Cai thuốc lá, bớt uống rượu

Cai thuốc lá, bớt uống rượu

Thuốc lá:

Không hút, nếu hút cũng không quá 5 điếu/ngày. 

Rượu:

Không uống, nếu uống không nên quá 15ml/ngày. 

Cai thuốc bớt rượu chính là nền tảng thứ ba của sức khỏe.

Hút thuốc có hại cho sức khỏe, đây là điều mà mọi người đều biết cả. Nhưng tiếc rằng không phải ai cũng làm được. Vì điều đó đòi hỏi phải quán triệt cả ba điều giữa hiểu, tin và thực hành.

Nghiên cứu chuyên môn cho thấy, khoảng 95% người đều hiểu hút thuốc có hại cho sức khỏe, cũng có tới hơn phân nửa dân nghiện nghĩ tới việc cai thuốc lá. Nhưng thực sự cai thành công chỉ khoảng 5%. Từ 95% rồi 50% và cuối cùng chỉ còn 5%, mức chênh lệch giữa hiểu, tin và thực hành khác xa biết bao! Đó chính là một vấn đề vô cùng phức tạp.

Tại sao lại tồn tại sự chênh lệch lớn như vậy?

Tại sao thừa biết hút thuốc có hại mà người nghiện vẫn chấp nhận sa lầy?

Tóm lại có hai nguyên nhân chủ yếu. Đứng về mặt khách quan, tác hại của thuốc lá không bộc phát ngay. Nghĩa là cơ thể không bị lâm bệnh ngay sau lần hút. Nghiện thuốc lá cứ như trúng độc mãn tính, khoảng cách gây hại kéo dài. Thứ hai, hệ nhân quả giữa hút thuốc và phát sinh những căn bệnh như tim mạch, ung thư phổi, tai biến mạch máu não... Là lẽ đương nhiên, song không phải là nguyên nhân duy nhất. Vì nghiện thuốc lá chưa chắc bị tai biến mạch máu não hoặc ung thư phổi... Ta có thể khẳng định hút thuốc có hại, song chưa hẳn là 100%. Vì cũng có bệnh nhân ung thư phổi mà không hút thuốc. Đến nay, con người vẫn chưa nhận thức cấp thiết về tính nguy hại của thuốc lá hoặc còn mang tâm lý cầu may.

Nguyên nhân thứ hai là vì sự tuyên truyền của chúng ta còn kém sâu rộng. Chưa giúp người dân hiểu một cách triệt để về tác hại của thuốc lá. Gần đây có nhà bác học của Đức đã có bài báo lên án một nước lớn nọ đã xuất khẩu “chết chóc” ra thế giới. Nước lớn này vừa kêu gọi dân bản xứ đừng hút thuốc, vì thuốc lá mang lại sự chết chóc, mặt khác lại ra sức sản xuất thuốc lá, tài trợ cho các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu thuốc lá sang các nước thuộc thế giới thứ 3, để dân những nơi này chết sớm và thu hút ngoại tệ bất lương về nước họ. Bài báo nhấn mạnh rằng: Nước lớn này đã xuất khẩu sự chết chóc trên thế giới, là tội phạm chiến tranh cực kỳ nguy hiểm. Họ chỉ biết bảo vệ dân mình lại đẩy dân nước khác tìm tới cái chết.

Song tại sao đa số người đến nay còn chưa chịu cai thuốc lá?

Vì họ nghĩ rằng tác hại của thuốc lá chưa nghiêm trọng như lời tuyên truyền. Cũng có thể chỉ là lời phóng đại của giới y bác sĩ. Hoặc tuyên truyền cực đoan mà thôi. Tôi muốn thưa với các bạn điều này: Hút thuốc có hại cho sức khỏe là chuyện có thật 100%.

Xin kể với các bạn một câu chuyện lịch sử sau đây:

Năm 1962, khi toàn thế giới còn chưa biết gì về tác hại của thuốc lá, Viện Khoa học Hoàng gia Anh đã phát biểu một bài báo cáo nói lên tác hại của thuốc lá. Khi đó, Tổng thông Mỹ Kennedy đang mở cuộc họp báo, có phóng viên đặt câu hỏi với ông: “Ngài có đồng ý với nội dung bài phát biểu của Viện Khoa học Hoàng gia Anh chăng? Và cố vấn Y tế của Ngài có tán đồng không? Nếu không tán đồng, chính phủ Ngài sẽ có biện pháp gì?”

Câu hỏi trên thật nhạy cảm, ông Kennedy đã trả lời rằng: “Thị trường chứng khoán giờ đây đang bế tắc, tôi xin hẹn lần sau mới trả lời câu hỏi nhạy bén của anh”. Sau đó, ông liền cho họp toàn thể giới khoa học gia hàng đầu trong nước, thành lập một ủy ban chuyên để nghiên cứu riêng về tác hại của thuốc lá, cử ra 150 nhà khoa học danh tiếng của Mỹ tham gia. Nhưng sau đó vì muốn chứng tỏ tính trung lập, khách quan và đáng tin cậy trong quan điểm của các nhà khoa học, cơ quan khoa học đứng ra chọn người, công ty sản xuất thuốc lá cũng tán đồng, cuối cùng, chỉ chọn ra 11 vị đủ tư cách.

