơi đi”, với tiếng nói lúc của đàn ông lúc của đàn bà. Đây là dấu hiệu rất đặc trưng của chứng ảo thanh trong tâm thần phân liệt. Thông thường cứ vào chạng vạng tối là trong đầu trẻ xuất hiện tiếng nói này.
Khi ấy bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống loạn thần. Dần dần các dấu hiệu của bệnh đỡ đi, người bệnh cũng giảm sử dụng Facebook.
Hội chứng nghiện Facebook có nghĩa là một người dành quá nhiều thời gian trên Facebook, ảnh hưởng đến hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống như công việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè thật. Sử dụng Facebook nhiều nhưng có mục đích rõ ràng thì không gọi là nghiện. Bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào cũng có thể rơi vào tình trạng này.
Theo tiến sĩ Phương, trên thế giới hiện chưa có mã bệnh về nghiện Facebook. Tại Viện cũng chưa có bệnh nhân nào nhập viện vì nghiện Facebook đơn thuần. Tuy nhiên, bác sĩ thường gặp các bệnh nhân bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, lo âu… kèm theo hội chứng nghiện Facebook. Khi điều trị xong, bệnh nhân cũng không còn nghiện Facebook như trước.
Thạc sĩ Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cũng cho biết, nghiện Facebook dễ khiến người dùng chỉ sống trong thế giới ảo, công việc học tập đều giảm sút. Thậm chí họ không quan tâm đến sức khỏe, ăn ngủ không đúng giờ, không quan tâm đến cuộc sống thường ngày. Từ đó người nghiện Facebook có thể rối loạn giấc ngủ, đêm vào mạng ngày ngủ; có trường hợp phải ngừng học, bị đuổi học. Tình trạng lệ thuộc này có thể làm phát sinh những rối loạn tâm thần tiềm tàng khi người dùng ngủ kém, sức khỏe kém.
Nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng nghiện Facebook có thể dẫn tới mất ngủ, gây ra trầm cảm hay ngược lại. Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện Facebook. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ, bác sĩ khuyên bạn nên dừng sử dụng Facebook, có thể cần sự can thiệp về tâm lý. Tâm lý được xem là liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tự ý thức được vấn đề của mình. Nên lập kế hoạch sử dụng thời gian hợp lý và kín, để không có lúc nào rảnh để vào Facebook.
“Bạn cố gắng khống chế thời gian dùng, ví dụ ghi chép thời gian vào mạng hàng ngày để theo dõi xem tăng hay giảm đi. Nếu bạn có lo âu, trầm cảm, mất ngủ thì can thiệp thêm bằng thuốc”, Tiến sĩ Hà khuyên.
Hiện thế giới có 2,34 tỷ người dùng Facebook, chiếm gần 23% dân số, thời gian sử dụng từ 10 phút đến 70 giờ mỗi tuần, trung bình là 7 giờ.