Cảm cúm

Cảm cúm

KIỂM TRA SỨC KHỎE (CHÚ Ý NHỮNG TRIỆU CHỨNG DƯỚI ĐÂY)

- Có sổ mũi không?

- Có tịt mũi không?

- Có thường xuyên hắt hơi không?

- Có đau họng không?

- Có đờm trong họng không?

- Có sốt không?

- Có đau đầu không?

- Có cảm thấy toàn thân mệt mỏi không?

- Có cảm thấy lạnh không?

Các biểu hiện trên đều là triệu chứng của bệnh cảm cúm. Bệnh cúm mà bình thường chúng ta đề cập đến trên thực tế là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Đa phần bệnh cảm cúm là do vi rút gây ra, ngoài bệnh cảm cúm thông thường, còn có viêm họng, viêm khí quản… Về việc điều trị, ngoài việc dùng thuốc, còn phải kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng và bổ sung nước.

Có một số người cho rằng cảm cúm chỉ là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi, thực ra, sau khi khỏi cúm, sức đề kháng của con người rất thấp, nếu không kịp thời kiểm soát tình hình bệnh thì các vi rút khác hoặc vi khuẩn khác sẽ nhân cơ hội mà xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh khác như viêm cơ tim, viêm thận… gây nguy hại đến sức khỏe con người bởi vậy, bệnh cảm cúm phải được chữa trị kịp thời.

Đa phần bệnh cúm là do vi rút gây ra.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA CẢM CÚM

 

80% - 90% bệnh cúm là do vi rút gây ra. Đó là những vi sinh vật chỉ có thể nhìn thấy được qua kính hiển vi, xâm nhập vào tế bào của cơ thể người hoặc động vật rồi sinh sôi nảy nở, dẫn đến các chứng bệnh khác nhau.

Trong số những vi rút gây ra bệnh cảm cúm, đã xác định được 9 loại bao gồm: vi rút mũi, vi rút dạng mào, virus bệnh cúm lưu hành, virus  bệnh cúm lưu cảm phụ, vi rút RS, vi rút tuyến, vi rút coxsackie, virus  echo, virus hợp bào đường hô hấp.

Mỗi loại vi rút lại có thể chia thành nhiều loại nhỏ, tổng cộng có tới hơn 200 loại, mỗi loại vi rút lại có những triệu chứng bệnh khác nhau.

Con đường lây nhiễm và nguyên nhân phát bệnh:

Con đường lây nhiễm thông thường nhất là người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi làm bắn các vi sinh vật mang mầm bệnh ra không khí, những người khác hít phải không khí đó và bị nhiễm bệnh. Bởi vậy, ở những nơi đông người rất dễ bị mắc bệnh cảm cúm.

Ngoài ra, vi sinh vật sau khi từ trong không khí hạ xuống mặt đất, nó sẽ theo bụi cát bay lên trong không khí, người hít phải sẽ mắc bệnh. Bởi vậy, những nơi bụi bặm cũng dễ mắc bệnh cảm cúm.

Nguyên nhân dẫn đến mùa đông dễ bị cảm cúm:

Mỗi năm, vào mùa đông lại có rất nhiều người bị cảm cúm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu là do không khí lạnh.

Mùa đông, nhiệt độ hạ thấp, vi rút bắt đầu phát triển mạnh, do nhiễm lạnh, con người dễ hắt hơi, sổ mũi, tỉ lệ truyền nhiễm bệnh càng cao. Ngoài ra, môi trường mùa đông thường hanh khô, nhiều bụi, những vi rút ở trên mặt đất theo bụi bay vào không khí, người nào hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Đương nhiên, mùa hè cũng có nhiều người bị mắc bệnh cảm cúm, chủ yếu là do những vi rút như vi rút tuyến, vi rút coxsackie, virus echo… gây ra, đặc điểm của những vi rút này là khả năng lây nhiễm rất mạnh trong môi trường nhiệt độ cao.

CẢM CÚM Ở TRẺ NHỎ

 

Trẻ nhỏ cảm cúm đa phần đều do vi rút gây ra, kiểu vi rút, vị trí bị lây nhiễm trên đường hô hấp và những triệu chứng của bệnh thì rất khác nhau.

Khi trẻ bị cảm cúm, phải đặc biệt chú ý kiểm tra tình trạng hô hấp của trẻ, bởi vì, đôi khi có thể xuất hiện hiện tượng khó thở, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu phát hiện thấy trẻ có tình trạng khó thở phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Phương pháp điều trị chủ yếu là uống thuốc kết hợp nghỉ ngơi.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

 

Để phát huy được sức đề kháng của bản thân, nên dành nhiều thời gian ở nhà nghỉ ngơi, duy trì sự yên tĩnh, ngủ đủ giấc, tránh tiêu hao thể lực, bổ sung nước và dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Khi bị cảm cúm, cảm giác thèm ăn và khả năng tiêu hóa giảm xuống, bởi vậy, nên ăn những thứ đồ ăn có nhiều nước, dễ tiêu như cháo, canh… Để bổ sung chất điện giải, có thể uống những thức uống vận động để bổ sung lượng nước.

Cần chú ý cả nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Nhiệt độ và độ ẩm trong phòng thấp, vi rút cúm càng hoạt động mạnh. Hơn nữa, không khí lạnh sẽ kích thích lên niêm mạc của mũi và họng, gây ra viêm.

Nếu không sốt, thông thường có thể tắm. Nhưng để tránh làm tiêu hao thể lực, không nên tắm lâu, hơn nữa, phải chú ý không để bị lạnh sau khi tắm. Khi sốt không nên tắm. Khi đi ra ngoài, nên tránh những nơi đông người, nên về nhà sớm để nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc.

