Căn bệnh khiến 40.000 người Việt tự tử mỗi năm: Đừng chủ quan với những dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc trầm cảm
Hàng ngày, có nhan nhản các thông tin về tình trạng mắc trầm cảm, các vụ tự tử do trầm cảm xảy ra ở mọi đối tượng, từ các bạn học sinh, sinh viên đến các bà mẹ trẻ sau sinh, rồi cả các sao lớn ở nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam. Thế nhưng, ít ai nghĩ tới con số người tự tử do trầm cảm mỗi năm ở nước ta lại lớn đến thế: 40.000 người mỗi năm.
Theo một báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Cũng trong báo cáo này, số liệu cho thấy có khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tầm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
Điều đáng nói là khi có những dấu hiệu mắc trầm cảm, bản thân người bệnh không biết, mọi người xung quanh không để ý đã khiến cho căn bệnh trở nên trầm trọng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất chính là tự tử. Việc chủ quan này thật sự rất nguy hiểm, bởi chính những dấu hiệu mà bạn nghĩ là bình thường lại đang cảnh báo chúng ta về căn bệnh này.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm hay bị bỏ qua
Theo tài liệu phân loại bệnh tật quốc tế (ICD 10) và Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (NXB Y học), bệnh trầm cảm có một số dấu hiệu điển hình và dễ thấy như sau:
- Chỉ thích một mình, ngại giao tiếp: Dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn là tính cách của bản thân người đó, thế nhưng nó cũng có thể là biểu hiện của trầm cảm, khi người bệnh chỉ thích ở trong phòng một mình, không thích nơi đông người, cũng ngại nói chuyện với người khác.
- Nghiện mạng xã hội, thích nói chuyện trên mạng nhưng ở ngoài thì lại khép kín: Có thể thấy những người này ở trên mạng và bên ngoài có tính cách hoàn toàn trái ngược một cách khó hiểu.
- Thường xuyên buồn chán, ủ dột: Đôi khi cảm thấy buồn chán là chuyện bình thường nhưng nếu cảm giác đó kéo dài vài tuần trở lên thì cần xem xét ngay.
- Lúc nào cũng mệt mỏi: Mệt mỏi không có lý do, mệt mỏi dù chỉ ngồi một chỗ, nhất là khi cơ thể uể oải, thiếu sức sống thì không thể chủ quan.
- Không muốn làm việc, mất tập trung trong bất kỳ việc gì: Không chỉ là cảm giác chán làm việc mà trong bất kì việc gì, người bệnh cũng khó có thể tập trung và hoàn thành tốt.
- Bi quan, tự cảm thấy mình vô dụng, mình có lỗi, mất niềm tin trong cuộc sống: Đôi khi, chẳng vì lý do gì nhưng người bệnh vẫn cảm thấy như vậy.
- Dễ nổi giận, cáu gắt: Có thể thấy, người mắc trầm cảm dễ nổi giận vô cớ hoặc vì những việc rất nhỏ, đôi khi tự nổi giận với chính bản thân mình.
- Lo âu, hay có cảm giác bất an: Người mắc trầm cảm cũng hay bị lo âu vì những lý do rất vô lý, thậm chí do bản thân tự tưởng tượng ra rồi lo lắng.
- Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều: Nếu bỗng nhiên bị mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều mà không rõ nguyên nhân thì có thể đó chính là dấu hiệu của trầm cảm.
- Không có hứng thú với sở thích của mình nữa: Có sự thay đổi này thì bạn cũng nên xem xét ngay.
- Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ, ăn quá nhiều: Một hệ quả dễ thấy của điều này chính là sự thay đổi đột ngột của cân nặng, vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ mà vừa ảnh hưởng đến tâm lý.
- Nghĩ đến cái chết: Dấu hiệu này gần như xảy ra ở một nửa số người mắc bệnh trầm cảm.
Nên làm gì khi thấy mình có các dấu hiệu trầm cảm
Đầu tiên cần phải lưu ý rằng, các dấu hiệu trầm cảm ở giai đoạn đầu thường rất dễ nhầm lẫn với mệt mỏi, buồn chán thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn có từ 5 dấu hiệu trở lên trong số các dấu hiệu trên thì bạn không nên chủ quan.
- Hãy tâm sự với bạn bè và người thân để được giúp đỡ. Việc tâm sự này cũng phần nào giúp bạn giải toả tâm lý, khiến bệnh bớt nghiêm trọng và ngăn chặn tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
- Đi khám bác sĩ tâm lý để xác định mức độ bệnh và được điều trị kịp thời.
Đề phòng bệnh trầm cảm
Để phòng tránh bệnh trầm cảm, hãy chú ý quan tâm hơn đến cuộc sống của mình:
- Tránh làm việc, học tập quá sức..., ngoài giờ làm và học thì nên dành thời gian thư giãn, suy nghĩ đến các việc khác khiến bạn cảm thấy thoải mái vui vẻ hoặc nghe nhạc, đọc sách...
- Dành thời gian cho các sở thích của mình. Trong quỹ thời gian của bản thân, bạn nên có khoảng thời gian để thực hiện những việc mà mình yêu thích.
- Không nên "dính chặt" vào mạng xã hội, cần dành thời gian để trò chuyện, giao tiếp với mọi người ở bên ngoài.
- Thường xuyên vận động, tập luyện và tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời.
- Khi gặp các vấn đề khó khăn, hãy tâm sự để được mọi người giúp đỡ.
Nguồn tham khảo: ICD10, Bảng phân loại quốc tế bệnh tật (NXB Y học)