Công ty thuốc lá lại đưa ra ý kiến, phản đối ông Kelico làm trưởng nhóm tham gia nghiên cứu, vì vài năm trước, ông này từng có lời phát biểu về tác hại thuốc lá. Cho rằng ông này có phần thiên lệch, vì chưa qua nghiên cứu đâu có thể đưa ra kết luận vội vã nên đã gạch tên ông ra ngoài. Cuối cùng, con số 10 người cũng được mọi đại diện tán đồng. Trải qua hai năm nghiên cứu độc lập, tư liệu nghiên cứu hoàn toàn bảo mật, chỉ trình lên chính phủ, xử lý theo văn kiện quân sự cơ mật. Sau đó mới công bố kết quả nghiên cứu chính thức tại tòa nhà Quốc hội ở Washington xem việc hút thuốc có hại cho sức khỏe hay không.

Chưa dám công bố ngay vào ngày thứ sáu, vì lo sợ gây ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán, đành sắp xếp vào ngày thứ bảy. Hoa Kỳ chính thức tuyên bố cho toàn thế giới biết: Thuốc lá có hại cho sức khỏe! Là tội phạm gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não, bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh phổi mãn tính. Thuốc lá có hại là chuyện được khẳng định, là kết quả nghiên cứu tuyệt đối, cho nên mỗi người đều phải tránh xa!

Có người cho rằng cai thuốc không phải chuyện dễ! Thật ra chuyện này dễ hay không, chủ yếu phụ thuộc vào quyết tâm của người cai thuốc. Chỉ cần bạn kiên định ý chí, không cần nhờ vào uống trà cai, ăn kẹo cai, dùng thuốc cai, vẫn có kết quả. Từng có nhiều người sau khi biết mình đã mắc phải bệnh ung thư, bệnh xuất huyết não, lập tức chịu cai. Tục ngữ có câu: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chính là như vậy. Khi con người đã bị phán “tử hình chậm” do hút thuốc, ý chí ham sống sẽ trỗi dậy và mang tới cho họ sức mạnh kiềm chế phi thường.

Chúng tôi kêu gọi mọi người nên tự giác cai thuốc, vì chỉ cần đủ ý chí, bạn sẽ thành công. Thí dụ: Ông Lenin đã hút thuốc vào tuổi 17, hút rất nhiều, có lần mẹ ông đã nói với ông rằng: “Mẹ hàng ngày lao động vô cùng cực nhọc, chẳng kiếm được là bao, trong khi đó tiền thuốc lá của con thật tốn kém!” Lenin là người con hiếu thảo, nghe mẹ nói vậy, liền thưa: “Vậy con cai thuốc nhé!” Thế là rút bỏ ngay nửa điếu thuốc còn lại trong miệng. Từ đó về sau, suốt đời ông không đụng tới điếu thuốc lá khác!

Còn có khối câu chuyện thật để chứng minh cho việc cai thuốc là chuyện có thể làm được và làm ngay.

Đáng tiếc rằng, người ta thường chỉ chịu cai vào giây phút đã biết mình lâm bệnh. Chuyện đó đã quá muộn màng. Qua điều tra về con nghiện thuốc lá cho thấy một điểm lạ: Lời khuyên cai thuốc của cha mẹ không sánh bằng một nửa hiệu quả bởi lời khuyên của người yêu. Xem ra sức mạnh tình yêu mãnh liệt thật!

Tóm lại, cai thuốc lá có thể chia hai dạng: Một là dạng chủ động, thường thể hiện qua hành động tự nguyện của người bệnh; hai là dạng bị động, hiệu quả không rõ nét. Thậm chí còn mắc bệnh ung thư và chết sớm sau khi cai. Tại sao? Vì hành động cai không tự nguyện, cai một cách buồn bã, chịu trận và bị bắt buộc.

Tóm lại hút thuốc có hại, nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu có khó khăn nhất thời, chưa thể bỏ hẳn, cũng nên giảm và hạn chế số lượng hút trong vòng 5 điếu, để hạn chế sự nguy hại. Có điều cần nhắc nhở rằng: Với căn bệnh nghẽn tim mạch, tác hại của thuốc lá tỷ lệ thuận với bình phương số thuốc hút, nghĩa là lượng hút tăng một lần, nguy hại sẽ tăng 4 lần.

Rượu cũng như con dao hai lưỡi! Uống một lượng ít, rượu sẽ là bạn của sức khỏe, quá chén, rượu sẽ là tội phạm gây bệnh. Qua điều tra, có 50% tội phạm hình sự là kẻ nghiện rượu, 40% tai nạn giao thông do rượu, 25% bệnh nhân là con nghiện rượu. Quan điểm mới của WHO cho thấy: Rượu uống càng ít càng tốt, đừng bao giờ càng uống càng nhiều, tới mức không thể tự kiềm chế, rơi vào thế say xỉn, biến bạn sức khỏe thành thù sức khỏe! Nếu thích uống rượu hãy chú ý đừng uống quá 15ml trong một ngày nhé!

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...