Hút thuốc sẽ kích thích niêm mạc ở cổ họng, bởi vậy, khi bị cảm cúm không nên hút thuốc.

Ngoài ra, nếu mắc bệnh vài hôm mà cứ sốt cao không hạ sốt, xuất hiện hiện tượng khó thở hoặc đau ngực hoặc tình trạng bệnh kéo dài hơn 1 tuần mà không đỡ thì phải đi bệnh viện để khám và điều trị.

CÁCH DÙNG THUỐC

 

Khi bị sổ mũi, tắc mũi, có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng hoặc nhỏ thuốc mũi. Thuốc nhỏ mũi có tác dụng phụ nên khi nhỏ thuốc không nên lái xe.

Khi toàn thân mệt mỏi, sốt, nên dùng thuốc hạ sốt.

Sốt là phản ứng phòng vệ của cơ thể trước vi sinh vật mang mầm bệnh. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, vi rút và vi khuẩn không còn khả năng sinh sôi và sẽ chết đi. Bởi vậy, không nên tùy tiện uống thuốc hạ sốt.

Thông thường, khi sốt làm cho cơ thể mệt mỏi, tiêu hao sức lực quá nhiều, không còn khả năng phát huy tác dụng sức đề kháng tự nhiên thì nên uống thuốc hạ sốt. Nhưng thuốc hạ sốt có nhiều tác dụng phụ, nên uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi ho nhiều và cơ thể mệt mỏi, nên uống thuốc ho. Nếu nhiều đờm có thể uống thuốc long đờm.

10 điểm cần chú ý khi bị cúm:

  • Nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
  • Uống đúng thuốc.
  • Giữ nhiệt độ phòng ở khoảng 200C.
  • Giữ độ ẩm trong phòng ở khoảng 70%.
  • Khi ăn không ngon miệng, không nên ép ăn, cố gắng ăn những thức ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa.
  • Bổ sung nước.
  • Trước khi bệnh đỡ không nên ra ngoài.
  • Khi sốt không được tắm.
  • Những người đang mắc các bệnh khác trước khi bị cúm, trẻ em và phụ nữ có thai, khi dùng thuốc phải hết sức thận trọng.
  • Nếu xuất hiện tình trạng sốt liên tục phải lập tức đến bệnh viện kiểm tra.

PHÒNG TRÁNH CẢM CÚM

 

Các biện pháp phòng tránh thông thường

Muốn phòng tránh cảm cúm, trước tiên không nên đến những nơi dễ phát sinh lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó là rất khó bởi trong cuộc sống thường ngày, những nơi dễ phát sinh lây nhiễm nhất như nhà vệ sinh công cộng, xe buýt, trường học, nơi làm việc… lại là những nơi mà ta thường xuyên phải lui tới.

Chú ý đến cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều protein và vitamin, ngủ đủ giấc, không làm việc quá mệt mỏi, tránh dồn nén nhiều áp lực. Nên thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thân thể, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Đó là những cách phòng tránh cảm cúm rất hiệu quả. Khi đi đâu về nhà nên rửa tay bằng nước ấm, súc miệng sạch sẽ.

Khi ở nhà, nên chú ý nhiệt độ, độ ẩm trong phòng, nhà phải thông gió, thoáng mát. Môi trường hanh khô là môi trường rất thích hợp đối với vi rút cúm. Bởi vậy, cần tăng thêm độ ẩm cho căn phòng bằng thiết bị làm ẩm.

Vi rút cúm có thể luồn qua các khe của khẩu trang, bởi vậy, đeo khẩu trang không có nghĩa là đã an toàn. Tuy nhiên, người mắc bệnh đeo khẩu trang có thể ngăn được vi rút phát tán ít, không làm khô cổ họng, cũng có tác dụng trong việc phòng tránh bệnh.

HỎI ĐÁP


Hỏi

: Sắp làm mẹ mà bị cúm thì phải làm thế nào?

Đáp

: Theo các chuyên gia, dùng thuốc trong thời kỳ mang thai không phải là tuyệt đối an toàn cho thai nhi, bao gồm cả một số loại thuốc bắc. Dùng thuốc trong thời kỳ mang thai phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nguyên tắc khi quyết định phụ nữ mang thai có thể uống thuốc chữa cảm cúm hay không, đó là: những loại thuốc có lợi nhiều cho bà mẹ và ít nguy hiểm cho thai nhi mới nên cân nhắc sử dụng, nếu có thể, trong 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ một loại thuốc nào.


Hỏi

: Bị cúm rồi có thể đi xông hơi được không?

Đáp

: Có một số người mắc bệnh cúm muốn đi xông hơi để cho ra nhiều mồ hôi nhằm loại bỏ một cách nhanh chóng các vi rút và vi khuẩn gây bệnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, làm như vậy sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Tốt nhất là nên nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng.


Hỏi:

Trẻ nhỏ khi bị cúm có thể ăn nhiều ngọt không?

Đáp:

Trẻ em khi bị cúm, sốt, không nên ăn nhiều đồ ngọt. Bởi vì, khi cơ thể không được khỏe thì dịch tiêu hóa tiết ra ít, hoạt động của dạ dày chậm lại, chức năng tiêu hóa thất thường nên ăn không ngon miệng. Ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm tiêu hao đi lượng vitamin trong cơ thể, cơ thể nếu thiếu vitamin thì miệng sẽ tiết ít nước bọt, gây cảm giác chán ăn. Đặc biệt là khi ăn nhiều đồ ngọt trước bữa ăn sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao. Hơn nữa, ăn nhiều đồ ngọt cũng không có lợi cho việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Trẻ nhỏ khi cảm cúm nên uống nhiều nước, vừa có tác dụng hạ nhiệt, vừa đào thải được những chất có hại trong cơ thể ra bên ngoài, chủ yếu ăn những thức ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...